Philippines - Đất nước đào tạo hàng chục ngàn người dân xuất ngoại
Bộ trưởng Ai Cập mất chức vì đòi bỏ tù nhà tiên tri Muhammad
Người Kurd sắp biến Thổ Nhĩ Kỳ thành biển máu?
Giới quân sự Myanmar cài thế hiểm
Đáp trả Trung Quốc trên Biển Đông, Nhật Bản "một công đôi việc"
Lời đe dọa tấn công của Triều Tiên nguy hiểm mức nào
- Cập nhật : 14/03/2016
(Tin kinh te)
Các chuyên gia nói không nên xem nhẹ những lời đe dọa tấn công phủ đầu mà Triều Tiên đưa ra đối với Mỹ và Hàn Quốc, nhưng cũng lưu ý rằng Bình Nhưỡng lần này không động binh và không tuyên bố tình trạng chiến tranh như trước.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp các nhà khoa học tại cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters
Triều Tiên từ đầu tháng liên tục tung ra những tuyên bố đầy mạnh mẽ, đe dọa tấn công phủ đầu Mỹ, biến New York thành tro bụi, hay biến Hàn Quốc thành "biển lửa" bằng các vụ phóng tên lửa.
"Quân đội Triều Tiên sẽ xóa sổ toàn bộ căn cứ và thành lũy của những kẻ hiếu chiến Mỹ và Hàn Quốc thành tro bụi trong chốc lát, không cho chúng kịp trăng trối, vì những hành động khiêu khích và hung hăng của chúng",Washington Post trích dẫn một lời đe dọa của Triều Tiên.
Chính quyền của ông Kim Jong-un lâu nay vẫn thường có những tuyên bố đao to búa lớn, khiến chiến tranh tưởng như cận kề. Bình Nhưỡng đã thực hiện 4 vụ thử hạt nhân và một vụ phóng tên lửa, được tin là một phần của chương trình tên lửa đạn đạo. Phải chăng họ thực sự muốn đối đầu với Hàn Quốc, và khiến quân đội Mỹ, với trang bị hiện đại hơn rất nhiều, bị lôi kéo vào cuộc?
Washington Post cho rằng khi phải hứng chịu lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu và Liên Hợp Quốc, lại đang chứng kiến Washington và Seoul tổ chức tập trận thường niên, Triều Tiên có thể dễ dàng nói rằng cả thế giới đang chống lại mình và đưa ra phản ứng gay gắt.
Triều Tiên không bỏ lỡ cơ hội nào để bày tỏ quan điểm về hai sự việc trên, Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Quốc tế, đánh giá. "Bạn có thể cảm nhận được sự giận dữ. Bạn có thể thấy sự lo lắng liên quan đến các vấn đề này", ông Snyder nói.
Không thể xem nhẹ
Vậy liệu Triều Tiên có thể thực sự biến Hàn Quốc thành "biển lửa" hay biến New York thành tro bụi không? Đến nay không có bằng chứng nào cho thấy nước này có thể thực hiện những gì họ tuyên bố, như việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo.
Cho đến nay, giá trị của những vũ khí đó dường như nằm ở việc đe dọa sẽ sử dụng chúng, chứ không phải thực sự triển khai, Washington Postnhận xét.
Dù vậy, một số lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng, có lý do để nhận định Triều Tiên có thể đã đạt được tiến bộ trong chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tướng Curtis Scaparrotti, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng, nếu ông Kim "nghĩ chính quyền của mình bị đe dọa, ông ấy tuyên bố rằng sẽ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Ông Koh Yoo-hwan, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dongkuk, Seoul cũng cảnh báo không nên xem nhẹ những lời đe dọa. "Chúng ta từng bác bỏ và cho rằng Triều Tiên khoác lác về việc có thể làm giàu uranium ở cấp độ cao, nhưng hóa ra đó lại là sự thật. Do đó, không nên đánh giá thấp năng lực hạt nhân của Triều Tiên", chuyên gia nhận định.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, với Triều Tiên, việc sử dụng vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với hành động tự sát, bởi quân đội Mỹ sẽ nhanh chóng đáp trả toàn diện. Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để kháng cự nếu bị tấn công, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến về phía Bắc trong tương lai gần.
