Biển Đông tiếp tục nóng ở Hội nghị quốc phòng ASEAN
Biển Đông là một trong những vấn đề nóng sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN(ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ ba diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 2 - 5.11.
Một cuộc họp trong khuôn khổ ADMM ngày 2.11 - Ảnh: Lam Yên
Tham dự hội nghị lần này, ngoài Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN còn có bộ trưởng tám nước đối tác đối thoại: Mỹ, Nga, Úc, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc. Đại diện Việt Nam là thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến.
Trước thềm hội nghị, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Dương Vũ Quân cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn sẽ công bố lập trường của Trung Quốc về an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời nêu rõ chủ trương và biện pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ ổn định và hoà bình khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết một trong những vấn đề nóng tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị lần này là Biển Đông, mà nổi cộm là hoạt động quân sự và xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.
Tuần trước, sáng ngày 27.10, hải quân Mỹ đã triển khai tàu khu trục USS Lassen trang bị tên lửa dẫn đường tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa. Đây được xem là một động thái “nắn gân” của Mỹ trước việc coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 29.10, Toà trọng tài thường trực (PCA) cũng khẳng định đủ thẩm quyền thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc trong việc tranh chấp trên Biển Đông, dù Trung Quốc từ chối không tham gia.
Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo (Nhật), bản dự thảo Tuyên bố chung của Malaysia lần này không đề cập chữ nào đến Biển Đông mà chỉ nói “chung chung” nhấn mạnh tầm quan trọng quyền tự do hàng hải và hàng không theo các nguyên tắc của luật quốc tế (trong đó có Công ước LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS).
Tại buổi họp báo chiều ngày 2.11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein cho biết, với chủ đề “Duy trì sự ổn định an ninh khu vực và hướng tới người dân”, hội nghị lần này sẽ thảo luận về biện pháp thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng để bảo vệ hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực; tăng cường xây dựng lòng tin trong các thách thức về an ninh quốc phòng như an ninh lãnh thổ, an toàn hàng hải, thảm hoạ, thiên tai…
Bên cạnh đó, ASEAN phải tìm giải pháp khả thi trước nguy cơ một số nước ASEAN trở thành trạm trung chuyển của những kẻ khủng bố trong việc di cư bất hợp pháp. Trước mắt, lực lượng vũ trang Malaysia sẽ chủ trì một cuộc họp đặc biệt về vấn đề tuần tra eo biển Malacca với sự tham gia của bốn nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Ngoài ra, phiến quân IS cũng là một trong những vấn đề đáng được quan tâm. “Phiến quân IS là hiểm hoạ trước mắt đối với an ninh khu vực. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, nó sẽ biến khu vực ASEAN trở thành thảm hoạ tồi tệ nhất trên thế giới”, ông Hussein nói.
167 người Trung Quốc bị bắt ở Campuchia do lừa đảo
Tân Hoa xã ngày 1-11 cho hay cảnh sát Campuchia đã bắt giữ 167 công dân Trung Quốc ở tỉnh Preah Sihanouk vì tội dùng điện thoại để lừa đảo.
Cảnh sát Campuchia bắt giữ hàng trăm nghi can Trung Quốc vì tội lừa đảo - Ảnh: Global Post
Phát biểu với báo giới, trung tướng Khun Sambo, phó tổng cục trưởng Tổng cục Nhập cư Campuchia, cho biết: “Khoảng 167 người Trung Quốc, trong đó có 19 phụ nữ, đã bị bắt giữ vào thứ bảy (31-10) do bị tình nghi sử dụng VoIP (một loại hình dịch vụ gọi điện qua Internet) từ Campuchia để đe dọa và tống tiền các nạn nhân Trung Quốc”.
Ông cho biết thêm cảnh sát nước này đã tiến hành hai cuộc bố ráp theo đề nghị từ phía cảnh sát Trung Quốc với sự tham gia 17 sĩ quan cảnh sát và nhân viên đại sứ quán nước này.
Ông Khun Sambo khẳng định cảnh sát đã thu giữ một số điện thoại, máy tính xách tay mà các nghi phạm sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
“Những nghi phạm này sẽ được đưa về Trung Quốc để xét xử” - ông nói.
Trong vụ án trên, cảnh sát Campuchia cho biết các nghi phạm thường lợi dụng các mạng chủ ở nước ngoài để mạo danh là người của tòa án hoặc cảnh sát và cảnh báo các tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã bị xâm phạm, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền tới một tài khoản an toàn khác rồi chiếm đoạt số tiền trên.
Trung, Nhật nối lại đàm phán khai thác chung ở biển Hoa Đông
Nhật Bản và Trung Quốc đã thống nhất nối lại đàm phán cấp cao về biển Hoa Đông và việc khai thác chung ở vùng biển tranh chấp giữa 2 siêu cường châu Á này.
Một quan chức của Nhật cho biết, sau cuộc hội đàm tối 1.11 giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước đã thống nhất nối lại đàm phám việc khai thác tài nguyên chung ở biển Hoa Đông bị gián đoạn từ năm 2012, theo South China Morning Post ngày 2.11.
Cuộc hội đàm của thủ tướng 2 nước được tổ chức bên lề cuộc họp ba bên Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng mối quan hệ giữa 2 nước đã trải qua những thời điểm khó khăn, vì vậy Trung Quốc và Nhật Bản nên cẩn trọng trong việc xử lý các vấn đề nhạy cảm. Các nhà lãnh đạo trao đổi thẳng thắn các vấn đề khác nhau, quan chức Nhật cho biết nhưng không nói việc hai bên có đề cập đến vấn đề Biển Đông hay không.
Cuộc đàm phán cấp cao khai thác tài nguyên chung ở vùng biển tranh chấp sẽ được Tokyo và Bắc Kinh bắt đầu lại từ đầu năm 2016.
Hai thủ tướng Nhật - Trung cũng đồng ý từ năm 2016 sẽ tiến hành đối thoại kinh tế song phương nhằm phát triển quan hệ kinh tế giữa 2 nước vốn bị ảnh hưởng trong 6 năm qua vì những bất đồng liên quan đến tranh chấp trên biển và những vấn đề khác.
Thủ tướng Abe và Thủ tướng Lý đồng ý sẽ thiết lập cơ chế liên lạc trên biển và trên không giữa 2 nước để tránh những xung đột, đồng thời nối lại những chuyến viếng thăm lẫn nhau của các ngoại trưởng, theo quan chức Nhật nói trên.
Đột phá hữu nghị
Giàn khoan khai thác dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông - Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật nói rằng ông có “niềm tin vững chắc” trong nguyên tắc xây dựng quan hệ chiến lược vì lợi ích của các bên với Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi Tokyo hỗ trợ các nước châu Á khi xử lý vấn đề an ninh quân sự và những nỗ lực cần có sự phối hợp của cả hai bên để đảm bảo mối quan hệ của 2 nước đi đúng hướng.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo có những căng thẳng bởi những vụ tranh chấp ở biển Hoa Đông và những vấn đề còn sót lại từ thời Thế chiến II.
Liang Yunxiang, một chuyên gia về Nhật Bản ở đại học Bắc Kinh nói rằng cuộc gặp giữa ông Abe và ông Lý cho thấy 2 bên đang có những động thái cái thiện mối quan hệ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến biển Hoa Đông.
“Đó là bước đột phá của tình hữu nghị. Nó quan trọng hơn cả những vấn đề lịch sử, trong đó đáng chú ý là Nhật sẽ tham gia khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang khai thác”, chuyên gia Trung Quốc nói tiếp.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vẫn còn một chặng đường dài để 2 bên có thể đạt được một cơ chế liên lạc vì cả hai đang muốn tránh bị coi là thừa nhận chủ quyền của nước kia ở vùng biển đang tranh chấp.
"Bắc Kinh đang cố gắng thuyết phục Nhật Bản thừa nhận rằng hai nước đang có tranh chấp chủ quyền và muốn đưa nó vào các cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Tuy nhiên Tokyo không bao giờ chấp nhận điều này", chuyên gia Victor Teo ở Đại học Hồng Kông bình luận.
Nhật đề nghị hợp tác với Hàn Quốc về vấn đề Biển Đông
Thủ tướng Abe nói muốn hợp tác với Seoul và Washington để thực hiện “nhiệm vụ” bảo vệ và thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Nhật Bản đề nghị hợp tác với Hàn Quốc về vấn đề Biển Đông - Ảnh minh họa: AFP
Hãng Reuters ngày 2.11 đưa tin, trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập đến vấn đề Biển Đông và gọi đó là nguyên nhân gây ra những quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Abe nói rằng Tokyo muốn hợp tác với Seoul và Washington để thực hiện “nhiệm vụ” bảo vệ và thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đề nghị của Thủ tướng Abe đưa ra sau một tuần Mỹ điều tàu chiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Sau sự kiện này, Thủ tướng Abe cũng tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải của Washington.
Hiện chưa rõ phản ứng của Tổng thống Hàn Quốc sau lời đề nghị này. Seoul lâu nay luôn dè dặt với những tranh chấp ở Biển Đông cũng như tránh đưa ra quan điểm chống hay ủng hộ Bắc Kinh như đồng minh Mỹ và Nhật.
Tổng thống Barack Obama cũng đã thúc giục Tổng thống Park khi bà công du nước Mỹ hồi tháng 10 vừa qua rằng Seoul cần có quan điểm rõ ràng về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là với những hành động của Trung Quốc vốn bị Washington cho rằng đang vi phạm luật biển quốc tế, theo Reuters. Tuy nhiên, Seoul phủ nhận bị Washington gây áp lực trong vấn đề về Biển Đông.
Ngược lại với mong đợi của Tokyo và Washington, Seoul đang tiến gần hơn với Bắc Kinh vì đang phụ thuộc kinh tế cũng như sự giúp đỡ của Trung Quốc để đối phó với Triều Tiên. Chính vì vậy, Tổng thống Hàn Quốc không đề cập đến Biển Đông trong cuộc họp, Nikkei Asian Review nhận định.
Cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo Nhật và Hàn Quốc diễn ra trong khuôn khổ đối thoại tay ba gồm Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc diễn ra hôm 1.11 tại thủ đô Seoul, nội dung chính là đẩy mạnh chương trình hợp tác giữa 3 nước láng giềng được xem là các cường quốc châu Á này.
Vấn đề Biển Đông được Thủ tướng Abe đề cập riêng với Tổng thống Park bên cạnh một chủ đề khác đã tồn đọng từ Thế chiến thứ 2, là quân đội Nhật bị chỉ trích lạm dụng tình dục đối với phụ nữ Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Vấn đề Biển Đông cũng được Thủ tướng Abe đề nghị cho cuộc gặp tay ba nhưng bị Trung Quốc từ chối.
Tiết lộ cuộc hội đàm giữa tư lệnh hải quân Mỹ và Trung Quốc
Người đứng đầu hải quân Trung Quốc và Mỹ đã có cuộc đối thoại tuần qua cho thấy những chi tiết thực tế hơn về những tranh cãi xung quanh động thái của tàu USS Lassen ngày 27.10.
Nhiều chi tiết mới được tiết lộ quanh cách ứng xử của tàu hai nước trong cuộc nói chuyện giữa Tư lệnh Hải quân Mỹ và Trung Quốc vừa qua - Ảnh: Reuters
Trong bài viết ngày 31.10, tờ Defense News (Mỹ) đã đưa ra một số chi tiết về cuộc nói chuyện giữa Tư lệnh Hải quân hai nước: Đô đốc John Richardson của Mỹ và Đô đốc Wu Shengli của Trung Quốc hôm 29.10 về sự kiện tàu khu trục Mỹ USS Lassen áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo đó, ông Richardson và ông Wu đã nói chuyện trực tuyến qua cuộc gọi video theo yêu cầu từ phía Trung Quốc nhằm làm rõ những chi tiết quanh các động thái của tàu USS Lassen.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc đối thoại này, Hải quân Mỹ lưu ý rằng: “Các hoạt động tuần tra của Mỹ được thực hiện trên phạm vi toàn cầu và cả ở những vùng có tranh chấp hàng hải luôn tuân theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải. Các hoạt động này không nhằm thách thức chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Mỹ cũng không đóng vai trò nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông”.
Những chi tiết mới về việc tàu khu trục Mỹ USS Lassen đi qua các khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa ngày 27.10 đã được một nguồn tin từ Hải quân Mỹ tiết lộ. Trong đó, người này khẳng định tàu USS Lassen đã “sử dụng quyền qua lại không gây hại” và không có ý định kích động. Phía Trung Quốc đã cho tàu bám đuôi, nhưng hai bên đều ứng xử chừng mực khi gặp nhau trên biển, theo Defense News.
Nguồn tin này nói thêm rằng radar điều khiển hỏa lực của tàu USS Lassen đã được tắt và không có chiếc trực thăng nào của tàu Lassen cất cánh. Máy bay tuần biển và săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ có mặt trong khu vực, nhưng không bay vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp nói trên.
“Các tàu của Trung Quốc đã tỏ ra rất chuyên nghiệp. Họ đi theo tàu USS Lassen nhưng giữ khoảng cách an toàn. Đó là những tàu vận tải. Một chiếc trong đó tách khỏi bến đậu từ các đảo nhân tạo và đi ngang mũi tàu USS Lassen nhưng ở khoảng cách an toàn”, Defense News dẫn lời nguồn tin trên cho biết.
Ngoài cuộc trao đổi về USS Lassen, hai bên cũng đã nói về những kế hoạch viếng thăm và quan hệ của hải quân hai nước.
(
Tinkinhte
tổng hợp)