Theo AFP, từ ngày 3 đến 12-10 có ít nhất 19 vụ người Palestine dùng dao đâm người Do Thái. Hai người Israel thiệt mạng, hơn 20 người khác bị thương, trong đó có một trẻ em 13 tuổi gặp nguy kịch.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 02-11-2015
- Cập nhật : 02/11/2015
Bộ trưởng Carter: Tranh chấp Biển Đông làm gia tăng nhu cầu Mỹ hiện diện quân sự
Phát biểu trên đường tới Hàn Quốc tham dự cuộc họp an ninh cấp cao, ông Carter cho rằng mối quan tâm đến các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, tình trạng các tranh chấp đó nổi lên, đang khiến nhiều nước trong khu vực "muốn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ".
Theo Reuters, ông Carter cũng cho rằng chủ đề thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng sắp tới tại Malaysia bao gồm các diễn biến ở Biển Đông. "Điều đáng chú ý nhất về điều đó trong năm ngoái là hoạt động quân sự và nạo vét của Trung Quốc với tốc độ chưa từng có", ông nói.
Một tàu chiến Mỹ đầu tuần qua đi vào trong phạm vi 12 hải lý một trong các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là động thái thách thức có ý nghĩa quan trọng nhất của Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa. Bắc Kinh giận dữ cảnh báo một sự cố nhỏ tại khu vực có thể làm bùng lên chiến tranh nếu Mỹ không dừng hành động Trung Quốc coi là "khiêu khích".
Ông Carter dự kiến tới Seoul, Hàn Quốc tối nay và thảo luạn với bộ trưởng Quốc phòng nước này ngày mai. Chủ đề tập trung vào phản ứng cả các đồng minh với chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên. Sau đó, ông sẽ bay tới Malaysia để tham gia cuộc họp với các bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, sự kiện Bộ trưởng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng dự kiến tham dự.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến khu phi quân sự Hàn - Triều
Ông Carter bay bằng trực thăng từ Seoul tới khu phi quân sự (DMZ), được thành lập theo một thoả thuận quốc tế sau lệnh ngừng bắn hồi tháng 7/1953. "Khi đứng ở đây, có thể thấy khu vực này nguy hiểm đến thế nào", ông Carter nói tại làng biên giới Panmunjom.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Carter tới DMZ với tư cách bộ trưởng quốc phòng. Sau đó, ông bay trở về Seoul dự hội nghị an ninh được tổ chức thường niên với các lãnh đạo quốc phòng Hàn Quốc. Cuộc họp được kỳ vọng tập trung vào tiến trình của Seoul trong việc phát triển năng lực quân sự, để không phải cần Mỹ chỉ huy lực lượng Hàn Quốc nữa trong trường hợp Triều Tiên xâm lấn.
"Người Triều Tiên nổi tiếng khó đoán", ông Carter nói với các phóng viên đi cùng. "Chúng tôi luôn sẵn sàng với các khả năng khiêu khích", kể cả trong chuyến thăm tới DMZ hôm nay, ông nói.
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Triều Tiên duy trì hoà bình và ổn định trên bán đảo, tránh khiêu khích, tránh gây thêm căng thẳng trên bán đảo và có những bước đi để phi hạt nhân hoá bán đảo, như lời kêu gọi của hội nghị 6 bên", ông chủ Lầu Năm Góc cho hay.
Liên minh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã chiến đấu cùng phe với Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh tốn kém kéo dài ba năm. Tuy nhiên, một hiệp ước hoà bình chưa bao giờ được thông qua, vì vậy, về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.
Nhật - Trung - Hàn ngoại giao con thoi, tăng cường hợp tác
Hôm qua 31-10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có mặt tại Seoul bắt đầu chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ sáu giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong buổi hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 31-10 - Ảnh: AFP
Trung Quốc và Hàn Quốc hôm qua 31-10 đã tiến hành ký kết một loạt biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các lĩnh vực lương thực, robot công nghiệp, môi trường, kinh tế và bảo vệ gấu trúc. Lễ ký diễn ra với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Bên cạnh đó, hai bên còn nhất trí hợp tác để Quốc hội hai nước nhanh chóng phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đã được ký kết gần 5 tháng trước. Một khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ đóng vai trò là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất của hai nước, góp phần tăng 40% kim ngạch thương mại song phương.
Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục gặp gỡ Thủ tướng Hwang Kyo-ahn và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui-hwa, đồng thời tham dự các hoạt động hợp tác kinh tế và trao đổi nhân dân trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Japan Times cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa người đứng đầu chính phủ hai nước vào ngày hôm nay, 1-11.
Cuộc gặp trên diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngay trước thềm cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến sẽ diễn ra cùng ngày.
Trước đó, vào ngày 30-10, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Chủ tịch Đại hội đồng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản, ông Toshihiro Nikai cũng có cuộc họp mặt tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tại buổi hội đàm, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ song phương trong bối cảnh cuộc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông vẫn còn dai dẳng.
