Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đang có xu hướng gây nhiều thiệt hại cho một loạt quốc gia, nhất là các nước ven biển. Vì vậy, việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các giải pháp ứng phó đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với nhiều nước.
Tại sao Trung Quốc muốn tiếp cận toàn diện kinh tế Canada?
- Cập nhật : 28/03/2017
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố họ cần có sự tiếp cận không giới hạn đối với nền kinh tế Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp mặt ẢNH: REUTERS
Theo hãng thông tấn Sputnik, sau khi Canada gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, chính quyền Bắc Kinh đề nghị được quyền tiếp cận toàn diện nền kinh tế Canada, bao gồm các lĩnh vực mang tính chiến lược quan trọng.
Các doanh nghiệp Đại lục do nhà nước kiểm soát cũng đang tìm cách đưa công nhân Trung Quốc vào Canada làm việc cho các dự án của họ tại quốc gia Bắc Mỹ như một phần của thỏa thuận thương mại tự do. Trong đó hầu hết các dự án dự kiến sẽ được tài trợ thông qua AIIB.
Việc AIIB mở rộng được tiến hành theo sau sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng TPP không đem lại lợi ích kinh tế đáng kể nào cho Mỹ.
Song việc AIIB gia tăng thành viên cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sẵn sàng cho việc lấp đầy khoảng trống, gia tăng ảnh hưởng kinh tế - chính trị của mình trên thị trường quốc tế, đặc biệt sau khi Washington làm nản lòng các đồng minh của mình, bao gồm cả Canada.
Các thành viên mới của AIIB được Trung Quốc phê duyệt hôm 23.3 bao gồm Hồng Kông, Venezuela, Ireland, Hungary, Bỉ, Peru, Ethiopia và Cộng hòa Sudan. AIIB được coi là sự lựa chọn thay thế cho các tổ chức cho vay quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.
Lu Shaye, Đại sứ Trung Quốc tại Canada, nói rằng Bắc Kinh đang tìm kiếm các vụ sáp nhập và mua lại các công ty của Canada. Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng những hùng biện về nhân quyền không nên trở thành “con chip thương lượng” trong quá trình mở rộng kinh tế Trung Quốc sang Canada.
“Đầu tư là đầu tư. Cũng giống như các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Canada và Mỹ, chúng ta không nên để các yếu tố chính trị liên quan quá nhiều trong quá trình này. Nếu không thì tình hình sẽ rất khó khăn”, ông Lu nói.
Được biết cuộc đàm phán tiếp theo giữa Canada và Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng 4.2017, sau khi hai bên đạt được thỏa thuận sơ bộ hồi đầu năm nay.
Về phía mình, Canada đánh giá rằng hoạt động gia tăng của các công ty Đại lục được xem là có lợi cho tình hình thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế nói chung.
“Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết rất rõ ràng rằng Canada muốn theo đuổi các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc. Trong thời gian trung hạn, thỏa thuận thương mại giữa hai nước sẽ đem lại nhiều việc hơn cho Canada”, John McCallum, Đại sứ Canada tại Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, có một điều đáng nói ở đây đó là ý định của Bắc Kinh trong việc đưa lao động của mình qua Canada để làm những công việc do chính các doanh nghiệp Trung Quốc tạo ra ở quốc gia Bắc Mỹ đã không được đưa ra đánh giá trong cuộc thỏa thuận đề xuất của Đại sứ Canada.
Hầu hết sự đóng góp của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế Trung Quốc đều do chính phủ điều hành trực tiếp. Do đó, việc Bắc Kinh gia tăng hoạt động kinh tế ở Canada có thể sẽ gây ra căng thẳng cho Canada và Mỹ, đặc biệt khi Mỹ cho thấy thái độ không thích Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vì Washington tin rằng NAFTA chỉ mang lại lợi ích cho hai nước láng giềng của mình là Canada và Mexico, trong khi các doanh nghiệp Mỹ đang ở trong tình trạng bất lợi.
“Có thể người Trung Quốc đang muốn yêu cầu một điều gì đó từ Canada mà họ không thể mong đợi từ các nước khác”, chuyên gia Charles Burton tại Đại học Brock (Canada) nói.
Thật vậy, việc mở rộng kinh doanh sang Canada của Trung Quốc cũng cho thấy sự quan tâm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến thị trường năng lượng Bắc Mỹ, đặc biệt là dầu mỏ. Với sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Trump về đường ống Keystone XL, nhiều dầu của Canada sẽ đổ vào các nhà máy lọc dầu ở bang Louisiana (Mỹ). Trong trường hợp này, nếu muốn trở thành nước xuất khẩu năng lượng bền vững trên phạm vi toàn cầu, Canada cần phải có một đường ống riêng đưa dầu từ Alberta đến bờ biển Thái Bình Dương, cho phép dầu thô được xuất khẩu bằng đường biển. Và Trung Quốc đang rất háo hức quan tâm đến một dự án như vậy tại Canada, đặc biệt trong kịch bản nếu nó được thực hiện bởi các công ty và công nhân của Đại lục.
Trong khi đó, bản thân người Canada đang gặp phải sự chia rẽ về thương mại với Trung Quốc. Theo cuộc thăm dò của Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada, đa số người dân nước này có xu hướng ủng hộ các giao dịch thương mại với các nền kinh tế tiên tiến như Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Úc hơn là với Trung Quốc.
Phương Anh
Theo thanhnien.vn