Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông không ngừng tăng nhiệt bởi các hành động lấp biển xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc.
Tàu cá dân quân - chiêu bài lách luật của Trung Quốc
- Cập nhật : 19/08/2015
(Bien Dong)
Dùng tàu cá làm lực lượng dân quân, Bắc Kinh muốn lợi dụng sự khó khăn trong việc phân biệt tàu dân và quân sự để hỗ trợ cho hoạt động hải quân, và có cớ để công kích đối phương nếu những tàu này bị tấn công.
Bắc Kinh sử dụng một mạng lưới tàu cá được tổ chức như một đội tàu dân quân biển, có vai trò bán quân sự cả trong thời bình và khi xảy ra xung đột vũ trang. Đội tàu dân quân này tạo thành một lực lượng hải quân không chính thức và tăng cường sức mạnh cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) mà không quá tốn kém. Lực lượng này đặt ra thách thức lớn về quân số, cách đối phó, và khía cạnh chính trị, pháp lý cho mọi đối thủ của Bắc Kinh, có thể khiến đối phương khó ra quyết định, buộc họ phải thận trọng trong mọi hành động nếu có khủng hoảng hoặc chiến tranh trên biển.
Xóa mờ ranh giới dân và quân sự
Theo Giáo sư James Kraska, nhà nghiên cứu của Trung tâm Luật quốc tế Stockton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, lực lượng dân quân Trung Quốc đã xóa nhòa ranh giới trong định nghĩa giữa tàu chiến và tàu dân sự theo luật hải chiến, được phân tích trong một nghiên cứu mới đây của Đại học Hải quân Mỹ. Theo Luật hải chiến, các tàu cá không bị bắt hoặc bị tấn công khi có xung đột vũ trang.
Mặc dù tàu chiến có thể tấn công các tàu cá dân sự hỗ trợ quân đối phương nhưng về lý thuyết, khó có thể phân biệt được đâu là tàu cá dân sự thuần túy với đâu là tàu cá hỗ trợ hải quân. Bất kể tàu dân quân có đóng vai trò quan trọng trong chiến trận hay không, sự hiện diện của chúng trên chiến trường cũng khiến đối phương rơi vào thế lựa chọn khó khăn về tác chiến và pháp lý.
Việc sử dụng tàu cá trong xung đột vũ trang không phải là mới xuất hiện. Một ví dụ có thể kể đến là vụ tàu Paquete Habana xảy ra năm 1900 trong chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, do tòa án tối cao Mỹ phân xử. Sau khi Hải quân Mỹ bắt các tàu cá của Cuba là Paquete Habana và Lola, toà án tối cao Mỹ đã yêu cầu thả hai tàu nói trên. Tòa quyết định rằng "tàu đánh cá ven bờ với mục đích đánh bắt cá, bao gồm cả tàu và thủy thủ đoàn, sẽ được miễn trừ, không bị bắt làm tù binh chiến tranh".
Việc sử dụng tàu đánh cá như một lực lượng hỗ trợ hải quân là hành vi vi phạm nguyên tắc phân biệt dân và quân sự, vốn là yếu tố then chốt của luật nhân đạo quốc tế. Luật này nêu rõ rằng dân thường và các mục tiêu dân sự phải được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công vũ trang. Mục đích của nguyên tắc này là để bảo vệ dân thường và giảm bớt tác động chiến tranh lên họ. Tuy nhiên, bất chấp điều này, đội tàu dân quân Trung Quốc đã làm xóa đi ranh giới để phân biệt giữa tàu cá dân sự và tàu có chức năng hải quân.
Với số lượng hơn 200.000 chiếc, Trung Quốc có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới. Số nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất lớn, 14 triệu người, tương đương 25% tổng số ngư dân trên thế giới. Đội tàu cá này đã và đang phối hợp cùng với hải quân Trung Quốc để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Năm 1974, tàu dân quân Trung Quốc tham gia đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời ngăn cản quyền tự do đi lại của tàu chiến Mỹ. Tàu dân quân Trung Quốc cũng hỗ trợ hậu cần cho tàu chiến hải quân, điển hình như vào tháng 5/2008, lực lượng này tiếp nhiên liệu và đạn dược cho hai tàu chiến ở ngoài khơi tỉnh Chiết Giang.
Ngư dân Trung Quốc thường hoạt động theo các hợp tác xã hoặc các công ty dân sự, nhưng họ cũng được huấn luyện quân sự và học tập chính trị nhằm huy động và khuếch trương lợi ích của Bắc Kinh trên biển. Các tàu cá dân quân Trung Quốc được trang bị thiết bị điện tử tiên tiến, bao gồm cả radar và hệ thống liên lạc, củng cố cho lực lượng PLAN và nâng cao khả năng tương tác với các cơ quan khác như hải giám. Nhiều tàu được trang bị thiết bị định vị vệ tinh có thể tìm và theo dõi vị trí của tàu, thu thập và cung cấp các tin tức tình báo cho Bắc Kinh.
Kraska cho rằng nhiệm vụ hỗ trợ hải quân của tàu dân quân Trung Quốc có thể khiến các tàu cá này hoàn toàn trở thành mục tiêu bị tấn công khi có xung đột vũ trang, và tiềm ẩn hậu quả thảm khốc cho những tàu cá thuần túy dân sự của chính Trung Quốc hoặc của các quốc gia láng giềng.
Đây là một ví dụ điển hình về "chiến tranh pháp lý" của Trung Quốc, tức là tìm cách bóp méo khái niệm và thủ tục pháp lý để đối phó đối phương. Không giống như vụ kiện yêu sách "đường 9 đoạn" lên tòa án quốc tế của Philippines, một việc làm chỉ nhằm tìm kiếm sự phân xử pháp lý dựa trên nguyên tắc pháp trị, Trung Quốc sử dụng tàu dân quân nhằm tìm cách lợi dụng kẽ hở của luật pháp. Và vì vậy, nước này có nguy cơ đẩy dân thường vào tình huống nguy hiểm mà luật pháp lẽ ra phải bảo vệ.
Cái cớ để công kích
Nguyên tắc phân biệt dân với quân sự đã tạo ra sức ép lớn lên Mỹ và đồng minh trong việc đối phó với cái danh nghĩa tàu cá mà Trung Quốc sử dụng. Gần như không thể phân biệt được tàu cá thuần túy dân sự với tàu cá dân quân vì số lượng tàu khổng lồ, phạm vi vùng biển rộng lớn và quân Mỹ có thể chưa đủ khả năng nhận biết.
Bất kể một tàu cá nào bị đánh đắm trong một cuộc xung đột cũng có thể bị Trung Quốc sử dụng làm trọng tâm công kích chính trị và ngoại giao với đối phương. Ngay cả với những pha đối đầu không sử dụng vũ khí sát thương như làm nhiễu sóng hệ thống liên lạc của tàu cá, thì Bắc Kinh cũng có thể biến nó thành cái cớ cho chiến dịch tuyên truyền để tranh thủ sự cảm thông cả trong và ngoài nước.
Tăng lực lượng gấp bội cho PLAN, tàu dân quân Trung Quốc trở thành một thách thức đòi hỏi Mỹ và đồng minh phải gia tăng quân lực về tàu chiến, tàu ngầm và đặc biệt là thiết bị bay hoặc thiết bị ngầm không người lái để có thể kiểm soát được tình thế. Về phía Trung Quốc, nếu tiếp tục tăng cường đội tàu dân quân vào cấu trúc hải quân của mình, Trung Quốc sẽ càng xóa nhòa ranh giới giữa tàu cá dân sự và tàu quân sự.