2 vấn đề lớn NATO không muốn bàn với Nga
Nổ súng ở Mỹ, ba cảnh sát thiệt mạng
Putin: Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận được
Thượng đỉnh Á - Âu không đề cập đến Biển Đông trong tuyên bố chung
Đài Loan điều trái phép tàu tuần tra 1.000 tấn tới đảo Ba Bình
Tin thế giới đọc nhanh sáng 17-07-2016
- Cập nhật : 17/07/2016
Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc chiến dịch chống đảo chính
Các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc chiến dịch chống những kẻ tiến hành đảo chính tại Sở chỉ huy của Bộ tham mưu quân sự.
Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lại trên các đường phố ở Istanbul sau vụ đảo chính. Ảnh: AFP/TTXVN
Thổ Nhĩ Kỳ: Lính đảo chính bị "chặt đầu"
Một loạt hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy có vẻ như một quân nhân đảo chính bị phe ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chặt đầu.
Trong bức hình, một thi thể đàn ông nằm lăn lóc trên một trong những cây cầu bắc qua sông Bosphorus ở TP Istanbul sau khi bị người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền chặt đầu. Nhóm quân nhân này đã đầu hàng ngày 16-7 sau khi chặn cây cầu trong thời gian diễn ra đảo chính.
Lực lượng ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dập tắt thành công cuộc đảo chính sau một đêm bùng phát các vụ nổ, không chiến và đọ súng khiến hàng chục người thiệt mạng.
Hàng ngàn người đã bị bắt trong khi ông Erdogan cam kết bắt những kẻ chịu trách nhiệm “phải trả giá đắt vì tội phản quốc”.
Thủ tướng Benali Yildirim thông báo có ít nhất 161 người chết, 1.440 người bị thương trong khung cảnh hỗn loạn. Ngoài ra, 2.839 người dính líu đến đảo chính đã bị bắt giữ.
Một nguồn tin từ phủ tổng thống tiết lộ số người chết trên “không bao gồm những kẻ tấn công”.
Thủ tướng Yildirim miêu tả đêm đảo chính là “một mốc đen tối trong nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ” và thủ phạm “sẽ bị trừng phạt xứng đáng”.
Vụ đảo chính cho thấy tình trạng bất ổn chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO và đồng minh chủ chốt của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – khi không ít người đánh giá ông Erdogan ngày càng độc tài. Nhà lãnh đạo này bị chỉ trích vì đàn áp những người chống đối, hạn chế hoạt động của phương tiện truyền thông và khơi lại mâu thuẫn với phiến quân người Kurd.
Mỹ: Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Trung Quốc nên tuân thủ luật pháp quốc tế như tất cả các nước khác sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) vừa ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ỡ biển Đông.
Trả lời phỏng vấn một số tờ báo lớn của Úc hôm 16-7, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Mỹ và các đồng minh, trong đó có Úc, có trách nhiệm yêu cầu Trung Quốc tuân thủ hệ thống luật quốc tế liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trên biển.
“Chúng tôi mong muốn Trung Quốc cũng tuân thủ các điều luật như bao quốc gia khác” – ông Biden nhấn mạnh. Phó Tổng thống Mỹ nói thêm: “Chúng tôi đang kêu gọi cả Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết”.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một cuộc họp báo ở Washington hôm 20-6. Ảnh: Reuters
PCA trong tuần qua phán quyết không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử đối với tài nguyên trong khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn”. Tuyên bố của PCA được dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Trung Quốc cũng là một trong những nước đã tham gia ký kết.
Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của PCA và vẫn khăng khăng rằng Trung Quốc có “chủ quyền xa xưa” đối với vùng biển này.
Ông Biden cũng bày tỏ rằng Mỹ đang “hợp tác với Úc và các nước trong vùng để đảm bảo trật tự quốc tế tự do được duy trì vì điều này có liên quan đến việc duy trì các luồng lưu thông thương mại, giữ cho vùng biển và vùng trời quốc tế được mở”.
Mỹ trước này luôn cho rằng tất cả tàu thuyền có quyền đi qua những vùng biển mà Mỹ xem là vùng biển quốc tế. Mỹ cũng từng cử tàu sân bay và tàu chiến đến tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 15-7 đã ra tuyên bố đề nghị Trung Quốc và Philippines giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông trên cơ sở phán quyết của PCA.
Thái Lan: Nổi loạn tại nhà tù lớn nhất tỉnh Pattani
Vụ nổi loạn bùng phát từ chiều 15/7 tại nhà tù trung tâm tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan khiến 3 tù nhân thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong đó có cai ngục.
Theo cảnh sát, vụ nổi loạn bắt đầu từ 17h tại nhà tù lớn nhất tỉnh Pattani, nơi đang giam giữ khoảng 2.000 tù nhân, trong đó có nhiều đối tượng được xem là đặc biệt nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Khi vụ nổi loạn bắt đầu, hàng trăm tù nhân đã phá buồng giam, đốt phá và tấn công lực lượng an ninh đến chế áp họ.
Cảnh sát chống bạo động đã tiến vào nhà tù lúc 21h và sử dụng hơi cay, đạn cao su để chế áp các tù nhân nổi loạn. Theo các nhân chứng, đã có nhiều tiếng súng và tiếng nổ lớn. Cuộc đột kích kéo dài 1 giờ trong khi lực lượng cứu hỏa phải nỗ lực dập tắt ngọn lửa đang lan rộng khắp nhà tù.
Theo cảnh sát, 3 tù nhân thiệt mạng là những người đã hợp tác với cảnh sát trong việc giám sát nhà tù. Hai trong số những người này đã bị đánh đập đến chết và thậm chí còn bị thiêu xác, người còn lại bị tử thương trong bệnh viện.