Các cuộc gặp gỡ song phương này diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn-Trung-Nhật tại Seoul với sự tham dự của Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-hye.
Theo kế hoạch, lãnh đạo ba nước trao đổi quan điểm về việc thúc đẩy hợp tác ba bên trong thời gian tới, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu mà cả ba cùng quan tâm.
Mỹ triển khai bộ binh đến Syria chống IS
Hôm qua, Washington tuyên bố lần đầu tiên triển khai một nhóm đặc nhiệm đến Syria để hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sau hơn một năm thực hiện các cuộc không kích ở nước này.
Hãng tin AFP cho biết Nhà Trắng đã bác bỏ những cáo buộc rằng Tổng thống Barack Obama đang đi ngược lại cam kết không triển khai bộ binh đến quốc gia Trung Đông này. “Chiến lược của chúng tôi ở Syria là không đổi. Những lực lượng này không có nhiệm vụ chiến đấu” - AFP dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest.
Giới chức Mỹ cho biết đợt đầu tiên sẽ có chưa đến 50 lính bộ binh đến “huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ” những lực lượng đối lập ở miền bắc Syria, là khu vực đang do các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn kiểm soát. Washington cũng sẽ triển khai 10 máy bay A-10 và 15 máy bay chiến đấu F-15 đến căn cứ Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đợt triển khai này nằm trong khuôn khổ hỗ trợ kế hoạch trên.
Tuyên bố trên được đưa ra khi giới ngoại giao từ 17 quốc gia ủng hộ các phe đối nghịch nhau ở Syria nhóm họp ở Vienna (Áo) nhằm tìm cách thu hẹp sự chia rẽ về cuộc nội chiến ở Syria và số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích động thái triển khai bộ binh của Mỹ. Ông cảnh báo nguy cơ “chiến tranh ủy nhiệm” sẽ xảy ra ở Trung Đông và nói rằng tình hình này rất cần sự hợp tác giữa Mỹ và Nga. Ông Lavrov nói rằng Mỹ đã quyết định hành động đơn phương và không có bất kỳ thông báo nào cho lãnh đạo Syria.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận ông đi từ trạng thái “nhất trí đến không nhất trí” với người đồng cấp của Nga và Iran về số phận của Tổng thống al-Assad.
“Quan điểm của Mỹ là không có chuyện Tổng thống al-Assad có thể thống nhất và quản lý Syria. Chúng tôi tin rằng người dân Syria xứng đáng với chọn lựa khác” - Ngoại trưởng Kerry giải thích.
Đáp lại, Bộ trưởng ngoại giao Nga nhấn mạnh “số phận ông al-Assad cần được người dân Syria quyết định thông qua bầu cử”. Ý tưởng này đã bị các lực lượng nổi dậy bác bỏ vì họ cho rằng hàng triệu người Syria đã bỏ quê hương ra đi, các thành phố bị tổn thương và 2/3 đất nước Syria đang nằm trong tay IS và các lực lượng vũ trang khác.
Trung Quốc 'trấn an' doanh nghiệp Hàn Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định không cần phải lo lắng về nước này và rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, theo Yonhap.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định không cần thiết phải lo lắng cho nền kinh tế nước này - Ảnh: Reuters
Ông Lý Khắc Cường đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Hàn Quốc nhân chuyến thăm của ông đến đây. Và dù thừa nhận có vài mối lo nhỏ khi nhìn vào số liệu từ nền kinh tế Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường vẫn tự tin tình hình sẽ không đáng ngại.
“Không có lý do gì để lo ngại về những biến động nhỏ vừa qua. Thị trường với độ lớn 1,3 tỉ dân của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn mở rộng, và sự cam kết của chính phủ trong việc cải cách luôn kiên định”, hãng tin Hàn Quốc Yonhap ngày 1.11 dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp tại Seoul.
Kinh tế Trung Quốc thời gian qua chứng kiến sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng, cuộc khủng hoảng chứng khoán cũng như tình hình chi tiêu ì ạch của thị trường. Chính phủ nước này cũng đã giảm lãi suất để kích cầu.
Ông Lý Khắc Cường cho biết một số báo cáo dự đoán sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai chỉ đề cập tới tốc độ phát triển, và rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ mở rộng một cách tuyệt đối.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Ông Lý Khắc Cường khẳng định các thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) giữa hai nước sẽ càng góp phần thúc đẩy kinh tế đôi bên cùng tiến lên, theo Yonhap.
Hiện tại Trung Quốc đang đặt mục tiêu phát triển kinh tế 7% trong năm nay. Tuy nhiên ở cuộc họp báo ngày 25.10 vừa qua, ông Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc “chưa bao giờ ấn định mức 7%”, mà “luôn phải hoạt động trong một phạm vi hợp lý”.
Ngoài ra, ông cũng nói rằng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc đang “lớn hơn bao giờ hết”, bất chấp sự tăng trưởng chạm đáy 25 năm gần nhất và quá trình chuyển đổi chậm chạp, theo Reuters.