tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 17-07-2016

  • Cập nhật : 17/07/2016

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông sau phán quyết 'đường lưỡi bò'

Washington kêu gọi các nước liên quan kiềm chế và xem xét kỹ phán quyết của Tòa về vụ kiện "đường lưỡi bò".

khu truc ham spruance cua my tuan tra o bien dong. anh: us navy

Khu trục hạm Spruance của Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Ảnh: US Navy

"Các chuyến tuần tra ở Biển Đông là điều chúng tôi đã thực hiện trong nhiều thập kỷ nhằm bảo vệ quyền của tất cả các nước đưa thuyền và máy bay hoạt động ở những nơi luật quốc tế cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó", bà Colin Willett, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nhấn mạnh khi trao đổi qua điện thoại hôm 14/7 với một số phóng viên châu Á, trong đó có VnExpress.

Theo bà Willett, phán quyết của Tòa trọng tài hôm 12/7 với vụ kiện do Philippines đưa ra mang tính quyết định và ảnh hưởng sâu rộng, đồng thời cũng rất phức tạp, với khối lượng đồ sộ gần 500 trang. Do đó, các nước liên quan, gồm Philippines, Trung Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần dành thời gian xem xét kỹ, đánh giá những gợi ý của phán quyết. 

Trước nhiều câu hỏi về việc Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ làm gì nếu Trung Quốc có hành động khiêu khích ở khu vực, bà Willett từ chối đưa ra dự đoán về diễn biến sắp tới, cho rằng "còn quá sớm" để đánh giá.

Trong khi đó, Mỹ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không có cách hành xử khiêu khích, hăm dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Washington cho rằng các nước cần tôn trọng luật pháp, làm rõ yêu sách của mình theo luật biển (UNCLOS), tìm kiếm cách thức có thể chấp nhận được hoặc giải quyết những khác biệt một cách hòa bình.

Bà Willett bày tỏ, khi phán quyết của Tòa là ràng buộc với các bên, gồm Philippines và Trung Quốc, Mỹ trông đợi các nước này sẽ tuân thủ, thực hiện nghĩa vụ của mình.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington hợp tác với các nước liên quan để khuyến khích họ sử dụng phán quyết làm cơ sở để thảo luận, tìm ra những phương cách như hợp tác chung hoặc quy tắc về cách hành xử.

Đề cập tới lo ngại Bắc Kinh có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng bất kỳ hành động nào cản trở tự do hàng hải và hàng không có thể bị coi là khiêu khích, "là điều không thể chấp nhận được với bất kỳ ai".


Ai Cập ngăn Hội đồng Bảo an lên án đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua không ra được tuyên bố lên án bạo lực và bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị Ai Cập phản đối.

nhung nguoi ung ho tong thong tho nhi ky hom qua xuong duong o ankara. anh: reuters

Những người ủng hộ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua xuống đường ở Ankara. Ảnh: Reuters

Bản tuyên bố do Mỹ soạn thảo kêu gọi tất cả các bên "tôn trọng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được bầu một cách dân chủ". Văn bản cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nước này, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh bạo lực hay đổ máu, kêu gọi chấm dứt ngay khủng hoảng và trở lại với pháp quyền.

Các thông cáo của Hội đồng Bảo An (HĐBA) gồm 15 thành viên phải được nhất trí dựa trên đồng thuận.

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên cho hay Ai Cập phản bác rằng HĐBA không ở vị thế thích hợp để xác định xem liệu một chính phủ đã được bầu một cách dân chủ hay chưa. Phái đoàn Ai Cập tại Liên Hợp Quốc không phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận.

Lực lượng trung thành với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua nhìn chung dẹp tan âm mưu đảo chính quân sự, sau khi những đám đông đáp lại lời kêu gọi của ông, xuống đường để ủng hộ chính phủ và hàng chục quân nổi dậy bỏ xe tăng. 265 người thiệt mạng, khoảng 1.440 người bị thương và 2.839 nhân viên quân sự bị bắt trong cuộc đảo chính.


Tổng thống Erdogan đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sinh sống tại bang Pennsylvania (Mỹ), về quy án tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại thành phố Istanbul chiều 16/7, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải dẫn độ giáo sĩ Gulen, nhân vật mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đã lên kế hoạch và chỉ đạo âm mưu đảo chính quân sự bất thành đêm 15/7 tại quốc gia này. 

Ông Erdogan thông báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng giáo sĩ Gulen đã đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và cần phải bị dẫn độ. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: "Tôi kêu gọi nước Mỹ và ngài Tổng thống Obama bàn giao con người này cho chúng tôi".
 

Giáo sĩ Fethullah Gulen tại Pennsylvania, Mỹ ngày 27/12/2013. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washington hiện vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị dẫn độ chính thức nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu từ Luxembourg ngày 16/7, ông Kerry nói rằng Mỹ sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ đảo chính nhưng Ankara cần phải chia sẻ các bằng chứng mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có được nhằm chống lại giáo sĩ Fethullah Gulen.

Giáo sĩ Fethullah Gulen (75 tuổi) hiện đang sống lưu vong tại thị trấn miền núi Poconos ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999 và bị cáo buộc tội phản quốc. Sau khi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỹ, nhân vật này đã bị chính quyền Erdogan cáo buộc có các hoạt động Hồi giáo cực đoan dù trước đó từng là đồng minh của ông Erdogan. Ông Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên Fethullah Gulen.

Cùng ngày, Quốc hội Thổ Nhĩ đã tổ chức một phiên họp bất thường. Phiên họp được bắt đầu bằng phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng trong âm mưu đảo chính. Phiên họp bất thường này do Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Kakhraman triệu tập. Dự kiến, các nghị sĩ sẽ thông qua tuyên bố liên quan đến những sự kiện xảy ra tại nước này.
 
canh sat chong bao dong tho nhi ky ap giai cac binh si bi bat tai mot can cu quan su o istanbul ngay 16/7. anh: afp/ttxvn

Cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ áp giải các binh sĩ bị bắt tại một căn cứ quân sự ở Istanbul ngày 16/7. Ảnh: AFP/TTXVN

* Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng nguyên tắc pháp trị khi họ bắt giữ những người bị nghi cầm đầu âm mưu đảo chính.

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã nhấn mạnh rằng tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hành động trong khuôn khổ nền pháp quyền và tránh những hành động có thể gây thêm bạo lực hoặc bất ổn.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên án vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất", nhưng cũng đồng thời kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xử lý những kẻ âm mưu đảo chính theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Trong một diễn biến khác liên quan, một nguồn tin quân sự Mỹ ngày 16/7 cho biết, Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu đã ra lệnh cho các lực lượng Mỹ trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các biện pháp bảo vệ tối đa sau vụ đảo chính quân sự diễn ra ở quốc gia này.

Nguồn tin trên nêu rõ: "Chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ tiến hành tất cả các nỗ lực có thể để bảo đảm an toàn và an ninh cho các binh sĩ, nhân viên, gia đình của họ và cơ sở của chúng tôi".

Quân đội Mỹ có khoảng 2.200 binh sĩ và nhân viên dân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO và đối tác quan trọng của Washington trong khu vực. Khoảng 1.500 trong số đó đồn trú tại Incirlik, căn cứ quân sự ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các máy bay Mỹ triển khai các cuộc oanh kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.(Tintuc)

Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa căn cứ nơi có không quân Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa an ninh tại căn cứ Incirlik ở phía nam đất nước. Đây là nơi đóng quân của một đơn vị không quân với các chiến đấu cơ và khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ.

chien dau co f-15c cua my tai can cu incirlik. anh: military

Chiến đấu cơ F-15C của Mỹ tại căn cứ Incirlik. Ảnh: Military

AFP hôm nay dẫn nguồn Lãnh sự quán Mỹ ở Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giới chức Ankara đã áp đặt lệnh phong tỏa tại căn cứ không quân Incirlik, nhằm đảm bảo an ninh sau vụ đảo chính.

Theo nguồn tin trên, chính quyền địa phương đã từ chối các hoạt động cất cánh và hạ cánh tại căn cứ không quân Incirlik. Điện tại căn cứ này cũng bị cắt. Động thái này nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ lực lượng đảo chính có thể sử dụng các phương tiện đường không để chạy trốn hoặc tiếp tục âm mưu lật đổ chính phủ.

Căn cứ Incirlik hiện được Mỹ và liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria sử dụng để phục vụ chiến dịch không kích. Đơn vị không quân số 39, cùng 1.500 quân nhân và nhân viên quân sự Mỹ đóng tại đây, theo trang web của căn cứ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia tại Washington sau vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà Trắng cho biết các quan chức an ninh hàng đầu và cố vấn chính sách đối ngoại sẽ cập nhật cho tổng thống về tình hình tại Ankara.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền được dân bầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc phong tỏa là tạm thời, nhằm ngăn ngừa nguy cơ máy bay quân sự bị sử dụng để tấn công các mục tiêu thường dân và chính phủ như từng xảy ra đêm 15/7. 

Tối 15/7 giờ địa phương, một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đảo chính, phong toả cầu Bosphorus ở Istanbul và bao vây một số địa điểm then chốt. Trực thăng của phe này cũng tấn công các tòa nhà chính phủ ở Ankara. Người dân và lực lượng trung thành với chính phủ đã chống trả phe đảo chính.

Sáng ngày 16/7, Tổng thống Erdongan tuyên bố cuộc đảo chính thất bại. 265 người thiệt mạng, khoảng 1.440 người bị thương và 2.839 nhân viên quân sự bị bắt trong cuộc đảo chính.


Mỹ bác khả năng dính líu đến vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu rằng những cáo buộc Mỹ liên quan đến vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO này.

nhung nguoi ung ho chinh phu va tong thong tho nhi ky recep tayyip erdogan tuan hanh tai quang truong kizilay o ankara. anh: afp/ttxvn

Những người ủng hộ Chính phủ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần hành tại quảng trường Kizilay ở Ankara. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/7, trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ: "Ông Kerry đã khẳng định rõ rằng Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra, nhưng những lời nói bóng gió hay cáo buộc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính bất thành là hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương giữa hai nước".

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry và ông Cavosoglu cũng thảo luận về sự cần thiết phải tập trung vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trong diễn biến liên quan, phát biểu trên kênh ARD của Đức tối 16/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen bày tỏ hoài nghi về kế hoạch miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu (EU).

Theo chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) nêu trên, việc Thổ Nhĩ Kỳ cách chức rất nhiều thẩm phán sau âm mưu đảo chính bất thành ở Ankara là sự vi phạm nhân quyền và xâm phạm những quy định của nhà nước pháp quyền, một "ranh giới đỏ" để đàm phán thành công với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc miễn thị thực cho công dân nước này vào châu Âu. 

Ông Röttgen khẳng định người châu Âu không được phép trở thành "đồng lõa với những tham vọng quyền lực một cách độc đoán của ông Erdogan". 

Ông cũng cho biết đang chờ đợi phản ứng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với sự phát triển có thể theo hướng độc đoán hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, tình trạng nhà nước pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải được đề cập trong khuôn khổ của NATO mà Ankara là một thành viên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục