Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ đẩy Nga-Mỹ sa vào chiến tranh lạnh mới?
Ngày 27-5, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra cảnh báo cứng rắn nhất cho vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động đáp trả song Mỹ và các đồng minh đã phớt lờ cảnh báo này. Trong khi đó, cả Romania và Ba Lan đã cho phép Mỹ triển khai các phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở khu vực châu Âu.
Trong tháng này, Mỹ đã kích hoạt “lá chắn tên lửa” tại miền Nam Romania, nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu là cần thiết để bảo vệ nước này khỏi nguy cơ bị tấn công từ Iran và đây không phải là mối đe dọa với Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho rằng lý do mà Mỹ đưa ra là vô nghĩa bởi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 đã hạn chế chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong khi, các tên lửa của Mỹ từ hệ thống lá chắn này lại có thể dễ dàng bắn tới các thành phố của Nga.
Phát biểu ngày 27-5 khi đang ở thăm Hy Lạp, ông Putin cho biết: “Nếu Romania đơn giản không biết hệ thống này nhằm vào mục tiêu nào thì chúng tôi vẫn buộc phải có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Nga. Tôi nhắc lại rằng đây sẽ là những biện pháp “trả đũa”. Một hệ thống tương tự sẽ được triển khai tại Ba Lan và chúng tôi đang chờ đợi những hành động cụ thể từ Ba Lan. Chúng tôi sẽ không hành động cho đến khi nhìn thấy những tên lửa được triển khai sát biên giới Nga”.
Tổng thống Nga Putin không đề cập cụ thể các bước đi đáp trả mà Nga sẽ tiến hành, nhưng ông cảnh báo đây sẽ là các biện pháp cần thiết để duy trì sự cân bằng chiến lược.
Mỹ chính thức kích hoạt lá chắn tên lửa tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania ngày 12-5 vừa. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Âu.
Mỹ cũng sẽ bắt đầu triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bổ sung cho các hệ thống ra-đa và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.
Việc Mỹ tiếp tục theo đuổi hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, khiến cho quan hệ căng thẳng Nga-Mỹ, vốn chưa bao giờ hạ nhiệt, tiếp tục leo thang. Nga cho rằng kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở các nước Đông Âu sát biên giới với Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga.
Tổng thống Putin nêu rõ, Nga sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, song sẽ điều chỉnh các kế hoạch hiện đại hóa quân đội để vô hiệu hóa những mối đe dọa này.
Giới chuyên gia dự báo, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ sẽ chỉ khiến Nga-Mỹ sa chân vào một cuộc chiến tranh lạnh mới và căng thẳng Đông-Tây vì thế sẽ không có hồi kết (BHQ)
Ukraine phải cải cách để thuyết phục EU gia hạn trừng phạt Nga
Đó là nhận định của cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Rasmussen, nay là cố vấn mới của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko từ ngày 27-5 vừa qua.
Tổng thống Poroshenko (trái) và tân cố vấn Rasmussen. Ảnh Reuters
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh EU dự kiến trong vòng vài tuần tới sẽ đưa ra quyết định về việc có gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine hay không.
Việc gia hạn lệnh trừng phạt này đòi hỏi sự đồng thuận của 28 nước thành viên trong khi ngày càng có nhiều nước e ngại những tác động ngược lại cho chính họ trong tương lai lâu dài.
Tuy nhiên, cựu Tổng thư ký NATO Rasmussen ngày 28-5 cho rằng, đây là cách duy nhất để duy trì áp lực để ngăn cản Nga ủng hộ lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine.
Ông Rasmussen tiết lộ, qua các cuộc trao đổi, lãnh đạo phương Tây bày tỏ ý định kéo dài các lệnh trừng phạt song muốn gắn điều đó với những yêu cầu về cải cách tổng thể đối với Ukraine.
Với tư cách là cố vấn mới cho Tổng thống Poroshenko, ông Rasmussen cam kết sẽ đóng vai trò cầu nối, thuyết phục các nước phương Tây rằng Ukraine đã thực hiện những cải cách rõ rệt, đồng thời truyền tải những thông điệp, ưu tiên trong yêu cầu của phương Tây đến Kiev
Lào kêu gọi đàm phán song phương về Biển Đông
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hôm 28/5 kêu gọi các nước có liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông giải quyết bất đồng thông qua đối thoại song phương.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Lào Thongloun trong cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asian Review của Nhật Bản "kêu gọi những nước có liên quan tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp hòa bình" đối với các tranh chấp lãnh thổ.
Phát biểu ông Thongloun đưa ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vào lúc này bởi Lào hiện là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
"Với tư cách chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho những cuộc đối thoại tích cực giữa các quốc gia liên quan", ông Thongloun nói, đồng thời yêu cầu các nước kiềm chế, tránh thực hiện các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng.
Đối thoại song phương cũng là biện pháp mà Trung Quốc mong muốn áp dụng trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nước này từ chối các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh còn cải tạo đất, xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, biện hộ rằng các cơ sở nhằm phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển và mang lại lợi ích cho cả những nước khác.
Việt Nam khẳng định việc chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các đá ở Trường Sa là vô giá trị, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Philippines trong khi đó đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (La Haye), Hà Lan, từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.
Philippines đang đề nghị ASEAN đưa ra một tuyên bố chung liên quan tới phán quyết của tòa nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong khối. Tuy nhiên, ông Thongloun thể hiện một thái độ thận trọng trong việc phát đi một tuyên bố chung như vậy. Thủ tướng Lào cho rằng các nước ASEAN cần "đánh giá tình hình một cách thận trọng"
Chìm tàu ngoài khơi Ý, hơn 700 người có thể chết
Theo Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), hơn 700 người tị nạn có thể đã bị chết đuối trong ba vụ chìm tàu ngoài khơi phía nam của Ý trong vài ngày qua.
Người di cư nhảy khỏi một con tàu sắp chìm ngoài khơi Libya - Ảnh: Independent
Trao đổi với hãng tin AP ngày 29-5, bà Carlotta Sami - một người phát ngôn UNHCR, cho biết khoảng 100 người mất tích sau khi một chiếc tàu của bọn buôn người bị lật úp trên biển Địa Trung Hải hôm 25-5.
Sang ngày 26-5, thêm một chiếc tàu nữa bị chìm khiến khoảng 550 người khác mất tích. Những người tị nạn nói chiếc tàu này chở khoảng 670 người, không có động cơ và được một chiếc tàu buôn lậu kéo đi trước khi bị lật úp.
Theo bà Sami, khoảng 25 người may mắn sống sót sau vụ tai nạn, 79 người khác được các tàu tàu tuần tra giải cứu và 15 thi thể được tìm thấy.
Đến ngày 27-5, một chiếc tàu nữa bị chìm với 45 thi thể được vớt lên và nhiều người mất tích.
Theo Telegraph, hiện đang có thông tin từ những người sống sót rằng họ đã nhìn thấy một chiếc tàu khác chở khoảng 400 người tị nạn bị chìm trên Địa Trung Hải hôm 26-5.
Nếu đúng như vậy thì đây là vụ chìm tàu thứ tư trong tuần này. Tuy nhiên theo bà Giovanna Di Benedetto - người phát ngôn tổ chức Save the Children (Cứu lấy trẻ em) ở Ý, vụ chìm tàu này đã không được báo cáo.
Liên quan đến người di cư, nhà chức trách Ý cho biết trong ngày hôm qua 28-5, các tàu tuần tra Ý, Đức và Ireland đã cứu 600 người di cư ngoài khơi Libya, đưa tổng số người được cứu trong tuần này lên đến 13.000 người.
Theo BBC, do thời tiết thuận lợi, thời gian qua bọn buôn người tăng cường cho tàu ra khơi để đưa hàng ngàn người di cư vào châu Âu. Hầu hết những người di cư đang chạy trốn khỏi cuộc xung đột và đói nghèo ở châu Phi và Trung Đông.
Anh tính điều 1.000 quân cùng xe tăng tới Baltic đối phó Nga
Anh định triển khai 1.000 binh sĩ cùng xe tăng và pháo tới các nước cộng hòa Baltic trong khuôn khổ kế hoạch xây dựng quân sự sát biên giới Nga của NATO.
Ngoài kế hoạch điều động 1.000 quân, các quan chức quốc phòng Anh cũng tính đến việc dự trữ xe tăng cùng các trang thiết bị hạng nặng khác trên khắp Đông Âu. Ảnh minh họa: UK Ministry of Defence
"Chúng tôi đang cân nhắc 'tăng cường hiện diện ở tiền phương' tại các quốc gia Baltic, hay nhìn chung là ở dọc sườn phía đông, trước khi hội nghị thượng đỉnh được tiến hành", nhật báo Times của Anh dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Michael Fallon, nói, đề cập đến cuộc họp cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến diễn ra vào ngày 8 và 9/7.
Số quân nói trên sẽ cấu thành một trong 4 tiểu đoàn gồm tổng cộng 4.000 quân mà NATO tính triển khai ở khu vực Baltic, bên cạnh hai tiểu đoàn từ lực lượng vũ trang Mỹ và một tiểu đoàn từ quân đội Đức.
Các quan chức quốc phòng Anh cũng xem xét kế hoạch dự trữ xe tăng cùng các trang thiết bị hạng nặng khác trên khắp Đông Âu, tờ báo cho biết thêm.
Tại cuộc họp bộ trưởng của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương hôm 10/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã thông báo về chương trình tăng cường hiện diện đa quốc gia luân phiên ở Đông Âu.
NATO từ năm 2014 đến nay không ngừng đẩy mạnh hiện diện quân sự ở châu Âu, đặc biệt là tại những nước Đông Âu giáp biên giới Nga, dựa trên các cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine.
Moscow phủ nhận mọi lời buộc tội đồng thời cảnh báo động thái triển khai quân sự gần biên giới Nga là hành vi khiêu khích, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sự ổn định khu vực và toàn cầu.
(
Tinkinhte
tổng hợp)