tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Quân sự hóa ở Biển Đông, Trung Quốc có thể tự hại mình

  • Cập nhật : 04/03/2016

(Tin kinh te)

Động thái đẩy mạnh quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến các trong khu vực xích lại gần nhau hơn để tìm biện pháp đối phó, khiến vị thế quốc tế của Bắc Kinh giảm sút.

binh si trung quoc hien dien trai phep tren dao phu lam, thuoc quan dao hoang sa cua viet nam. anh: reuters

Binh sĩ Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Việc Trung Quốc hồi tháng trước triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang gieo rắc nhiều nỗi hoang mang không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Hành động mang đầy tính khiêu khích này là một minh chứng rõ nét cho tham vọng dùng sức mạnh quân sự để độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc ấp ủ, theo Washington Post.

Các chuyên gia quân sự nhận định vũ khí mà Bắc Kinh điều tới Phú Lâm là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 200 km. Những tên lửa này sẽ góp phần củng cố lớp phòng vệ, tạo điều kiện để Bắc Kinh bảo vệ tốt hơn các công trình mà họ xây dựng phi pháp trên Phú Lâm, đồng thời ngầm gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc đang bảo vệ cái gọi là "tài sản của mình".

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" tại đây hồi tháng 7/2012. Từ đó tới nay, Bắc Kinh liên tục thiết lập các cơ sở phục vụ cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự trên đảo.

Radar giám sát, đường băng cùng các nhà chứa máy bay quân sự Trung Quốc đã hiện diện từ lâu trên Phú Lâm. Bắc Kinh cuối năm ngoái còn đưa các chiến đấu cơ J-11 tới hòn đảo này.

Theo Đô đốc Scott Swift, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đây ít nhất là lần thứ ba Trung Quốc điều động tên lửa phòng không đến Phú Lâm. Nhưng ở các lần trước, hành động triển khai tên lửa nằm trong khuôn khổ của các cuộc tập trận nên về bản chất chúng không giống với đợt điều động này.Theo hai nhà phân tích Dennis C. Blair và Jeffrey W. Hornung từ Quỹ Hòa bình Sasakawa, Mỹ, việc Bắc Kinh đưa vũ khí ra đảo chưa gây ảnh hưởng tới các lợi ích quan trọng của Mỹ, không đe dọa trực tiếp tới quyền đi lại và bay tự do ở Biển Đông, cũng như không làm gián đoạn các tuyến vận tải trên biển. Dù vậy, tên lửa Trung Quốc vẫn là nguồn cơn gây lo lắng khi xét tới thời điểm chúng được triển khai cũng như những tiền lệ tương tự.

chien dau co j-11 trung quoc dua den dao phu lam. anh: 81.cn

Chiến đấu cơ J-11 Trung Quốc đưa đến đảo Phú Lâm. Ảnh: 81.cn

Blair và Hornung đánh giá, dù việc điều tên lửa ra đảo của Trung Quốc là hành động bộc phát hay được lên kế hoạch trong quãng thời gian dài thì nó cũng cho thấy một sự thật là Bắc Kinh không hề có ý định tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên Biển Đông như những gì mà họ tuyên bố hoặc hứa hẹn. Những quốc gia mong muốn hòa bình sẽ không bao giờ cải tạo đảo trong khu vực tranh chấp và xây dựng trên đó sân bay quân sự, cơ sở hậu cần phục vụ quân đội hay điều tên lửa tới đây để thị uy, bất chấp sự phản đối của quốc tế.Bên cạnh đó, giới quan sát cũng lo ngại trong tương lai, nếu Trung Quốc tiếp tục tiến hành các động thái quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa, nước này sẽ có thể mở rộng đáng kể khu vực gây ảnh hưởng trên Biển Đông. Nhưng hành vi ấy cũng dẫn đến khả năng các nước láng giềng nhỏ bé sẽ đoàn kết với nhau để cùng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

vi tri dao phu lam va dao quang hoa, quan dao hoang sa. do hoa: the diplomat

Vị trí đảo Phú Lâm và đảo Quang Hòa, quần đảo Hoàng Sa. Đồ họa: The Diplomat

Hai chuyên gia đến từ Quỹ Hòa bình Sasakawa nhấn mạnh những động thái đẩy mạnh quân sự hóa của Trung Quốc cũng như cách mà các nước Đông Nam Á phản ứng cho thấy Bắc Kinh đang "tự hại mình" khi theo đuổi một chính sách hung hăng trong tranh chấp chủ quyền.

Thông qua việc triển khai quân sự quy mô nhỏ tới các hòn đảo không thể tự vệ ở Biển Đông, Trung Quốc đã và đang làm mếch lòng các quốc gia ven biển khác, đẩy họ vào thế phải tìm mọi cách để củng cố năng lực phòng thủ. Quay sang hợp tác với Mỹ hay Nhật Bản, hai đối trọng của Trung Quốc, là hướng đi mà hầu hết các nước lựa chọn.

Vị thế chiến lược của Trung Quốc trong khu vực hiện tại cũng yếu hơn nhiều so với 6 năm trước, khi chính quyền nước này chưa bắt tay thực hiện các chính sách gây hấn hung hăng của mình. Trong khi đó, trên bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh lại không thể ngăn chặn đối tác Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân bị quốc tế lên án. Hệ quả là một mối liên kết ngày càng bền chặt giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang dần hình thành. Đây là điều mà Trung Quốc không bao giờ mong muốn, Blair và Hornung nhận xét.


Vũ Hoàng
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục