Cựu quan chức CIA đòi bí mật sát hại người Nga và Iran
Tổng thống Brazil sắp ra tòa
ASEAN cần một hệ thống chung chống khủng bố
Mỹ điều ba máy bay ném bom B-2 tới Thái Bình Dương
Tin thế giới đọc nhanh 10-08-2016
- Cập nhật : 10/08/2016
Hội nghị thượng đỉnh Nga, Iran và Azerbaijan ra tuyên bố chung
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: EPA)
Ngày 8/8, Hội nghị thượng đỉnh Nga, Iran và Azerbaijan lần đầu tiên được tổ chức tại Baku đã kết thúc và ra tuyên bố chung.
Theo phóng viên TTXVN tại SNG, tuyên bố chung nhấn mạnh quyết tâm của ba bên chống lại chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, buôn bán vũ khí trái phép, các chất ma túy và tiền chất ma túy, buôn người và tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngoài ra, tổng thống ba nước cũng thừa nhận rằng việc chưa giải quyết được các cuộc xung đột trong khu vực cản trở đáng kể hợp tác khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trong giải quyết những cuộc xung đột này phải dựa trên nền tảng các nguyên tắc và chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Ba bên cam kết sẽ tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, cũng như làm sâu sắc và mở rộng đối thoại chính trị ở mọi cấp độ khác nhau về tất cả vấn đề mà các bên có lợi ích. Tổng thống các nước Nga, Iran và Azerbaijan cũng nhất trí làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Baku được Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2/2016. Trong cuộc gặp tại Baku, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đề xuất Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Iran.(Vietnamplus)
158 quan chức Philippines buôn ma túy phải "trình diện trong 24h"
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, ngày 7-8 nêu đích danh các quan chức cao cấp cả đương nhiệm lẫn đã về hưu có dính líu tới tội phạm ma túy.
Một nữ nghi phạm thuộc đường dây buôn bán ma túy bị cảnh sát bắt tại Manila ngày 22-6-2016 - Ảnh: CNN
Theo Rappler, phát biểu tại thành phố Davao ngày 7-8, ông Duterte cho biết, tất cả những người ông nêu tên đích danh phải tới trình diện cơ quan quản lý trực tiếp của họ "trong vòng 24 giờ đồng hồ".
Theo đó, các thẩm phán phải trình diện tòa án tối cao, cảnh sát phải tới gặp người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), quan chức chính quyền phải tới gặp Bộ nội vụ…
Ông Duterte cũng yêu cầu hủy bỏ tất cả giấy phép sử dụng vũ khí nóng từng cấp cho những người này. Ông khẳng định: "Việc sở hữu vũ khí nóng được yêu cầu hủy ngay trong đêm nay".
Với những quan chức thuộc lực lượng quân đội và cảnh sát đã về hưu, ông Duterte yêu cầu họ tới trình diện văn phòng của người đứng đầu PNP. Tổng thống Philippines kiên quyết: "Nếu họ không tới, tôi sẽ ra lệnh cho toàn bộ lực lượng vũ trang của Philippines săn lùng họ".
Trong danh sách nêu đích danh 158 quan chức có dính líu tới mạng lưới tội phạm ma túy tại Philippines do tổng thống Duterte nêu ra, có ít nhất 7 thẩm phán, 52 thị trưởng và phó thị trưởng cả đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu, 3 nghị sỹ, 95 sỹ quan quân đội và cảnh sát.(TT)
Tướng lĩnh Thái Lan họp bất thường với Thủ tướng Chan-o-cha
Ngày 8/8, giới tướng lĩnh quân sự của Thái Lan đã có cuộc họp bất thường với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, một ngày sau cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới.
Một quan chức Chính phủ Thái Lan cho biết các Tư lệnh Lục quân, Hải quân và Không quân đã họp với Thủ tướng Prayut tại Tòa nhà Chính phủ trong khoảng 1 giờ.
Nội dung cuộc họp chưa được công bố, song được cho là có thể liên quan đến kết quả cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp mới.
Theo thông tin ban đầu từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan, dự thảo Hiến pháp mới đã giành được 61,45% số phiếu ủng hộ trong khi chỉ có 38,55% số phiếu phản đối. Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố trong 3 ngày tới.
Sau khi kết quả trưng cầu ý dân cho thấy có đến hơn 60% cử tri Thái Lan ủng hộ dự thảo hiến pháp mới, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã cam kết chính phủ sẽ theo đuổi "lộ trình" được Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) vạch ra, và cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ được tổ chức vào năm 2017.
Các luật cơ bản theo hiến pháp mới và liên quan đến phương thức bầu cử sẽ được Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (CDC) đưa ra trong vòng 4 tháng sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 7/8.
Đây cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hiến pháp mới tại nước này và văn kiện được trưng cầu nếu được thông qua sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932.
Lần đầu tiên Thái Lan tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp là vào năm 2007, một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Có hai vấn đề sẽ được nêu ra trưng cầu ý kiến của người dân Thái Lan. Câu hỏi thứ nhất là họ có đồng ý với dự thảo bản hiến pháp mới với nhiều thay đổi về cấu trúc chính trị và hệ thống bầu cử hay không và câu hỏi thứ hai là liệu họ có chấp nhận một Thượng viện được chính quyền hiện tại chỉ định và có quyền cùng Hạ viện tham gia bầu chọn thủ tướng mới hay không.(Vietnamplus)
Nhật Bản xúc tiến đối thoại cấp cao về tàu Trung Quốc ở Senkaku
Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 8/8 cho biết Tokyo đang xúc tiến các cuộc thảo luận cấp cao với Bắc Kinh liên quan tới việc tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Theo nguồn tin trên, Tokyo đang xem xét sắp xếp cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Fumio Kishida với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong vài ngày tới để thảo luận vấn đề trên.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng mong muốn tổ chức một cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra Hàng Châu trong tháng 9 tới.
Hãng tin Kyodo cho biết Tokyo muốn thảo luận vấn đề này ở cấp cao nhất sau khi những công hàm phản đối mới đây của Bộ Ngoại giao Nhật Bản dường như đã không có tác dụng trong việc giải quyết tình hình.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết chỉ trong ngày 8/8, đã có 15 tàu của Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản và vùng tiếp giáp ngay bên ngoài vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó một ngày, cũng có 13 tàu của Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp và một số tàu đi vào lãnh hải Nhật Bản. Trong khi đó, ngày 7/8, có tới 230 tàu cá cùng 7 tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo JCG, trong số tàu hải cảnh trên có một số tàu được trang bị súng.
Sau khi xảy ra các vụ việc trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã 3 lần trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa, song Trung Quốc vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho rằng phía Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia tăng căng thẳng.
Hôm 6/8, Thủ tướng Abe đã yêu cầu các cơ quan chức năng nước này hành động kiên quyết và kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế và trong nước, cũng như hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada khẳng định "Tokyo sẽ cảnh giác cao độ, giám sát và thu thập thông tin, trong khi duy trì hành động kiềm chế, nhằm kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của nước này, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư."
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 400km về phía Tây và hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển xung quanh quần đảo này. Tranh chấp chủ quyền đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây hồi tháng 9/2012.(TTXVN)