"Tôi không nghĩ một cuộc chiến đã cận kề, nhưng chắc chắn những tuyên bố đó khiến căng thẳng gia tăng", Joel Wit, từng là nhà đàm phán của Mỹ làm việc với Triều Tiên, cho biết. "Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để bảo vệ họ trước các quốc gia có uy thế hơn về quân sự".
Nhưng có một điều đã thay đổi trong vài năm trở lại đây, khiến mối đe dọa từ Triều Tiên được nhìn nhận nghiêm túc hơn. Bình Nhưỡng, vốn vẫn xem vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe, giờ đây nói ngày một nhiều hơn đến việc tấn công phủ đầu.
"Các tuyên bố của Triều Tiên thường có khuôn mẫu nhất định. Giờ thì đe dọa tấn công phủ đầu là một phần trong khuôn mẫu đó", Snyder nhận xét. "Khó có thể nói liệu đó là dấu hiệu cho sự gia tăng khả năng xảy ra một vụ tấn công, hay đơn giản là những người viết thông điệp tuyên truyền tìm thấy một từ mới trong từ điển".
Nguy cơ xung đột
Theo nhà phân tích Suh Choo-suk, tại viện Phân tích Quân sự Hàn Quốc, nguy cơ tính toán sai hoàn toàn có thể xảy ra. "Khả năng Triều Tiên thực hiện những hành động khiêu khích quân sự khi cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra là thấp, nhưng những cuộc đụng độ hoặc xung đột nhỏ có thể xảy ra trong thời gian căng thẳng cao độ này", ông Suh nói. "Những cuộc đụng độ nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn do tình hình căng thẳng hiện tại".
Ngoài ra, cũng có nhiều biện pháp thay thế cho việc tấn công thông thường, chẳng hạn như tấn công mạng - việc Triều Tiên rất giỏi. "Triều Tiên có thể tìm cách tấn công Hàn Quốc trên không gian mạng, hoặc thực hiện một vụ khiêu khích nhưng khiến phía Hàn khó truy ra kẻ thực hiện. Họ có thể tuyên bố tình trạng tương tự thời chiến tranh, như từng xảy ra hồi tháng 8 năm ngoái, để tác động tới kinh tế Hàn Quốc", nhà phân tích Cheong tại Viện Sejong nhận định.
Và căng thẳng có khả năng còn tiếp diễn trong thời gian sắp tới. "Triều Tiên có lẽ sẽ tìm cách không ngừng tạo ra căng thẳng trong khu vực, và đợi cho Hàn Quốc bầu tổng thống mới, hoặc có thể bày tỏ ý định đối thoại", chuyên gia Koh, tại đại học Dongkuk, bình luận. "Không có cách nào biết được ý đồ của họ vào lúc này".
Nhưng có một chi tiết quan trọng cần lưu ý, đó là bất chấp những lời cảnh báo mạnh mẽ, Triều Tiên không hề điều động binh sĩ, cũng không tuyên bố tình trạng chiến tranh, như từng diễn ra hồi tháng 8 năm ngoái.
Trên thực tế, một số nhà phân tích cho biết truyền thông nội bộ Triều Tiên đang chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế, và công tác chuẩn bị cho Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên vào tháng 5.
Ông Kim Jong-un cũng nhắc đến vấn đề kinh tế trong chuyến thăm các nhà khoa học nghiên cứu hạt nhân, trong lúc chụp ảnh gần một thiết bị được tuyên bố là đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. "Tự hào là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, chúng ta đã có một sự đảm bảo vững chắc trong việc đạt được đột phá về kinh tế và nâng cao mức sống nhân dân, trên cơ sở năng lực răn đe hạt nhân hùng mạnh", ông Kim nói.
Washington Post đánh giá rằng tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có khả năng còn kéo dài thêm vài tháng, do cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn còn tới cuối tháng 4, và Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên sẽ diễn ra vào đầu tháng 5. Do đó, những đe dọa cháy bỏng từ Bình Nhưỡng vẫn sẽ tiếp tục.
Hoàng Nguyên
Theo Vnexpress