Mặc dù sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho một số nước, nó cũng đem lại cơ hội cho những nước khác.
Nga, Mỹ tranh hùng, Trung Quốc đắc lợi tại Trung Đông
- Cập nhật : 25/01/2016
(Tin kinh te)
Tận dụng khoảng trống khi hai cường quốc là Mỹ và Nga đang tập trung vào chiến trường Syria, Trung Quốc đã có những bước đi nhằm tăng cường vị thế và ảnh hưởng tại khu vực.
Chuyến công du một tuần 19-25/1 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua 3 quốc gia vùng Trung Đông - Bắc Phi là Arab Saudi, Ai Cập và Iran được đánh giá là thiên về mục đích chính trị và ngoại giao hơn là các hợp đồng kinh tế, theo La Croix.
Vùng Trung Đông kể từ khi kết thúc Thế chiến II vẫn chưa bao giờ hết tiếng súng nổ. Mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine và nay là cuộc chiến chống IS đã biến nơi đây luôn là một điểm nóng của thế giới.
Bình luận viên kỳ cựu về Trung Đông François d’Alancon cho rằng nhận thức được vị trí chiến lược của vùng Trung Đông, các cường quốc thế giới ra sức tìm kiếm ảnh hưởng đối với các quốc gia trong khu vực.
Từ lâu, Mỹ đã tốn không biết bao tiền của để chi phối khu vực này thông qua mạng lưới các quốc gia đồng minh. Nhưng nay vị thế của Mỹ không còn được như xưa, nhất là khi Mỹ chủ trương xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, rút quân khỏi Iraq. Sau khi Nga can thiệp quân sự vào chiến trường Syria, bàn cờ Trung Đông đã có những thay đổi quan trọng, đe dọa nghiêm trọng vị thế của Mỹ, buộc Washington phải có những tính toán lại.
Mặc dù Lầu Năm Góc chưa chính thức công nhận về việc thiết lập các căn cứ quân sự tại Syria, những tuyên bố tăng cường hành động quân sự tại quốc gia này mới đây cho thấy Mỹ không từ bỏ việc cạnh tranh với Nga khi Moscow ngày một nắm thế chủ động hơn trên chiến trường này.
Cũng theo ông Alancon, thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và phương Tây ký kết với Iran hồi năm ngoái đang tạo ra nhiều chuyển biến rất đáng kể trong môi trường an ninh và chiến lược ở khu vực. Sự trỗi dậy của Iran đã gây áp lực lên Arab Saudi, một cường quốc khác khu vực. Arab Saudi đang trong tình trạng căng thẳng với một số nước thành viên trong hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Iran. Mâu thuẫn này đã biến thành khủng hoảng ngoại giao sau khi nước này hành quyết 47 tù nhân, trong đó có giáo sĩ nổi tiếng dòng Shiite Nimr Al-Nimr.
Công du Trung Đông trong một bối cảnh như vậy, ông Tập Cận Bình rõ ràng còn muốn nhiều hơn nữa chứ không phải chỉ những hợp đồng làm ăn buôn bán hay khai thác năng lượng. Trên cơ sở mối quan hệ ngày càng ràng buộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách xác lập ảnh hưởng của mình để có tiếng nói trong quá trình kiến tạo hòa bình tại Trung Đông"Trước thềm chuyến công du, Bắc Kinh khẳng định không nghiêng về bất cứ bên nào trong cuộc đối đầu ngoại giao hiện nay giữa Iran và Arab Saudi song sẵn sàng đóng vai trò làm trung gian hòa giải. Với tuyên bố này, Bắc Kinh đang muốn tận dụng vị thế trung lập mà Mỹ và Nga hiện tại không có, trước hết để gây dựng uy tín tại khu vực", ông Alancon khẳng định.
Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên đất liền (đường màu vàng) của Trung Quốc đi qua Trung Đông. Đồ họa: Dailystar
Tăng cường ảnh hưởng
Dorian Malovic, chuyên gia về Trung Quốc, trưởng ban châu Á của La Croix đánh giá Trung Quốc lâu nay vẫn kiên trì chính sách không liên kết, nhưng hiện nước này đang tìm cách can dự vào môi trường an ninh ở Trung Đông nhằm tăng cường vai trò và nâng cao vị thế. Khi mà giá dầu thô đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, ít ai nghĩ rằng chuyến công du của ông Tập Cận Bình chỉ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tại mỗi điểm dừng chân, ông Tập Cận Bình không chỉ giúp tạo thêm những cơ hội hợp tác về thương mại - đầu tư, mà còn góp phần thúc đẩy chính sách đối ngoại của Trung Quốc với nhiều lợi ích và hướng tiếp cận mới mẻ.
