Trung Quốc bơm gần 100 tỉ USD vực dậy nền kinh tế
Hàng loạt đồng nội tệ châu Á cùng mất giá mạnh
Người Venezuela dùng tiền làm giấy ăn
Mỹ tính tăng cường bay UAV trên Biển Đông
Nga phát triển tên lửa đẩy hạng trung mới thay thế Soyuz-2
Ông Donald Trump đang lạnh nhạt dần với Trung Quốc?
- Cập nhật : 04/07/2017
Niềm tin vào khả năng Trung Quốc có thể kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang rơi vào vô vọng khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump chuyển sang kết thân với một số quốc gia vốn là đối thủ của Bắc Kinh trong khu vực.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mất dần kiên nhẫn với Trung Quốc.
Đây là lý do mà trong những tuần gần đây, Mỹ đã gây thêm áp lực với Trung Quốc như tăng hàng rào thuế quan với mặt hàng thép. Động thái này của Mỹ đang được ngược lại với cách tiếp cận ban đầu của ông Trump với Trung Quốc với hy vọng biến Bắc Kinh trở thành một đối tác để giải quyết các vấn đề ở châu Á như chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trong những ngày đầu nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ trích Bắc Kinh. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi đầu tháng Tư, ông Trump đã bày tỏ sự lạc quan về việc tìm được quan điểm chung với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên và thương mại song phương.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi đầu tháng Tư.
Theo tạp chí National Interest, trên thực tế, việc dựa vào Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên là ít có khả năng thành công. Nguyên nhân là Bắc Kinh lo sợ những hành động cứng rắn có thể khiến chính quyền Bình Nhưỡng đối mặt với nguy cơ sụp đổ và tạo ra sự hỗn loạn an ninh.
Chuyên gia phân tích tại Viện Cato, ông Eric Gomez nhấn mạnh: "Triều Tiên là một vùng đệm quan trọng ngăn chặn quân đội Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc tiến lại gần biên giới Trung Quốc. Vì lợi ích an ninh, Trung Quốc sẽ không làm những việc có thể dẫn tới sự sụp đổ hoặc bất ổn cho Triều Tiên".
Cũng theo ông Gomez, ông Trump dường như "quá ảo tưởng" trước sức mạnh của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Điển hình, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định tử hình người chú Jong Sang Thaek, một cầu nối kinh tế quan trọng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vào năm 2013 đã chứng minh Triều Tiên không quan tâm tới cả những lợi ích lớn nhất của mình. Còn theo tính toán của Trung Quốc, một khi súng đã nổ thì chính quyền Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể đối mặt với sự sụp đổ.
Khi những hy vọng kiềm chế Triều Tiên được chính quyền của Tổng thống Trump đặt lên vai Trung Quốc rơi vào vô vọng, nhà lãnh đạo Mỹ và nhóm cố vấn không khỏi tức giận. Đặc biệt sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier, chia sẻ trên Twitter hôm 20/6, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng trước sự hỗ trợ mà Trung Quốc giành cho Triều Tiên. Ngay ngày hôm sau, phát biểu trước báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng nhấn mạnh: "Trung Quốc có trách nhiệm gia tăng thêm sức ép kinh tế và ngoại giao với Triều Tiên nếu như Bắc Kinh muốn ngăn cản căng thẳng khu vực leo thang".
Đây chính là lý do nội các của Tổng thống Trump quyết định áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với một công ty và cá nhân của Trung Quốc bị cáo buộc có mối liên hệ với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ bản báo cáo hạ bậc Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người mà cụ thể là việc sử dụng số lượng lớn công nhân là người Triều Tiên.
Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang vận dụng lại những chính sách của người tiền nhiệm từng thi hành như mở rộng quan hệ với các nước vốn là đối thủ của Trung Quốc trong khu vực. Cụ thể, trước khi ông Trump gặp mặt Thủ tướng Narendra Modi, Mỹ đã đồng thuận bán 22 máy bay không người lái Guardian MQ-9B cho Ấn Độ. Đây được xem là biện pháp nhằm tăng cường giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Song điều khiến Bắc Kinh tức giận nhất là việc chính quyền của Tổng thống Trump đồng ý bán lô vũ khí trị giá hơn 1,4 tỷ USD cho Đài Loan.
Chưa dừng lại, những động thái liên quan tới tình hình địa chính trị gần đây của ông Trump không còn chỉ giới hạn trong các thương vụ mua bán vũ khí. Tại cuộc họp báo mới đây với Thủ tướng Modi, ông Trump còn khẳng định Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận chung hải quân Malabar với Nhật Bản và Ấn Độ.
Ông David Brewster, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học An ninh quốc gia Australia nhận định, Malabar là "biểu tượng quan trọng cho quan hệ ngày càng gắn bó giữa ba nước Mỹ - Nhật - Ấn. Cũng theo ông Brewster, Malabar không phải là một cuộc tập trận phục vụ "chính sách ngăn chặn" và "một khi Trung Quốc càng có những hành động đi ngược lại với luật lệ, các quốc gia sẽ ngày càng xích lại gần nhau".
Cũng theo National Interest, trên thực tế, ông Trump không hẳn đã từ bỏ hoàn toàn hy vọng trong việc hợp tác với Trung Quốc. Hôm 22/6, trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, ông Trump cho biết Mỹ quan tâm tới việc hợp tác với Trung Quốc về sáng kiến "Một vành đai một con đường".
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet