Nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ hành động tuần tra của Mỹ tại Biển Đông, như một cách đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Tin thế giới đọc nhanh 03-11-2015
- Cập nhật : 03/11/2015
Kinh tế Trung Quốc ngày càng yếu
PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất tại các nhà máy đang giảm sút. Đây là dấu hiệu mới nhất về sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc, sau số liệu GDP quý III chỉ tăng 6,9% - chậm nhất từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. PMI Trung Quốc đang chịu tác động tiêu cực trong bối cảnh chứng khoán trong nước đi xuống và nhu cầu thế giới suy giảm.
Trước đó, giới phân tích cho rằng PMI nước này sẽ là 50. "Do kinh tế toàn cầu gần đây yếu đi và áp lực suy giảm trong nước, các hãng sản xuất vẫn gặp khó khi xuất nhập khẩu", BBC trích nhận xét của Zhao Qinghe – chuyên gia tại Cơ quan Thống kê Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, tăng cơ cấu tiêu dùng và dịch vụ trong GDP. Thời gian gần đây, nước này đã liên tục tung biện pháp kích thích, như 5 lần giảm lãi suất trong năm 2015. Tuy nhiên, những chính sách này được đánh giá chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. ANZ cho rằng số liệu PMI hôm nay có thể thôi thúc Trung Quốc tăng nới lỏng.
Đầu phiên giao dịch sáng nay, chứng khoán châu Á đã đồng loạt đi xuống sau thông tin từ Trung Quốc. MSCI châu Á - Thái Bình Dương mất 1%, Topix (Nhật Bản) giảm 1,8%, còn Shanghai Composite Index giảm 0,9%. Tuy nhiên, đến 10h30 (giờ Hà Nội), các chỉ số này đã hồi phục phần nào. MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng nhẹ 0,07%, còn Shanghai Composite Index tăng 0,23%.
Phi cơ Trung Quốc mang tên lửa bay huấn luyện ở Biển Đông
Website chính thức của hải quân Trung Quốc hôm 31/10 đăng tải hình ảnh các chiến đấu cơ có mang tên lửa đang tham gia bay huấn luyện. Những chiến đấu cơ này thuộc Hạm đội Nam Hải và địa điểm huấn luyện là một đường băng trên Biển Đông, SCMP dẫn lại thông tin từ hải quân Trung Quốc cho biết.
Giới chuyên gia quân sự nói đường băng nằm trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam. Theo họ, đợt huấn luyện là phản ứng mới nhất của Trung Quốc với việc tàu khu trục Mỹ USS Lassen hôm 27/10 đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo.
"Cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều tuyên bố sẽ đáp trả nếu các quyền trên biển của nước này bị xâm phạm. Những thông báo đó cần được tiếp nối bằng hành động thực tế", tướng Trung Quốc về hưu Xu Guangyu nói.
Theo Xu, đây là tín hiệu Trung Quốc gửi đến Mỹ rằng họ thực sự nghiêm túc về các tuyên bố chủ quyền. "Nó là phản ứng tối thiểu Trung Quốc nên có, nếu không sẽ không đạt được sự kỳ vọng từ người dân".
Xu cũng tin đợt huấn luyện diễn ra trên đảo Phú Lâm bởi đường băng trên đảo này là nơi duy nhất sẵn sàng sử dụng trên Biển Đông, số còn lại vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
"Trung Quốc sẽ không tiếc sức hành động cứng rắn, miễn là họ đừng chạm tới điểm mấu chốt của xung đột quân sự", chuyên gia quân sự Ni Lexiong nhận định. "Đây cũng là lời cảnh báo đối với đồng minh Mỹ trong khu vực, gồm Australia và Nhật Bản. Họ có thể sẽ noi gương Mỹ".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua nói tranh chấp trên Biển Đông đang khiến các nước trong khu vực có nhu cầu ngày càng tăng về sự hiện diện quân sự Mỹ.
Ông Carter cho biết chủ đề thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng sắp tới tại Malaysia sẽ bao gồm các diễn biến ở Biển Đông. "Điều đáng chú ý nhất trong năm ngoái là hoạt động quân sự và nạo vét của Trung Quốc diễn ra với tốc độ chưa từng có", ông nói.
