Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu quân đội nước này ngưng các hoạt động nhằm mục đích kiếm tiền, thay vào đó tập trung vào an ninh quốc phòng.
Tin thế giới đọc nhanh 18-10-2015
- Cập nhật : 18/10/2015
Putin lập lực lượng giống NATO ở Trung Á
Tổng thống Armenia (từ trái qua), tổng thống Belarus, tổng thống Kazakhstan, tổng thống Nga và tổng thống Kyrgyzstan hôm qua chụp ảnh tại Kazakhstan. Ảnh:Reuters
Theo Telegraph, quyết định được đưa ra hôm qua tại cuộc họp của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) ở Kazakhstan. Các nước bao gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Moldova, Tajikistan, và Uzbekistan.
Theo văn bản cuộc họp thượng đỉnh, họ nhất trí thành lập "nhóm các lực lượng biên giới và các thể chế khác từ các nước thành viên CIS nhằm giải quyết tình hình khủng hoảng ở biên giới".
Tại sự kiện, Tổng thống Putin cảnh báo phiến quân từ Afghanistan có thể xâm lăng, kêu gọi CIS chuẩn bị hành động đối phó với những cuộc tấn công như thế. "Thực tế, tình hình ở Afghanistan đang tiến gần tới tình trạng nguy cấp. Đủ các loại khủng bố đang giành quyền ảnh hưởng và không giấu diếm kế hoạch bành trướng hơn nữa", ông nói.
"Một trong những mục tiêu của chúng là thâm nhập khu vực Trung Á. Điều quan trọng là chúng ta phải sẵn sàng có phản ứng phối hợp với kịch bản này", Putin cho hay.
Sergei Lebedev, thư ký điều hành CIS, cho biết Tajikistan, nước giáp với Afghanistan, có thể là địa điểm triển khai của lực lượng hỗn hợp.
Theo Reuters, động thái có thể đồng nghĩa với việc quân đội Nga, thuộc một phần của lực lượng tập thể, sẽ được triển khai tới biên giới với Afghanistan, khi lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu dần rút khỏi nước này, để lại khoảng trống quyền lực.
Ông Putin tuyên bố một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo kế hoạch duy trì khoảng 9.800 lính Mỹ ở Afghanistan trong gần hết năm sau.
Bắt giữ tin tặc cung cấp dữ liệu quân sự Mỹ cho IS
Theo đơn kiện, Ferizi đã tấn công vào hệ thống máy tính của một công ty ở Hoa Kỳ và đánh cắp thông tin cá nhân của hơn 1.300 nhân viên quân sự Mỹ cũng như nhân viên chính phủ khác. Sau đó, người này đã đưa thông tin cho một số thành viên IS.
Mỹ từ chối chuyển giao công nghệ máy bay chiến đấu cho Hàn Quốc
Ngày 15/10, nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã từ chối yêu cầu của phía Seoul về việc chuyển giao các công nghệ chính cần thiết cho dự án phát triển dòng máy bay chiến đấu “KF-X” của Hàn Quốc.
Thay vào đó, Mỹ sẽ nghiên cứu về các cách thức hợp tác công nghệ khác trong đó bao gồm việc thành lập một kênh tham vấn về công nghệ quốc phòng.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn phát biểu của ông Carter, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo tại Lầu Năm Góc ngày 15/10 nêu rõ Mỹ vẫn sẽ giữ nguyên lập trường của mình về việc từ chối chuyển giao các công nghệ máy bay chiến đấu cho quân đội Hàn Quốc.
Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối để cho Tập đoàn Lockheed Martin của nước này chuyển giao 4 trong số 25 công nghệ máy bay chiến đấu như đã cam kết với phía Seoul. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông đang xem xét về các cách thức hợp tác về công nghệ giữa 2 bên.
Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước đã đồng ý xây dựng một diễn đàn tham vấn với mục tiêu thảo luận về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, trong đó bao gồm cả dự án phát triển dòng máy bay “KF-X” đồng thời thành lập một nhóm làm việc chung để giải quyết các vấn đề liên quan. Với sự ra đời của kênh tham vấn này, giới chức quân sự của cả Mỹ và Hàn Quốc sẽ cùng trực tiếp tham gia vào các dự án hợp tác công nghệ qua đó có thể giảm thiểu đáng kể những rủi ro kỹ thuật.
Động thái trên ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của giới chức quân sự Hàn Quốc khi cho rằng kênh tham vấn mới này sẽ đóng vai trò then chốt trong hợp tác về công nghệ quốc phòng giữa 2 quốc gia đồng minh.
