Ông Ramos "lạc quan" về chuyện "phá băng" với Trung Quốc
IS tiến hành đảo chính lật đổ thủ lĩnh
Chân dung cựu đặc vụ CIA muốn ngáng chân Donald Trump
Google đang "xóa sổ" Palestine trên Google Map
Tin thế giới đọc nhanh 09-08-2016
- Cập nhật : 09/08/2016
"Trung Quốc 'tự bắn vào chân' khi bỏ qua phán quyết về Biển Đông"
Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc đang tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Nguồn: WSJ)
Ngày 8/8, mạng tin quốc phòng Ấn Độ (IDN) đăng bài viết của tác giả Udit Dobhal – nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng, trong đó cho rằng Trung Quốc đã tự bắn vào chân khi bỏ qua phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) về Biển Đông.
Theo ông Dobhal, Trung Quốc nổi lên là một cường quốc “phi dân chủ” trong thế giới hiện đại với quân đội thường trực lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu và trở thành vấn đề hóc búa cho các nước láng giềng.
Trung Quốc là nước duy nhất ở châu Á có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước.
Trung Quốc ngang nhiên phủ nhận phán quyết của PCA ở La Hay về vấn đề Biển Đông và thái độ này của Bắc Kinh đã không chỉ chọc tức các quốc gia láng giềng ở Biển Đông mà còn đối với toàn thế giới.
Các quốc gia bắt đầu coi sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc như mối đe dọa cho toàn thế giới.
Trung Quốc nhận thức được mối đe dọa bị cô lập trên trường quốc tế và đây cũng là lý do tại sao sau phán quyết của PCA về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành các cuộc vận động quốc tế nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho yêu sách của mình ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng biết rằng sẽ không thể tìm một giải pháp quân sự cho vấn đề Biển Đông vì nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với đội quân Mỹ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ, bên cạnh đó là các quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia.
Trong cuộc chiến này, Trung Quốc có thể nhận được hỗ trợ từ Pakistan - “một nền kinh tế què quặt,” và Nga - nền kinh tế đang hồi phục sau trừng phạt của Phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Crimea.
Tuy nhiên, do ít có lợi ích liên quan ở Biển Đông nên Nga sẽ do dự để cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp cho Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh.
Bài viết nhấn mạnh, Trung Quốc nên nhớ rằng sức mạnh quân đội của nó có lớn đến đâu cũng không thể chống lại quân đội của 8 nước và trong khi không có sự hỗ trợ đáng kể từ các nước bạn bè khác.
Hiển nhiên, Trung Quốc đang lo sợ điều này và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 12/8 tới trong nỗ lực để đảm bảo rằng Thủ tướng Narendra Modi sẽ không tham gia với các nước để nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại hội nghị G20 vào đầu tháng Chín tới.
Ông Dobhal kết luận, Ấn Độ cần nhớ rằng Trung Quốc đã cản trở nước này tham gia Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) như thế nào và không nên bắt tay với một nước mà đã "tự bắn vào chính chân mình" trong tranh chấp ở Biển Đông.(TTXVN)
Thủ tướng Thái Lan cam kết thực hiện đúng lộ trình chính trị
Sau khi kết quả trưng cầu ý dân cho thấy có đến hơn 60% cử tri Thái Lan ủng hộ dự thảo hiến pháp mới, Thủ tướng Prayut Chan-ocha tối 7/8 đã bày tỏ cảm ơn người dân nước này, đồng thời cam kết chính phủ sẽ thực hiện đúng lộ trình chính trị đã đặt ra.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Thiếu tướng Sansern Kaewkamnerd tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân vừa qua “rất minh bạch và công bằng” cho thấy “mọi người dân Thái Lan đều muốn đất nước tiến lên phía trước.”
Cũng trong đêm 7/8, các lãnh đạo đảng Pheu Thai, cánh chính trị của phe Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã tuyên bố chấp nhận kết quả trưng cầu ý dân, đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục đấu tranh vì dân chủ trong mọi hoàn cảnh.
Trước đó, phát biểu với báo giới ngày 5/8, Thủ tướng Chan-ocha khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong năm 2017 đúng như kế hoạch, cho dù dự thảo hiến pháp mới có được cử tri chấp thuận hay không.
Theo thông tin ban đầu từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan, dự thảo hiến pháp mới đã giành được 61,45% số phiếu ủng hộ trong khi chỉ có 38,55% số phiếu phản đối. Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng ba ngày tới.(Vietnamplus)
Tàu Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc lần đầu sau phán quyết Biển Đông
Theo hãng AP, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold của Hải quân Mỹ đang có chuyến thăm tới Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh phản ứng giận dữ với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay (Hà Lan) cho rằng những yêu sách lãnh hải rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Chiếc tàu trên đã neo đậu ở Thanh Đảo sáng 8/8. Đây là nơi đóng quân của hạm đội phương Bắc của Trung Quốc.
Phát biểu với truyền thông, sỹ quan hải quân Just L. Harts cho biết chuyến thăm nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ với Hải quân Trung Quốc, nhưng ông cũng đề cập đến những câu hỏi về căng thẳng ở Biển Đông đối với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii.
Đô đốc Scott Swift, sĩ quan hải quân hàng đầu của Mỹ ở châu Á, dự kiến sẽ có cuộc gặp với truyền thông ngày 9/8.(TTXVN)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ đảo chính lần hai
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua nói rằng ông không tin âm mưu đảo chính ngày 15/7 là hành động cuối cùng trong nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp chống lại Fethullahist, tổ chức do giáo sĩ lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen dẫn dắt. Ông Erdogan cho rằng chính giáo sĩ Gulen đứng đằng sau chỉ đạo thực hiện âm mưu đảo chính bất thành hồi giữa tháng trước ở Thổ Nhĩ Kỳ, Sputnik đưa tin.
"Tôi không tin nỗ lực đảo chính đã chấm dứt. Song, chúng ta sẽ không bao giờ khoan nhượng", ông Erdogan trước đó phát biểu trong một cuộc họp báo ở Istanbul.
Tại đây, Tổng thống Erdogan cũng bác bỏ những thông tin nói chiếc chuyên cơ chở ông bị máy bay chiến đấu F-16 phe đảo chính ngắm bắn đêm 15/7, khiến tính mạng ông bị đe dọa. Khác với lý do mà truyền thông đưa ra rằng phi cơ phe đảo chính cạn nhiên liệu nên phải hạ cánh, không thể tiếp tục bám đuôi, ông Erdogan cho biết, thực tế, máy bay địch không có bom để tấn công ông.
Hơn 200 người thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương do bạo lực đêm 15/7, khi một nhóm binh sĩ điều khiển xe tăng, trực thăng tấn công, chiến đấu cơ đảo chính nhưng không thành công. Căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở mức cao do nhà chức trách nước này đang thanh trừng nhiều người nghi ủng hộ đảo chính trong các cơ quan nhà nước và quân đội.
Ankara hôm 4/8 phát lệnh bắt giữ chính thức giáo sĩ lưu vong Gulen với cáo buộc cầm đầu cuộc đảo chính.(Vnexpress)