Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) vừa diễn ra trong các ngày 25-27/9 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Hoa Kỳ), với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện 193 nước thành viên LHQ, trong đó có Việt Nam.
“Tam cường” Đông Bắc Á trước viễn cảnh ly hợp
- Cập nhật : 06/11/2015
(The gioi)
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa nhất trí "khôi phục hoàn toàn" cơ chế hợp tác ba bên trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ba nước trong hơn ba năm qua.
Theo đó, các nhà lãnh đạo Đông Bắc Á thống nhất sẽ đẩy nhanh các vòng thương lượng Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên, hiện có tổng GDP chiếm 20% sản lượng kinh tế thế giới.
(Từ trái qua) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Sẽ là “tam trụ” ở châu Á
Tuy là ba nền kinh tế lớn của châu Á song mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật - Hàn - Trung kể từ năm 2012 đã bóp nghẹt những nỗ lực nhằm phối hợp và hòa nhập thương mại khu vực.
Song gần đây, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc và toàn cầu đang tăng trưởng chậm chạp, Đại diện Thương mại Quốc tế Chung San, đại diện cho phía Trung Quốc tại cuộc họp ba bên, nói rằng các cường quốc châu Á cần phải tăng cường giao thương để thúc đẩy tăng trưởng: “Nền kinh tế thế giới ngày nay đã được cải cách sâu rộng sau khủng hoảng. Với tư cách một trung tâm kinh tế ở châu Á, vai trò của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản mang tính cấp thiết đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, ông nói.
Trước đó, tại Seoul ngày 30/10, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau lần đầu tiên sau ba năm rưỡi để thảo luận về kế hoạch thiết lập một FTA ba bên và thúc đẩy một phiên bản khu vực của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cuộc gặp này được giới chuyên gia đánh giá là một thắng lợi của chính sách thực dụng về mặt chính trị, nhất là về kinh tế, lấn át những tranh chấp về lịch sử và lãnh thổ lâu nay giữa ba nước.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Trung Quốc hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ là cơ hội để ba nước nhìn nhận lại quá khứ và tìm cách giải quyết những bất đồng còn tồn tại".
Ngoài việc ủng hộ một khu vực thương mại tự do giữa ba nước, các giới chức thương mại của Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đã thảo luận về những sách lược thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại tự do với 16 nước tham gia.
Các cuộc thương lượng về RCEP đã bắt đầu vào năm 2013 nhưng mới đây đã bị hoãn lại. Hiệp định này sẽ bao gồm 10 nước ASEAN, các cường quốc Đông Bắc Á cộng Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Motoo Hayashi, người có mặt tại Seoul để dự các cuộc thương thảo, đã lên tiếng ủng hộ các thỏa thuận này để hạ giảm các rào cản thương mại. Theo ông, để giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ba nước nên hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực kinh tế và đầu tư thương mại để nâng cao sức mạnh của vùng Đông Bắc Á và Thái Bình Dương. Điều quan trọng nhất là thiết lập việc tự do hóa đầu tư và thương mại trong khu vực.
Chuyển biến mới trong quan hệ
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Seoul, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, ông Yoon Sang-Jick bày tỏ sự lạc quan rằng các hiệp định thương mại tự do khu vực có thể được thực thi: “Tôi trông đợi FTA giữa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và RCEP sẽ được ký như những hiệp định hỗ tương. Thêm nữa, ba nước nên chứng tỏ sự lãnh đạo vững mạnh để thành lập một Cộng đồng Đông Á”.
Ngoài ra, các bên còn đề cập đến một loạt vấn đề như hội nhập kinh tế Đông Á, các vấn đề khu vực và toàn cầu mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang theo đuổi.
Đại diện các nước cũng xem xét lại những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ, quyền sở hữu trí tuệ và ngành logistics (dịch vụ cung ứng và hậu cần) và cam kết nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Các bên cũng nhất trí cuộc gặp thượng đỉnh lần tới sẽ được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm tới.
Chính quyền Mỹ ngày 2/11 đã hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật - Trung - Hàn được tổ chức tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Phát biểu trước báo giới, Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết Washington ủng hộ những nỗ lực cải thiện các mối quan hệ giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các mối quan hệ thực tế và mang tính xây dựng giữa ba nước này sẽ hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như mang lại nhiều lợi ích.
Đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye diễn ra trước đó cùng ngày, bà Trudeau cho biết, Washington hoan nghênh sự đồng thuận giữa hai nhà lãnh đạo trong việc tăng cường nỗ lực giải quyết “vấn đề nhạy cảm phụ nữ mua vui” trong thời kỳ chiến tranh.
Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo ba nước kể từ tháng 5/2012, chấm dứt một giai đoạn bế tắc về ngoại giao do những căng thẳng trong khu vực. Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, cuộc gặp đã không đạt được bước đột phá thực chất nào, thay vào đó các bên chỉ đưa ra một tuyên bố mang tính biểu tượng về mục tiêu khôi phục quan hệ giữa ba nước nhằm tạo ra khung hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á.
Dù vậy, việc các nhà lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn bắt tay nhau và cùng ngồi vào bàn đàm phán được xem là đã tạo ra bước tiến mới trong quan hệ ba nước, là bước đi ban đầu hướng tới cải thiện quan hệ ba bên sau thời gian dài căng thẳng. Việc nhất trí nối lại cơ chế hợp tác ba bên cũng sẽ tạo cơ sở để vượt qua những rào cản trong các cặp quan hệ song phương, không để những trở ngại đó ngăn cản sự phát triển cũng như hợp tác và liên kết khu vực.