Bên cạnh việc hợp tác về công nghệ, cả 2 bên cũng đã thảo luận về tình hình trên bán đảo liên Triều cũng như khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục có các hành động “gây hấn” tại khu vực biên giới. Ngoài ra, Bộ trưởng 2 nước cũng nhất trí về việc chuyển giao có điều kiện quyền chỉ huy tác chiến thời chiến đối với lực lượng quân đội Hàn Quốc từ phía Mỹ sang cho phía Hàn Quốc bên cạnh việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, không gian mạng cũng như công nghiệp quốc phòng.
Tại cuộc gặp, cả 2 bên một lần nữa tái khẳng định vai trò của liên minh Mỹ-Hàn trong việc duy trì hòa bình tại khu vực bán đảo liên Triều nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và cam kết sẽ tiếp tục duy trì thế phòng thủ chung bền vững.
Tin tặc Trung Quốc nghi tấn công website toà xử vụ kiện Biển Đông
Tin tặc Trung Quốc bị nghi đánh sập trang web toà án trọng tài quốc tế thường trực tại The Hague. Ảnh minh hoạ: SCMP
Theo SCMP, dựa trên phân tích phần mềm và hạ tầng cơ sở được sử dụng, trang web của Toà Trọng tài Quốc tế Thường trực tại The Hague (La Haye) hồi tháng 7 sập do ai đó ở Trung Quốc cài mã độc (malware), công ty an ninh Mỹ ThreatConnect cho biết.
Các tin tặc cài vào trang web của toà án mật mã lây lan đến máy tính của những người ghé thăm trang này. Điều này khiến các nhà ngoại giao, luật sư, nhà báo quan tâm đến vụ kiện có nguy cơ bị trộm thông tin, mà rộng hơn là các tổ chức của họ.
"Nó giống như bắt cá bằng lưới", Rich Barger, lãnh đạo về tình báo của ThreatConnect, cho biết. "Tôi thả mẻ lưới lớn xuống biển, tôi bắt cá trong vài giờ, và sau đó tôi có lựa chọn rút lên một số con cá là mục tiêu tôi muốn có".
Trang web không hoạt động trong thời gian ngắn hồi tháng 7 do lỗi kỹ thuật, Gaelle Chevalier, quan chức của toà án, nói và cho biết không có thông tin về nguyên nhân trục trặc.
Abigail Valte, phó phát ngôn viên tổng thống Philippines, người đã ở The Hague, cho biết bà đã nghe được thông tin về vụ tấn công. "Chúng tôi bất ngờ", bà nói.
Tại The Hague, Philippines tìm cách dựa vào luật quốc tế để ngăn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Trong 18 tháng qua, Trung Quốc nhanh chóng xây dựng tại các đá trong khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bắc Kinh cũng thường xuyên dùng tàu hải cảnh và thậm chí cả tàu đánh cá để xua đuổi các tàu nước khác.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay không người lái
Ngày 16-10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắn rơi một máy bay không rõ nguồn gốc đã xâm phạm không phận nước này ở gần biên giới Syria.
Theo AFP, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết máy bay chiến đấu nước này đã ba lần phát thông điệp cảnh cáo, nhưng chiếc máy bay không rõ nguồn gốc tiếp tục di chuyển trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ. “Không quân chúng tôi đã bắn hạ chiếc máy bay này theo đúng luật” - Ankara tuyên bố.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không nói rõ đây là máy bay chiến đấu hay máy bay không người lái. Đài truyền hình NTV đưa tin chiếc máy bay bị bắn hạ là máy bay không người lái, rơi ở vị trí 3km bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Truyền hình chiếu cảnh binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra xác máy bay để xác định nguồn gốc của nó.
Giới truyền thông nghi ngờ đây có thể là một máy bay Nga.
Sau khi Ankara thông báo vụ bắn máy bay hôm nay, quân đội Nga khẳng định toàn bộ máy bay chiến đấu của nước này ở Syria đều đã trở về căn cứ an toàn. Matxcơva cũng nhấn mạnh các máy bay không người lái của Nga vẫn đang tuần tra một cách bình thường.
Trước đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từng phản đối dữ dội việc máy bay chiến đấu Nga hai lần xâm phạm không phận nước này ở gần biên giới Syria. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cảnh báo Ankara sẽ không nương tay.
Bộ Quốc phòng Nga giải thích máy bay nước này xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do thời tiết chứ không phải là cố ý.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quân nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thời gian qua quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xấu đi nghiêm trọng do Matxcơva mở chiến dịch không kích quân nổi dậy để hỗ trợ chính quyền Assad.