tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Một cuộc chạy đua vũ trang mới lại bắt đầu?

  • Cập nhật : 06/08/2015

(tin kinh te)

Một năm qua, kể từ khi cáo buộc Nga đứng sau lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ucraina, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí tăng mạnh tiềm lực quân sự, mở 6 trung tâm chỉ huy tại miền Đông châu Âu và thành lập đơn vị đặc biệt có 5.000 binh sĩ thuộc lực lượng phản ứng nhanh (NRF).

Tổ chức này đồng thời cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận tại Đông Âu. Cuộc đối đầu giữa Nga và NATO ngày càng căng thẳng khi Nga cũng không ngần ngại cảnh báo sẽ đập tan “tấm màn thép” do NATO tạo nên tại châu Âu…Trong thông tin công bố ngày 31-7, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc trong vài năm gần đây, NATO đã gia tăng hoạt động quân sự gần biên giới Nga lên nhiều lần. Theo nguồn tin trên, trong hai năm 2012-2013, NATO tiến hành trung bình khoảng 90-95 cuộc tập trận gần biên giới Nga, chiếm hơn một nửa tổng số cuộc tập trận (khoảng 150 cuộc) hằng năm. Số các chuyến bay tuần tra cũng tăng lên nhiều lần, bay do thám tăng lên 9 lần. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện xung quanh biên giới nước này có khoảng 400 căn cứ quân sự của Mỹ và các nước thành viên NATO.

quan linh nato tap tran tai mien bac ba lan, gan bien gioi nga. (anh:afp)

Quân lính NATO tập trận tại miền Bắc Ba Lan, gần biên giới Nga. (Ảnh:AFP)

Không chỉ vậy, Nga cũng cảnh báo việc mở rộng NATO thông qua kế hoạch kết nạp thêm Ucraina và Gruzia sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho châu Âu, cũng như cho chính Ucraina. Đại diện thường trực của Nga tại NATO, Aleksander Glushko đã khẳng định trên kênh truyền hình LifeNews rằng bất kỳ “trò chơi chính trị” nào xung quanh việc NATO mở rộng về phía Gruzia và Ucraina đều dẫn đến những hậu quả địa chính trị nghiêm trọng cho toàn châu Âu.

Ông giải thích việc Ucraina gia nhập NATO sẽ chia rẽ không chỉ châu Âu, mà chia rẽ cả chính xã hội Ucraina, tạo ra những căng thẳng vô cùng to lớn trong quan hệ quốc tế. Ông Glushko cũng chỉ trích NATO đã dựng nên “tấm màn thép” tại châu Âu với việc triển khai quân và tiến hành tập trận tại biên giới phía Đông, động thái theo ông là nhằm chống lại Mátxcơva.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng Glushko. Gần đây, mối lo về một kỷ nguyên đối đầu mới giữa Nga và NATO lại ngày càng hiện hữu khi các bên liên tục tung ra những động thái và tuyên bố làm gia tăng tình trạng căng thẳng.

Đáng chú ý nhất phải nói tới việc Nga thông qua Học thuyết Biển sửa đổi gồm 4 hướng chức năng: Hoạt động quân sự biển, vận tải biển, khoa học biển và khai thác khoáng sản; cùng 6 hướng khu vực là: Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương, biển Caspi, Ấn Độ Dương và Nam Cực.

Chính giới Nga cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự thay đổi chiến lược của Hải quân Nga là do NATO liên tục đưa cơ sở hạ tầng quân sự tiến tới gần biên giới Nga. Không chỉ hậu thuẫn các cuộc chính biến lật đổ chính quyền ở các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết, gần đây, NATO đã thông qua quyết định thành lập các lực lượng phản ứng nhanh, tái triển khai 150 xe tăng M1 Abrams và các loại xe chiến đấu bộ binh (IFV) Bradley của Mỹ tại khu vực Đông Âu, gia tăng máy bay chiến đấu F-16, có khả năng mang theo bom hạt nhân chiến thuật B-61 trong Vùng Baltic. Theo các nguồn tin khác nhau, có ít nhất khoảng 150-400 quả bom B-61 đang nằm ở căn cứ không quân của Mỹ tại Đức.

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng cho biết việc Nga chú trọng đến việc mở rộng ra Đại Tây Dương là hoàn toàn hợp lý khi NATO đang mở rộng sang phía Đông. Còn theo tờ Business Insider, việc tăng cường tiềm năng Hải quân Nga ở Bắc Cực được lý giải là để “kiểm soát con đường biển phía Bắc với nguồn tài nguyên phong phú, đồng thời đẩy mạnh năng lực của Hạm đội Phương Bắc, phối hợp giữa Bắc Cực với Kaliningrad và Crimea, tạo thành tam giác chiến lược quốc phòng, khống chế NATO”.

Cũng phải nói rằng ngoài mục đích đối chọi với NATO, học thuyết mới cũng xuất phát từ nỗ lực không ngừng nhằm lấy lại vai trò một cường quốc biển của Nga.

Nếu ngược dòng lịch sử sẽ thấy Liên bang Xô viết vốn một thời cũng từng là cường quốc hàng hải, với những chiến hạm tối tân và tàu phá băng nguyên tử tiên tiến bậc nhất thế giới. Liên Xô cũng đã từng phát triển và duy trì được lực lượng không quân của hải quân mạnh, có khả năng tác chiến rất tốt ở nhiều khu vực. Liên Xô tan rã đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của nước Nga với các vùng biển chiến lược như Baltic, Biển Bắc và Thái Bình Dương...

Trên thực tế, 14 năm trở lại đây, Nga đã nỗ lực không ngừng nhằm lấy lại vai trò một cường quốc biển, thể hiện ở tuyên bố chi 3.300 tỷ rúp (tương đương 64 tỷ USD) trong năm tới để hiện đại hóa lục quân, hải quân và xây dựng cơ sở hạ tầng cho quân đội, trong đó kinh phí trang bị cho lực lượng hải quân sẽ tăng lên tới 51%.

Như vậy, với Học thuyết Biển mới, nước Nga đã không chỉ khởi động chiến lược mới nhằm thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập để giành thế chủ động trên các vùng nước "sống còn"; mà còn hướng tới một sức mạnh có tính toàn cầu mà Nga từng sở hữu với một định hướng lâu dài. Tuy vậy, điều này cũng kéo theo những lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và NATO khi mà hai bên đều muốn giành giật những vị trí địa chiến lược tại châu Âu.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục