Biện pháp đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ của ông Putin vừa phải đủ sức răn đe để trấn an dư luận, vừa không quá cứng rắn để làm bùng nổ Thế Chiến III.
Tin thế giới đọc nhanh 26-11-2015
- Cập nhật : 26/11/2015
Nhật không tuần tra nhưng sẽ giúp các nước trên Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hôm qua 24-11 cho biết nước này không có kế hoạch tuần tra “tự do đi lại” gần các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông nhưng sẽ đóng góp cho sự ổn định của khu vực qua những cách khác.
Ông Nakatani trả lời từ Trung tâm chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ tại Hawai: “Tôi tin rằng điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải bảo vệ vùng biển mở, hòa bình và tự do. Bởi vì đây là mối lo lắng của phía Nhật Bản cũng như đối với an ninh của các tuyến đường biển và tự do đi lại. Hiện tại chúng tôi không có kế hoạch cụ thể về hoạt động giám sát”.
Ông Nakatani đang có chuyến thăm Hawaii lần đầu tiên với tư cách bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản.
Chỉ huy lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản Yasuhiro Shigeoka cho biết các lực lượng của Nhật có đủ sức tuần tra trên Biển Đông cùng Mỹ nếu được yêu cầu, nhưng cũng nói thêm chưa nhận được lệnh hoạt động tại khu vực này, theo Stars and Stripes.
Tháng trước, PACOM đã thực hiện các chuyến tuần tra gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông và Tổng thống Mỹ Barack Obama khuyến khích các đồng minh làm theo Washington.
“Mỹ và Nhật Bản chia sẻ cam kết đảm bảo an ninh và hòa bình tại khu vực”, chỉ huy PACOM Harry Harris nói.
Theo ông Nakatani, Nhật Bản đóng góp cho sự ổn định trên Biển Đông bằng cách giúp các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực hàng hải. Hồi tháng 10-2015, Nhật Bản nhất trí sẽ hỗ trợ Việt Nam 1,66 tỉ USD để củng cố an ninh hàng hải. Trước đó, nước này cũng gửi hai tàu chiến đến Philippines tham gia tập trận.
Chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông không tồn tại
Trong ngày thứ nhất tại Tòa trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan, phía Philippines tập trung công kích vào các “sự thật lịch sử” và các bản đồ cổ mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Người phát ngôn Abigail Valte của tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết luật sư Paul Reichler của nước này khẳng định rằng “các quyền lịch sử” của Trung Quốc “không tồn tại” trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), theo Philippines Star.
Bắc Kinh đã dùng các quyền này vẽ nên đường chín đoạn bao trùm 3,5 triệu km2 trên Biển Đông.
Một luật sư khác của Philippines là Andrew Loewenstein cho rằng dù các quyền này có tồn tại trong UNCLOS, Trung Quốc cũng không thỏa mãn các điều kiện để đưa ra tuyên bố chủ quyền, như: không thực hiện việc kiểm soát liên tục và duy nhất trong một thời gian dài trên Biển Đông.
Ông Loewenstein đưa ra tám bản đồ, một có từ thời nhà Minh cho thấy khu vực nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc chưa từng được coi là lãnh thổ của nước này cho đến hôm nay.
“Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ khi đến đây, điều đó thể hiện trong phần trình bày của chúng tôi. Điều thú vị nhất là các bản đồ của chính họ không bao gồm Biển Đông trong phần lãnh thổ của họ” - bà Valte nói trên CNN.
Phiên điều trần kín dự kiến kéo dài đến 30-11 với sự tham gia của các quan sát viên từ Nhật Bản, Singapore, Úc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Trung Quốc hôm qua nhắc lại họ sẽ không bao giờ và sẽ không tham dự phiên tòa.
IS dọa tấn công Moscow như ở Paris
"Paris là ngày hôm qua, Moscow là hôm nay", tờ Express hôm qua dẫn lại tin nhắn của những kẻ quá khích gửi tới các hành khách đi tàu điện ngầm ở tuyến nối Kaluzhsko với Rizhskay.
Những kẻ này còn đăng kèm hình ảnh lá cờ đen của IS, sau khi hệ thống wifi được cho là bị hack từ đầu tuần. Hãng quản lý mạng wifi MaximaTelecom xác nhận họ không có trục trặc kỹ thuật nào.
"Tôi dùng máy tính bảng, cố truy cập vào wifi nhưng thay vì trang cấp phép như mọi khi, tôi thấy lá cờ đen với dấu hiệu Arab và các chữ tiếng Nga trên đó", Denis Savin, một người dân nói với tờ LifeNews.
Các hành khách đã báo với cảnh sát vụ việc. Hệ thống đường xe lửa của Nga ở Moscow trung chuyển khoảng 6,75 triệu người mỗi ngày.
Vụ tấn công liên hoàn ở Paris hôm 13/11 khiến 130 người thiệt mạng. IS sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm và tuyên bố đây là hành động trả thù do Pháp tham gia các cuộc không kích IS ở Syria trong liên minh do Mỹ dẫn đầu. IS hôm 19/11 còn đe dọa tấn công New York.
Nga cũng đang xúc tiến chiến dịch truy quét IS ở Syria sau khi nhận được yêu cầu từ Tổng thống Bashar al-Assad. Moscow hôm qua lên án Ankara hỗ trợ những kẻ khủng bố khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga ở khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nước lên tiếng đề nghị hai bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng.
Nga tính điều thêm vũ khí tới Syria, trả đũa kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Reuters, điện Kremlin thông báo Moscow sẽ gửi hệ thống phòng không S-400 tới căn cứ không quân Khmeimim ở tỉnh Latakia, Syria. Hệ thống vũ khí tiên tiến này có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
"Tôi hy vọng rằng, cùng với những biện pháp khác mà chúng tôi đang áp dụng, sẽ đủ để đảm bảo (an toàn) cho các chuyến bay nước mình", Tổng thống Putin tuyên bố.
Thông báo này có thể xem như lời cảnh báo rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga hôm qua, khiến một phi công thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Nga xâm phạm không phận, còn Nga tuyên bố, chiến đấu cơ đang bay trong không phận Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và phát ngôn viên điện Kremlin sau đó còn tiết lộ, có thể những hệ thống phòng thủ hiện đại hơn cả S-400 sẽ được điều tới Syria.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Ankara có thể sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt về kinh tế và thương mại. Kremlin có thể hủy bỏ những dự án liên doanh quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, và những doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động trong mọi lĩnh vực từ xây dựng cho tới bán lẻ, có thể bị cấm kinh doanh ở thị trường Nga. Theo RT, Nga cũng đã khuyến cáo công dân không đi du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do đe dọa khủng bố, khiến nhiều nhà khai thác tour du lịch rút khỏi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Pháp phá hủy trung tâm chỉ huy của IS ở Iraq
Đợt không kích được tiến hành ngay sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama thỏa thuận gia tăng không kích lực lượng IS ở Iraq và Syria.
Reuters ngày 24-11 đưa tin căn cứ chỉ huy này nằm ở tỉnh Tal Afar, cách thành trì của IS ở Mosul khoảng 45km.
Phát biểu trước giới truyền thông, một quan chức Pháp cho biết bằng với việc xuất kích chiến đấu cơ từ tàu sân bay Charles De Gaulle, họ đã tiêu diệt hoàn toàn trung tâm chỉ huy trên.
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, trong vòng 72 giờ qua, lực lượng không quân Nga và Pháp đã tiêu diệt ít nhất 33 phiến quân khủng bố và làm bị thương hàng chục tên khác.
Tổ chức này cũng cho biết loạt tấn công bằng bom khiến cho hàng loạt lãnh đạo IS cùng gia đình của chúng phải lánh nạn từ tỉnh Raqqa sang thành phố Mosul phía bắc Iraq.
Cùng ngày, Tổng thống Obama và Hollande cũng đạt được thỏa thuận gia tăng không kích chống IS ở Iraq và Syria, cũng như phối hợp hoạt động tình báo chống lại các mối đe doạ trong nước.