Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa nhất trí "khôi phục hoàn toàn" cơ chế hợp tác ba bên trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ba nước trong hơn ba năm qua.
Trung Quốc “án ngữ” sông Mê Kông
- Cập nhật : 30/10/2015
(The gioi)
Trong 12 dự án thủy điện đã và đang thực hiện trên hạ nguồn dòng chính sông Mê Kông, Trung Quốc là chủ đầu tư của 4 dự án
Thủy điện Pak Beng, dự án thứ 3 trên hạ nguồn dòng chính sông Mê Kông, đang được chính phủ Lào tiếp tục đẩy mạnh đầu tư.
“Cục pin Đông Nam Á”
Chủ đầu tư dự án, Tập đoàn Năng lượng quốc tế Datang - Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ dự án với chính phủ Lào vào năm 2007. Theo đó, nhà thầu sẽ nghiên cứu thiết kế một thủy điện công suất 912 MW tại huyện Pak Beng, tỉnh Oudomxay, khoảng 90% sản lượng điện được xuất sang Thái Lan, số còn lại bán cho Tổng Công ty Điện lực Lào tiêu thụ nội địa. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.880 triệu USD. Hơn 6.700 người sẽ phải di dời để nhường đất làm thủy điện. Ngoài Pak Beng, Tập đoàn Năng lượng quốc tế Datang cũng là chủ đầu tư của dự án thủy điện Sankham tại Lào. Dự án thủy điện còn lại có vốn đầu tư từ Trung Quốc là đập Pak Lay do Tập đoàn Sinohydro làm chủ. Đây là doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng là công ty đầu tư thủy điện lớn nhất Trung Quốc. Dự án cuối cùng là thủy điện Sambor do Tập đoàn Goudian làm chủ đầu tư, nằm trên lãnh thổ Campuchia. Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế ICEM, nếu dự án này được xây dựng sẽ chặn đường di cư của cá từ Nam Lào về vùng Biển Hồ, Campuchia, đồng thời phá vỡ cảnh quan vùng thung lũng Mê Kông.
Bất chấp sự phản đối của người dân trong khu vực cũng như các tổ chức quốc tế, chính phủ Lào vẫn đầu tư mạnh vào thủy điện với mong muốn trở thành “cục pin của Đông Nam Á”. Điều đáng chú ý là “cục pin” này mang đậm dấu ấn của đất nước “xuất khẩu thủy điện lớn nhất thế giới” là Trung Quốc. Thủy điện đầu tiên tại Lào - đập Nam Mang 3 - do Tập đoàn Điện - Nước quốc tế Trung Quốc làm chủ đầu tư theo hình thức dự án chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Lào, vốn đầu tư là 63 triệu USD - phần lớn đến từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc. Từ lúc triển khai, dự án này đã gây tranh cãi và gặp nhiều phản đối từ người dân địa phương vì làm xáo trộn đời sống của họ và tổn thương nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái... Ngoài 4 thủy điện lớn ở Lào và Campuchia trên dòng chính sông Mê Kông, theo thống kê của Mạng lưới sông ngòi quốc tế (IR), Trung Quốc còn tham gia đầu tư gần 30 dự án thủy điện khác tại Lào.
Bất ngờ từ Don Sahong
Bên cạnh việc đầu tư 100% vốn, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng liên doanh, liên kết trong việc đầu tư nhiều dự án thủy điện khác ở hạ vùng Mê Kông.
Tuy nhiên, dự án tập trung mọi sự quan tâm và phản đối trong thời điểm này là thủy điện Don Sahong khi các cơ quan chức năng Lào tuyên bố sẽ được khởi công trong tháng 11 năm nay. Đây là dự án sẽ gây tác động đến hệ sinh thái một vùng rộng lớn của thác Khrone. Các nhà bảo tồn cho rằng việc xây dựng con đập này sẽ đe dọa đến loài cá heo nước ngọt Iwaraddy hiếm hoi của thế giới. Nguồn sinh kế của người dân sinh sống tại vùng hồ Tonle Sap ở Campuchia và ĐBSCL ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Ở góc độ chiến lược, giới quan sát quốc tế cho rằng Don Sahong tuy là dự án có công suất lắp máy nhỏ nhất trong số 10 dự án dòng chính trên địa phận Lào nhưng là dự án có tính chất quyết định. “Đây là dự án “chốt cuối” và Lào quyết thực hiện để đo phản ứng của các nước trong khu vực. Qua được “chốt cuối” này, các dự án ở giữa chỉ là vấn đề thời gian” - TS Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét.
Thông tin của các đơn vị phát triển dự án được đưa đến dư luận chỉ là Công ty Mega First (Malaysia). Công ty này có trụ sở tại Malaysia, Trung Quốc và cũng ít ai biết rằng Mega First nắm 60% cổ phần của Công ty TNHH Năng lượng và Khí đốt Thiệu Hưng (Trung Quốc). Bất ngờ hơn khi mới đây, IR gửi thư đến Tập đoàn Sinohydro (Trung Quốc). Theo đó, IR được biết Tập đoàn Sinohydro là nhà thầu EPC được lựa chọn của dự án Don Sahong nên sẽ có nhiều tác động trong các cuộc thương thảo thực hiện dự án. Vì thế, IR mong Sinohydro sẽ nói lên sự cần thiết có thêm các nghiên cứu khoa học cũng như tôn trọng yêu cầu từ các nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong các cuộc thương thảo về dự án. Sự liên quan của tập đoàn Trung Quốc đến dự án Don Sahong đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.
Nhiều tác hại
Hơn nửa chiều dài sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ Trung Quốc. Theo quy hoạch của nước này đến năm 2020, sẽ có 14 dự án thủy điện trên dòng chính. Hiện tại, 6 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Chúng đều là các đập lớn, công suất lắp máy lên đến 1.500 MW, đặc biệt dự án Nọa Trác Độ công suất lên đến 5.850 MW, đang gây nhiều tác hại lên vùng hạ nguồn. Đối với Việt Nam, việc các dự án này trữ nước tại các hồ chứa để phát điện khiến vùng ĐBSCL năm nay mất mùa nước nổi, thiệt hại sinh kế nghiêm trọng.