tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cuộc đấu Mỹ - Trung giành ảnh hưởng ở Campuchia

  • Cập nhật : 27/01/2016

(Tin kinh te)

Mỹ thuyết phục Campuchia ủng hộ lập trường của mình ở Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn với Phnom Penh.

ngoai truong my john kerry va thu tuong campuchia hun sen. anh: afp

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AFP

Ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Phnom Penh gặp các lãnh đạo cấp cao Campuchia để bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Barack Obama ở bang California vào tháng tới, trong đó có lập trường của Campuchia đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, theo Reuters.

Tuy nhiên, sau các cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Ngoại trưởng Hor Namhong, ông Kerry đã không thể thay đổi được lập trường của Phnom Penh đối với vấn đề quan trọng này. Ông Hor Namhong vẫn tuyên bố rằng Campuchia không ủng hộ việc ASEAN "can thiệp vào vấn đề Biển Đông", vì khối này không phải là một bên có tranh chấp, và những tranh chấp trên vùng biển này cần được giải quyết theo con đường song phương.

Quan điểm này của Campuchia rất giống với những gì mà Trung Quốc đưa ra đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn phản đối giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường đa phương, mà chỉ muốn tiến hành các cuộc đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng với hướng tiếp cận này, Bắc Kinh muốn tận dụng lợi thế nước lớn của mình để gây sức ép buộc từng nước nhỏ hơn phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tay đôi.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là một phần trong lợi ích quốc gia của nước này, đồng thời hối thúc Trung Quốc và các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng con đường ngoại giao, với vai trò quan trọng của ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng vì ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, mọi vấn đề mà khối này đưa ra đều phải được tất cả các thành viên trong khối nhất trí thông qua. Vì lẽ đó, vai trò của Campuchia trong việc tạo ra sự nhất trí, thống nhất trong khối càng trở nên quan trọng, và Phnom Penh đang trở thành tâm điểm cho một cuộc chạy đua giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, theo Nikkei."Campuchia thực ra chỉ là một nước nhỏ, lẽ ra không có vai trò lớn đến vậy trong cuộc đua tranh quyền lực chính trị dạng này, nhưng vì là một thành viên của ASEAN, Campuchia bỗng nhiên trở thành một yếu tố quan trọng", ông Ou Virak, chuyên gia phân tích chính trị, người sáng lập tổ chức tư vấn Future Forum, nhận định.

thu tuong hun sen trong mot cuoc gap voi chu tich trung quoc tap can binh. anh: chinanews

Thủ tướng Hun Sen trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Chinanews

"Campuchia là nước có quan hệ gần gũi với Trung Quốc và gần như phản ánh tiếng nói của Bắc Kinh trong khối ASEAN, nên họ đang trở thành một mắt xích trọng yếu trong chiến lược xoay trục sang châu Á thực sự của Mỹ", chuyên gia này nói.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Trong cuộc gặp trên, ông Kerry không chỉ bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, mà còn đề cập đến hợp tác thương mại song phương và tăng cường quan hệ với chính phủ Campuchia.

Từ đầu thập niên 1990, Mỹ và EU đã tạo rất nhiều thuận lợi về thuế khóa cho mặt hàng dệt may xuất khẩu của Campuchia, giúp ngành công nghiệp này phát triển vượt bậc, đóng góp tới gần 10% GDP cho nước này hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Campuchia lên tới 2,8 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 600.000 lao động trong nước.

Theo ông Phay Siphan, người phát ngôn chính phủ Campuchia, đây là đóng góp lớn nhất về kinh tế của Mỹ cho nước này, biến Mỹ thành đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Đến tháng 11/2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,17 tỷ USD. Trợ lý của Thủ tướng Hun Sen cho hay lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường mối quan hệ quan trọng này trong tương lai.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đặt ra các điều kiện khắt khe với Campuchia để duy trì quan hệ thương mại song phương, trong đó có vấn đề nhân quyền và cải cách dân chủ ở nước này, ông Siphan cho biết.

Trong khi đó, Trung Quốc lại đang hỗ trợ Campuchia những khoản vay khổng lồ gần như vô điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đường sá, đập thủy điện để giúp nước này giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc vào hàng nhanh nhất châu Á, quan chức này nói.

Theo số liệu của chính phủ Campuchia, Trung Quốc là nước có nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Campuchia trong nhiều năm liên tục, và cũng là nhà tài trợ lớn của quốc gia này. Trong giai đoạn 1994-2012, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 9,17 tỷ USD vào Campuchia, chủ yếu là vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển thủy điện và dệt may. Đến năm 2012, Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn thứ hai của Campuchia, với các khoản vay ưu đãi "không kèm điều kiện" lên tới 2,7 tỷ USD, chỉ đứng sau Nhật Bản.

Theo ông Heng Pheakdey, giám đốc tổ chức phi chính phủ Enrich Institute ở Phnom Penh, với những khoản hỗ trợ tài chính hào phóng này, Trung Quốc đã dần có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với Campuchia. Năm 2012, sau khi được Trung Quốc cam kết viện trợ hàng triệu USD, Campuchia với tư cách chủ tịch ASEAN đã kiên quyết không chấp nhận đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Phnom Penh. Hành động này của Campuchia đã khiến ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung.Ông Pheakdey cũng bày tỏ quan ngại rằng chính phủ Campuchia có thể đang quá lệ thuộc vào Trung Quốc và "đánh mất lòng tin của cộng đồng quốc tế", khiến vai trò của nước này ở ASEAN "có thể bị thiên vị hóa" nếu Phnom Penh tiếp tục đặt Trung Quốc lên trên ASEAN.

cac quan chuc trung quoc va campuchia ky thoa thuan hop tac trong linh vuc tai chinh. anh: news.cn

Các quan chức Trung Quốc và Campuchia ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tài chính. Ảnh: News.cn

"Mối quan tâm của Trung Quốc là khai thác tài nguyên của Campuchia, không hề quan tâm đến thương mại bình đẳng hay các vấn đề khác. Họ coi Campuchia là một nơi họ có thể khai thác mọi thứ họ cần cho nền kinh tế Trung Quốc", nghị sĩ đối lập Son Chhay tuyên bố.

Tuy nhiên, các quan chức Campuchia cho biết họ có lý do để bảo vệ chính sách đối ngoại của mình. "Chúng tôi hiểu rằng Mỹ và phương Tây muốn Campuchia phát triển bền vững, chúng tôi tôn trọng điều đó. Về phía Trung Quốc, chúng tôi không quan tâm đến cách điều hành đất nước của họ, chúng tôi chỉ muốn có một đối tác tốt về kinh tế", ông Siphan tuyên bố.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Mỹ sắp tới dự hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Mỹ là cơ hội rất tốt để Thủ tướng Hun Sen có thể giành được cảm tình của dư luận trong nước trong chính sách đối ngoại của chính phủ.

"Tôi cho rằng mối quan hệ gần gũi với Mỹ sẽ mang lại danh tiếng cho ông Hun Sen, và chuyến thăm tới California tháng tới sẽ được chính phủ Campuchia coi như một chiến thắng", Sebastian Strangio, nhà báo kỳ cựu thường trú ở Phnom Penh, cho hay.

"Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể đảm bảo ở ông Hun Sen và chính phủ Campuchia một cam kết đủ vững chắc, đủ lâu dài và đủ quan trọng để góp phần định hình tương lai của an ninh khu vực hay không", chuyên gia Ou Virak nhấn mạnh.


Trí Dũng
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục