James Clapper, vị quan chức đứng đầu của ngành tình báo Hoa Kỳ đã có phiên chất vấn trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào hôm thứ Ba (9-2) về các mối đe dọa toàn cầu.
Bế tắc của Mỹ và nguy cơ sa lầy của Nga ở Syria
- Cập nhật : 05/11/2015
(The gioi)
Chiến dịch không kích của Nga ở Syria có thể khiến Washington phải từ bỏ các mục tiêu chính của mình, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ kéo Moscow bị sa lầy.
AFP dẫn lời các chuyên gia của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp tại Paris (IFRI) cho hay, kể từ khi Nga bắt đầu không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) vào ngày 30/9, chiến lược của Mỹ và phương Tây tại quốc gia này dường như lâm vào bế tắc.
Mỹ bế tắc
"Mỹ và các đồng minh phương Tây đang 'bó tay' trước những động thái của Nga tại Syria. Người Nga đang phô diễn sức mạnh hải quân, đồng thời thách thức thật sự vị thế số một về không quân vốn thuộc về các quốc gia phương Tây trong suốt thời gian qua", ông Thomas Gomart, giám đốc IFRI nhận định.
Cũng theo ông Gomart, mới đây Lầu Năm Góc buộc phải thừa nhận rằng Mỹ vẫn đang cố gắng thực hiện các đợt không kích IS song song cùng Nga. Tuy nhiên sự hiện diện của những chiến đấu cơ Sukhoi trên bầu trời Syria đã hạn chế đáng kể hiệu quả các cuộc không kích của Mỹ.
Julien Barnes-Dacey, một nhà phân tích thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở London, cho rằng mục tiêu của Mỹ ở Syria là lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng không làm sụp đổ các thể chế nhà nước, đồng thời ngăn chặn sự trỗi dậy của phiến quân Hồi giáo. Thế nhưng với chiến dịch can thiệp quân sự của Nga, Mỹ gần như phải từ bỏ các mục tiêu này.
"Phương Tây không muốn gây chiến với Nga ở Syria, và nhiều người lo sợ rằng các hoạt động nhằm lật đổ ông Assad chỉ dẫn tới bạo lực tồi tệ hơn, sự tan vỡ của nhà nước, kéo theo đó là làn sóng cực đoan và tị nạn", ông Barnes-Dacey nhấn mạnh.
Khả năng hiện thực hóa mục tiêu tại Syria càng trở nên khó khăn đối với phương Tây khi Tổng thống Vladimir Putin đã huy động cả tên lửa hành trình có sức mạnh răn đe rất lớn để tấn công IS ở Syria.
Ngày 7/10, Nga đã bắn 26 tên lửa hành trình để tiêu diệt IS từ các chiến hạm ngoài khơi biển Caspian với khoảng cách lên đến 1.500 km. Động thái này là một thông điệp chính trị đầy sức nặng của Nga đối với Mỹ và phương Tây, cho thấy Nga đang nỗ lực nâng cao sức mạnh răn đe phi hạt nhân, vốn bị Mỹ và phương Tây đánh giá không cao kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
"Sự bất lực của phương Tây càng bộc lộ rõ hơn khi họ tỏ ra lúng túng và tìm cách cáo buộc Nga tấn công lực lượng nổi dậy hay gây thương vong cho dân thường", ông Gomart cho biết thêm.
Nga nguy cơ sa lầy
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng cơ hội chưa hẳn đã hết với Mỹ và phương Tây, trong trường hợp Nga không đủ tiềm lực để giải quyết tận gốc bài toán IS trong thời gian ngắn khoảng vài tháng.
"Việc Nga liên tục không kích với mật độ dày đặc bằng hỏa lực mạnh là một chiến lược không khôn khéo. Trong bối cảnh kinh tế đang suy giảm, Nga sẽ không thể duy trì nhịp độ này trong thời gian dài", ông Barnes-Dacey đánh giá.
Nhà phân tích này còn đưa thêm dẫn chứng cho thấy mặc dù đã có màn trở lại ngoạn mục bằng bài phát biểu kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn chống IS tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng trước, Tổng thống Putin không đưa ra bất kì một lời đảm bảo nào về khả năng giành chiến thắng trước IS trong thời gian ngắn.
Như vậy nhiều khả năng Nga đã lường trước được những khó khăn về dài hạn, nhưng vẫn tiến hành không kích để bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad, tạo dựng lợi thế trên bàn đàm phán tương lai, đồng thời củng cố lợi ích chiến lược tại Trung Đông.
"Khi tham chiến thực sự, Nga sẽ nhận thức được rằng những điểm yếu của quân đội chính phủ Syria đáng lo ngại hơn những gì họ hình dung. Trong trường hợp chiến dịch của Nga không đạt được những kết quả như mong muốn, Nga sẽ buộc phải kéo dài thời gian không kích và tính toán đến giải pháp hợp tác với phương Tây", ông Camille Grand, giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris nhận định.
Cũng theo ông Grand, tình trạng chia cắt của Syria hiện nay cũng rất đáng báo động, điều này không thể giúp Nga có thể nhanh chóng chấm dứt chiến dịch không kích.
Trên thực tế, lãnh thổ Syria đang bị chia năm xẻ bảy, mỗi khu vực nằm dưới sự kiểm soát của một lực lượng khác nhau. Sự can thiệp ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và Iran càng làm cho tình trạng chia cắt này trầm trọng hơn. Trong những tháng tới, nhiều khả năng các bên tham chiến sẽ tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình để gia tăng lợi thế trong các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho xung đột.
"Khi các bên tham chiến không đạt được một thỏa thuận hợp tác, sẽ không có bất cứ một giải pháp nào tiêu diệt tận gốc IS, chấm dứt xung đột, đem lại hòa bình cho người dân Syria", ông Barnes-Dacey kết luận.