Khủng bố “tìm đủ cách” tấn công Singapore
Châu Âu đang đối mặt với tình hình an ninh mới
Hàng trăm nghìn người yêu cầu Thủ tướng Nga từ chức
Điểm mặt 3 "hổ cái" cực lớn trong chiến dịch "đả hổ" của Tập Cận Bình
Tin thế giới đọc nhanh 07-08-2016
- Cập nhật : 07/08/2016
Trung Quốc ngang ngược cho máy bay ném bom, Su-30 tuần tra biển Đông
Trả lời tờ Tân Hoa Xã, Thượng tá Không quân Trung Quốc Shen Jinke khẳng định Bắc Kinh đã điều động một số máy bay ném bom và chiến đấu cơ tiến hành "tuần tra tác chiến" trên biển Đông.
Theo ông Shen Jinke, Trung Quốc đã điều động máy bay ném bom H-6 và chiến đấu cơ Su-30 ra tuần tra vùng không phận xung quanh Trường Sa và bãi Scarborough.
Tờ Tân Hoa Xã cho biết cuộc tuần tra còn bao gồm các hoạt động trinh sát và tiếp dầu trên không. Tuy nhiên, tờ báo không xác định thời gian chính xác vụ tuần tra diễn ra.
"Không quân Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động tuần tra tác chiến bình thường hóa trên vùng biển, tập luyện các chiến thuật, tăng cường khả năng đáp trả mọi mối đe dọa về an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích hàng hải đất nước", ông Shen Jinke ngang ngược cho biết.
Phòng Thông tin Quốc vụ Trung Quốc tiếp tục đăng tải một số hình ảnh H-6K bay trên bãi cạn Scarborough. Ảnh: TWITTER
Trước đó, vào ngày 14-7, hình ảnh máy bay ném bom H-6K bay trên vùng trời bãi cạn Scarborough được đăng tải bởi tài khoản mạng xã hội Weibo của không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF).
Ngày 15-7, tài khoản mạng xã hội Twitter của Phòng Thông tin Quốc vụ Trung Quốc tiếp tục đăng tải một số hình ảnh H-6K bay trên bãi cạn Scarborough, theo Phil Star. Các hình ảnh này xuất hiện chỉ ít ngày sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc trong vùng biển nước này đơn phương áp đặt cái gọi là "đường chín đoạn".(PLO)
Obama hoài nghi chính sách của Putin ở Syria
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tiếp tục tấn công nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về chính sách của Nga tại Syria.
Phát biểu sau cuộc họp với các quan chức an ninh và quân sự tại Lầu Năm Góc ngày 4/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án chính sách của Nga ở Syria, AFP đưa tin. Ông nghi ngờ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hợp tác để giúp chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu tại nước này.
Tổng thống Obama tuyên bố tiếp tục tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria, nhóm phiến quân "không thể tránh khỏi" bị tiêu diệt và liên minh quốc tế nhằm vào chúng "trên mọi mặt trận". Ông cảnh báo IS khi suy yếu sẽ chuyển sang kích động tấn công khủng bố ở nước ngoài, trong đó có Mỹ.
Theo ông Obama, Mỹ sẵn sàng phối hợp với Nga để giảm bạo lực ở Syria và tăng cường cuộc chiến chống IS, al-Qaeda. "Nhưng Nga không có những bước đi cần thiết. Do tình hình đang xấu đi, đã đến lúc Nga cho thấy sự nghiêm túc trong việc theo đuổi các mục tiêu trên", ông nói.
Ông Obama cho rằng nếu không làm được, "Nga sẽ tự thể hiện họ là một bên vô trách nhiệm trên trường quốc tế".
IS chiếm nhiều khu vực ở Syria và Iraq từ năm 2014, thực hiện hàng loạt hành vi tàn bạo và phá hủy nhiều công trình. Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu được thành lập sau đó và không kích IS gần như hàng ngày, hỗ trợ lực lượng bản địa giành lại lãnh thổ từ IS.
IS hiện vẫn kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq, và thành phố Raqqa ở Syria.
Tổng thống Philippines thề theo đuổi chiến dịch truy sát tội phạm ma túy
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay tuyên bố sẽ duy trì lệnh "bắn chết" những kẻ buôn bán ma túy và khẳng định ông "không quan tâm đến nhân quyền".
Khoảng 800 người đã thiệt mạng kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống Philippines và áp dụng chính sách mạnh tay đối với tội phạm ma túy, theo AFP.
"Chiến dịch này sẽ kéo dài tới ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi nếu khi ấy tôi còn sống", ông Duterte nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại thành phố Davao, miền nam Philippines.
"Tin tôi đi, tôi không quan tâm đến nhân quyền", ông quả quyết và thêm rằng những quan chức chính phủ lợi dụng chức vụ để thực hiện hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn bán ma túy sẽ đứng đầu danh sách săn lùng của ông.
Tổng thống Duterte cũng thêm rằng các binh sĩ quân đội và cảnh sát sẽ được đảm bảo không bị truy tố nếu giết người trong khi làm nhiệm vụ truy quét các đối tượng liên quan đến ma túy.
Văn phòng chống ma túy trực thuộc Liên Hợp Quốc cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 3/8 bày tỏ quan ngại về những vụ việc giết người liên tục xảy ra ở Philippines thời gian qua.
"Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm vô cùng lo lắng trước những báo cáo liên quan đến các vụ giết hại không qua xét xử những người bị tình nghi buôn bán và sử dụng ma túy ở Philippines", giám đốc điều hành văn phòng cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Duterte tuyên bố không lo sợ việc chiến dịch chống tội phạm sẽ khiến ông bị bãi nhiệm. Cảnh sát cho hay hơn 500.000 người ở Philippines đã tự thú với chính quyền các địa phương và cam kết ngừng sử dụng ma túy.
Obama muốn tấn công IS trên mọi mặt trận
Ông Obama nói Nga chưa áp dụng hết các biện pháp cần thiết ở Syria.
Tổng thống Obama đã cam kết tiêu diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin Tổng thống Obama đã tuyên bố như trên tại cuộc họp báo sau khi chỉ đạo cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia tại Lầu Năm Góc hôm 4-8 (giờ địa phương).
Ông nhận xét cách đây hai năm, nhiều người ở Trung Đông đánh giá không thể đánh thắng IS. Nay thì không phải thế, IS không có chiến dịch phản công nào lớn mà thành công trong một năm qua ở Iraq và Syria.
Ông đánh giá các lực lượng địa phương đã đạt được thắng lợi đáng kể trong chiến dịch đánh IS.
Tại Iraq, các lực lượng đã chiếm Fallujah, Qayyarah và đã sẵn sàng phản công tái chiếm Mosul.
Tại Syira, các lực lượng đã bịt được cửa ngõ cuối cùng của IS ở “thủ phủ” Raqqa và đang tiến về Manbij, đầu cầu để IS xuất phát đánh châu Âu.
Ngay như bọn chóp bu IS khi huấn thị cho cấp dưới cũng thừa nhận có thể mất Mosul hay Raqqa.
Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tại Lầu Năm Góc ngày 4-8. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Tổng thống Obama ghi nhận bọn chóp bu IS biết sắp thua ở Iraq và Syria nên đã thay đổi chiến lược để ngăn chặn thất bại.
IS đã chuyển sang chiến thuật tấn công khủng bố quy mô ở một số nước, trong đó có Mỹ.
Tổng thống Obama thừa nhận dù các nước có phối hợp chống khủng bố nhưng khó có thể phát hiện và ngăn chặn các phần tử hoạt động riêng rẽ hay các toán khủng bố nhỏ.
Ông nhấn mạnh: “Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục tấn công IS trên mọi mặt trận”.
Nhận xét về góc độ quân sự trong chiến lược chống IS, ông đánh giá đã đạt được thành công.
Nhờ công nghệ tuyệt vời nên chiến dịch không kích được xem là chính xác nhất trong lịch sử, tránh gây thương vong cho dân.
Các lực lượng vẫn tiếp tục tập trung tiêu diệt bọn chỉ huy cấp cao IS.
Ông cho biết kế hoạch thời hậu IS đã được thiết lập. Tại Iraq, chính phủ Iraq có các nước trong liên minh giúp đỡ sẽ cung cấp các dịch vụ cho nhân dân các vùng bị IS chiếm đóng ngày trước.
Tại Syria thì phức tạp hơn, IS và Al Qaeda có thể ẩn mình sau cuộc nội chiến.
Tổng thống Obama nhận xét tình hình vẫn xấu ở Syria cho thấy Nga chưa áp dụng thành công hết các biện pháp cần thiết.
Ông kêu gọi Nga phải hợp tác với cộng đồng quốc tế để cứu vãn tình hình Syria.
Ông thông báo tại Libya, máy bay Mỹ sẽ tiếp tục yểm trợ cho lực lượng trung thành với chính phủ tấn công IS ở Sirte.
Tại Afghanistan, Mỹ tiếp tục hợp tác với quân đội địa phương loại trừ IS.
Cuối cùng Tổng thống Obama nhận định sức mạnh quân sự chưa đủ mà phải tiêu diệt tận gốc rễ tư tưởng cực đoan.
Để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực thì phải giải quyết các tác nhân xã hội, kinh tế đã góp phần tạo ra các tổ chức như IS hay Al Qaeda. Ông đã kêu gọi các xã hội đoàn kết, bình tĩnh và đừng sợ hãi trước khủng bố.(PLO)