Sáng kiến "một vành đai, một con đường" (được hình thành từ hai bộ phận gồm: vành đai kinh tế con đường Tơ lụa trên đất liền, được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á từ bờ biển Thái Bình Dương tới biển Baltic, và con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI ) nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chiến lược mà giới lãnh đạo Trung Quốc khởi xướng là một trong những nội dung chủ yếu chi phối chuyến thăm. Truyền thông địa phương mô tả chuyến công du của ông Tập Cận Bình mang tính lịch sử, giúp kết nối giữa hiện tại và quá khứ.
Ngày 23/1, trong buổi họp báo giữa chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Iran Rouhani tuyên bố hai nước đã ký 17 thỏa thuận, trong đó có cam kết về việc hồi sinh "con đường tơ lụa" xưa kia và hợp tác năng lượng hạt nhân vì hòa bình.
Hiện nay, Trung Quốc coi Iran là một phần quan trọng trong chiến lược "Con đường Tơ lụa trên đất liền" nhằm mục đích phát triển giao thông, các cơ sở hạ tầng khác và thúc đẩy phát triển thương mại ở khắp châu Á, Trung Đông và châu Âu. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh đánh giá Iran có thể sẽ phát triển nhanh chóng sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ và nếu khu vực này đạt được sự ổn định, vốn đầu tư của Trung Quốc trong tương lai sẽ đổ mạnh vào Trung Đông. Phát biểu của ông Trương Minh cũng cho thấy Trung Quốc sẽ có được nhiều lợi ích từ các khoản đầu tư vào Iran.
Liên quan đến các nước Arab, đầu tháng 1/2016, chính phủ Trung Quốc đã công bố "báo cáo chính sách Arab của Trung Quốc năm 2016". Theo báo cáo này, Trung Quốc lưu ý sẽ hỗ trợ phong trào giải phóng dân tộc ở thế giới Arab và sẽ hỗ trợ các nước Arab đấu tranh để duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, chống lại sự can thiệp và gây hấn từ bên ngoài.
Theo ông Malovic, với chính sách không cắt giảm sản lượng dầu mỏ, Arab Saudi đang lâm vào trạng thâm hụt ngân sách nặng. Các dự án hợp tác và đầu tư mà Bắc Kinh ký kết đã mang lại "luồng gió mới" cho nền kinh tế và khuyến khích nước này thực hiện chính sách hướng đông rất phù hợp với chiến lược "con đường Tơ lụa" trên đất liền của Trung Quốc.
Về tiến trình hòa bình tại Trung Đông, Romain Brunet, chuyên gia phân tích châu Á của France 24 nhận định Trung Quốc đã có những bước đi thận trọng và khôn khéo. Thời gian đầu cuộc nội chiến tại Syria, Trung Quốc để cho 4 thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An chủ động trên hồ sơ khu vực.
Nhưng ngành ngoại giao Trung Quốc bắt đầu năng nổ hơn, từ năm 2014, lần đầu tiên sau 23 năm, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đến thăm Iraq. Tiếp đó, Bắc Kinh tìm cách thắt chặt quan hệ với các tổ chức khu vực như liên đoàn Arab, thành viên của ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á mà Bắc Kinh khởi xướng. Trung Quốc có liên hệ với tất cả các phe phái đối lập tại Syria, vừa ủng hộ lập trường của Nga nhưng cũng chủ động tiếp ngoại trưởng Syria và đại diện đối lập.
Bắc Kinh cho rằng chính các hành động quân sự của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp và bất ổn kéo dài. Nhưng Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh IS - từng cáo buộc Trung Quốc là quốc gia đàn áp đạo Hồi, và tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động sang khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Thực tế này buộc Trung Quốc phải tính tới nhiều phương án nhằm tăng cường can dự vào môi trường an ninh Trung Đông và hóa giải nguy cơ đe dọa từ xa. Để đảm bảo an ninh nội địa trước nguy cơ tấn công của lực lượng khủng bố cực đoan, Trung Quốc sẽ phải tính đến khả năng can dự sâu hơn vào Trung Đông.
Nguyễn Hoàng
Theo Vnexpress