Al-Qaeda muốn bắt tay IS để chống Nga
Trong đoạn ghi âm đăng tải lên mạng hôm qua, thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri liệt kê người Nga, Iran, lực lượng Hezbollah và người Mỹ đang cùng nhau chống lại các nhóm phiến quân. Al-Zawahiri kêu gọi các nhóm phiến quân thay vì đấu đá lẫn nhau thì hãy tập trung "chống lại kẻ thù chung", Sputnik đưa tin.
Theo đó, al-Zawahiri muốn có sự thống nhất lớn hơn giữa al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS), nhóm phiến quân đang chiếm nhiều phần lãnh thổ ở Iraq và Syria. Hai tổ chức này hiện vẫn cạnh tranh nhau trong nỗ lực tuyển mộ người ủng hộ.
Thông tin về địa điểm và thời gian ghi âm cụ thể không được tiết lộ nhưng có thể là sau ngày 30/9 bởi thủ lĩnh al-Qaeda có nhắc đến Nga, quốc gia đang triển khai chiến dịch tấn công phiến quân Hồi giáo ở Syria.
Trong đoạn ghi âm công bố tháng 9, al-Zawahiri gọi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi là "phi pháp" và cáo buộc tên này phớt lờ những người Hồi giáo đang chịu khổ ở Gaza và Pakistan. Tuy nhiên, al-Zawahiri tuyên bố al-Qaeda sẽ hợp tác với IS để chống liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại cả Iraq và Syria bất cứ khi nào có thể.
Trung Quốc điều máy bay chiến đấu đối phó tàu khu trục Mỹ
Trung Quốc xuất kích nhiều máy bay phản lực được trang bị tên lửa từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đến áp sát các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép ở Trường Sa, nơi Mỹ vừa đưa tàu đến tuần tra.
Trung Quốc điều máy bay chiến đấu mang tên lửa áp sát các đảo nhân tạo - Ảnh: South China Morning Post
Thông tin trên càng được xác thực theo loạt ảnh được Hải quân Trung Quốc công bố và tờ South China Morning Post đăng tải lại vào ngày 1-11.
“Hành động trên là thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến Mỹ, cho thấy họ rất nghiêm túc về tuyên bố chủ quyền này. Đây là mức độ phản ứng tối thiểu mà Trung Quốc nên làm, nếu không họ sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân trong nước” - ông Xu Guangyu, một tướng quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu, cho biết.
Hiện Mỹ vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào trước động thái trên.
Cách đây 1 tuần, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục USS Lassen đến khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa, nhằm “thực hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế” - một động thái được giới chuyên gia đánh giá là ngầm chối bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Phía lãnh đạo Bắc Kinh phản đối dữ dội hành động này của Mỹ, khẳng định rằng đây là “một hành động khiêu khích nguy hiểm” có khả năng gây ra chiến tranh giữa hai nước trong tương lai.
Mỹ - Hàn tuyên bố không nhân nhượng Triều Tiên
Trong khuôn khổ Hội nghị tham vấn an ninh thường niên Mỹ - Hàn diễn ra sáng 2-11, lãnh đạo hai bên cho biết sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ CHDCND Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo - Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Reuters cho hay bên cạnh việc đánh giá chương trình quốc phòng hằng năm, chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước chính là hoạt động quân sự chung giữa hai bên trong trường hợp Triều Tiên gia tăng khiêu khích.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng người đồng cấp Hàn Quốc Han Min Koo khẳng định họ hết sức quan ngại về ý định thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, hành động mà nước này khẳng định “đưa vệ tinh vào quỹ đạo”.
“Hai bộ trưởng tái khẳng định bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ Triều Tiên sẽ không được dung thứ” - tuyên bố chung từ hội nghị cho biết.
Theo đó, hai bên thống nhất tăng cường trao đổi thông tin để đối phó với đe dọa tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đồng thời xây dựng kế hoạch tác chiến 4D nhằm phá hủy loại vũ khí này khi cần thiết.
Hai bộ trưởng cũng đồng ý tăng cường hợp tác về chương trình không gian và không gian mạng nhằm cải thiện an ninh cơ sở hạ tầng gồm hệ thống thông tin và không gian.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Carter còn khuyến khích Hàn Quốc nhanh chóng gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời kêu gọi các bên liên quan không có thêm bất kỳ hành động nào nhằm quân sự hóa khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Carter sẽ rời khỏi Seoul vào cuối ngày hôm nay để tiếp tục tham gia hội nghị thượng đỉnh mở rộng bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Malaysia.