'Tái cân bằng ở châu Á vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ'
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua (1-11) thăm khu phi quân sự ngăn cách bán đảo Triều Tiên và nhắc lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng tránh khiêu khích, từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ashton Carter sau đó đã trở về Seoul dự hội nghị an ninh được tổ chức thường niên với các lãnh đạo quốc phòng Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter (trái) tại cuộc họp báo sáng nay. Ảnh: Twitter Bộ Quốc phòng Mỹ
Cuộc họp được kỳ vọng tập trung vào tiến trình của Seoul trong việc phát triển năng lực quân sự, để không phải cần Mỹ chỉ huy lực lượng Hàn Quốc nữa trong trường hợp Bình Nhưỡng tấn công Hàn Quốc.
Ông Carter và người đồng cấp của Hàn Quốc đã chủ trì một cuộc họp báo vào sáng nay (theo giờ Việt Nam), sau một chuỗi các cuộc họp mặt của các lãnh đạo cấp cao Mỹ và Hàn Quốc.
Tại cuộc họp báo sáng nay, ông Carter nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với chiến lược tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương. "Các cam kết tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", tài khoản mạng xã hội Twitter của Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn lời Bộ trưởng Carter.
Mỹ cam kết chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này.
Vị lãnh đạo Lầu Năm Góc nói thêm: "Chúng tôi phải làm vững chắc hơn nữa kiến trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tất cả quốc gia trong khu vực có thể tiếp tục phát triển, thịnh vượng và thắng lợi".
Bộ trưởng Mỹ cũng không quên gửi thông điệp đến bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc với nội dung: "Chúng ta (Mỹ và Hàn Quốc - PV) sẽ luôn cùng nhau sẵn sàng chiến đấu ngay khi cần, đồng thời gìn giữ quan hệ đồng minh vững chắc giữa hai quốc gia".
Ứng viên đảng Cộng hòa chỉ trích chính sách của Tổng thống Obama với Syria
Các ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa chỉ trích chính sách của Tổng thống Barack Obama đối với Syria là yếu kém, theo Reuters ngày 2.11.
Chính sách của Tổng thống Barack Obama đối với Syria bị các ứng cử viên đảng Cộng hòa chỉ trích - Ảnh: AFP
Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định triển khai một nhóm chưa tới 50 lính lực lượng đặc nhiệm tới miền bắc Syria trong tháng 11 nhằm chống IS, các ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa đã chỉ trích chính sách của ông Obama đối với Syria.
Những người này cho rằng chính sách đó là yếu kém, đồng thời nghi ngại liệu lực lượng đặc nhiệm có làm được điều gì khác biệt khi Mỹ không có chiến lược nào cụ thể và áp dụng trên diện rộng.
Thượng nghị sĩ bang South Carolina, ông Lindsey Graham, gọi quyết định của Tổng thống Obama là “sự thất bại trên mọi mặt trận”. Ông cho rằng đặc nhiệm Mỹ sắp lao vào “một chiến trường tồi tệ mà không hề có cơ hội giành chiến thắng”.
Ông Graham nói: “Những gì chúng ta sẽ làm là để vấn đề Syria cho Nga và Iran giải quyết, và cũng chắc rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ tiêu diệt được IS trong nhiệm kỳ của ông Obama, rồi mớ hỗn độn đó sẽ được chuyển cho tổng thống kế tiếp xử lý”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Florida, ông Marco Rubio, khẳng định vấn đề không phải ở việc triển khai lính đặc nhiệm Mỹ tới Syria mà phải hỏi chiến lược của Tổng thống Obama ở đây là gì.
Ứng cử viên Jeb Bush mặc dù hoan nghênh quyết định triển khai đặc nhiệm nhưng cho rằng không thể để Mỹ sa lầy mà cần có chiến lược thực sự để đánh đuổi IS và buộc Tổng thống Assad phải ra đi.
Bên cạnh đó, nữ ứng cử viên đảng Cộng hòa, bà Carly Fiorina, cũng lên tiếng chỉ trích chính sách của Tổng thống Obama khi cho rằng việc triển khai đặc nhiệm Mỹ là quá ít và quá muộn. “Điều đó phản ánh thực tế là Mỹ không hành động, không hề đi đầu trong 3 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, lựa chọn của chúng ta rất hạn chế và tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm”, bà Fiorina nói.
Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã quyết định sẽ triển khai lính đặc nhiệm Mỹ tới Syria để huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ phe nổi dậy chống chính phủ ở Syria nhằm tăng cường chiến dịch chống IS của Mỹ.
Qatar xây thành phố cho lao động nước ngoài
Qatar đã xây dựng nguyên một “thành phố” cho khoảng 70.000 lao động nhập cư đến nước này làm việc trong những dự án xây dựng lớn như các công trình phục vụ Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022.
Văn phòng kỹ sư đặc biệt Qatar đã chính thức ra mắt dự án nhà ở trị giá 825 triệu USD, được thiết kế cho khoảng 68.640 người lao động sinh sống, theo đài RT ngày 2.11. Lễ khánh thành diễn ra tại thủ đô Doha (Qatar) ngày 1.11 với sự có mặt của Thủ tướng Qatar, ông Abdullah bin Nasser Al-Thani và Bộ trưởng Lao động Abdullah al-Khulaifi.
“Thành phố lao động” này nằm cách thủ đô Doha 14 km, rộng 1.100.000 m2, là một trong 7 dự án nhà ở mà chính phủ Qatar đang xây dựng cho 260.000 lao động nhập cư.
Mỗi dự án gồm 2 phân khu: khu căn hộ và khu giải trí và kinh doanh. Ở đây còn có một nhà hát lớn với 17.000 chỗ ngồi, một trung tâm thương mại và chợ với 200 cửa hàng, 4 rạp chiếu phim và một sân bóng cricket. Ngoài ra, “thành phố” này còn có 2 nhà thờ thuộc hàng lớn nhất cả nước.
Khu nhà ở gồm 55 tòa chung cư, nơi hành lễ, phòng khám và bãi đỗ xe. Các buồng điện thoại công cộng và khu phát sóng Wi-Fi cũng được lắp đặt. Người lao động từ các nước Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka và Việt Nam đang sinh sống tại khu này.
Hai đồn cảnh sát và mạng lưới camera quan sát được triển khai tại khu này để đảm bảo an ninh.
Qatar đang đầu tư ồ ạt cho việc xây dựng các sân vận động và khách sạn nhằm phục vụ giải bóng đá World Cup 2022, với chi phí dự kiến là 16 tỉ USD. Tuy nhiên, việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng có thể đẩy tổng chi phí lên đến 200 tỉ USD.
Trung Quốc cách chức tổng biên tập của Nhật Báo Tân Cương
Theo AP/The Guardian, Trung Quốc đã cách chức tổng biên tập Nhật Báo Tân Cương - ông Triệu Tân Úy vì ông này chỉ trích các nỗ lực chống khủng bố của Bắc Kinh sau khi nước này áp đặt các quy định mới cấm mọi hình thức chỉ trích chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Triệu Tân Úy. Ảnh: Trang Twitter của People's Daily
Ông Triệu bị cách chức và khai trừ Đảng sau khi bị điều tra và phát hiện từng thảo luận "không phù hợp" và công khai phản đối chính sách của chính quyền tại khu vực miền Tây Trung Quốc.
Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 2-11 đưa tin ông Triệu đã có những "phát ngôn và hành vi" đi ngược lại các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn ngừa tình trạng cực đoan tôn giáo và khủng bố.
Trong khi đó, theo Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này có kế hoạch truy tố ông Triệu với cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng (cụm từ thường được dùng để chỉ tội tham nhũng) và không chấp hành đường lối của Đảng về chống ly khai, khủng bố và các vấn đề nhạy cảm khác.
Chỉ hơn một tuần trước, Bắc Kinh công bố các quy định mới, theo đó cấm các đảng viên "bình luận vô căn cứ về những chính sách quốc gia".
Chủ tịch ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc bị điều tra tham nhũng
Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank), ngân hàng lớn thứ 3 Trung Quốc xét về tài sản, đã bị cơ quan chức năng đưa đi để "hỗ trợ điều tra," cụm từ ám chỉ nhân vật này bị điều tra về tội tham nhũng.
Reuters đưa tin ngày 2/11, hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết ông Trương Vân, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc(AgBank), ngân hàng lớn thứ 3 Trung Quốc xét về tài sản, đã bị cơ quan chức năng đưa đi để "hỗ trợ điều tra," cụm từ ám chỉ nhân vật này bị điều tra về tội tham nhũng.
Hãng tin địa phương Sina Finance trước đó cũng đăng tải việc cảnh sát đã đưa ông Trương Vân, 56 tuổi, đi "hỗ trợ điều tra."
Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch điều tra chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn đã khiến hàng loạt chính trị gia hàng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và chủ ngân hàng "ngã ngựa."
Trước đó cựu Phó Chủ tịch AgBank đã bị kết án chung thân về tội tham nhũng.
(
Tinkinhte
tổng hợp)