Sau khúc dạo đầu êm ả với Nga, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang dành cho Moscow những ngôn từ ngoại giao khá gay gắt, khiến cho triển vọng về một liên minh chiến lược giữa hai nước trở nên mờ nhạt.
Tương lai nào cho TPP nếu bà Hillary Clinton lên làm Tổng thống Mỹ?
- Cập nhật : 05/10/2016
(Kinh te)
Những thay đổi trong quan điểm của bà Hillary Clinton về hai hiệp định thương mại NAFTA và TPP đang tạo nên hình ảnh một ứng cử viên tổng thống đầy mâu thuẫn.
Một trong những đòn tấn công hiệu quả của ông Donald Trump nhằm đối phó với ứng cử viên đối thủ, bà Hillary Clinton, trong buổi tranh luận tổng thống đầu tiên chính là xoáy vào yếu điểm trong lĩnh vực chính sách thương mại của bà.
Để giành được phiếu bầu từ nhóm cử tri công nhân Mỹ đầy bất mãn, ông Donald Trump đã “trói” bà Hillary bằng hai hiệp ước thương mại: NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ được thông qua dưới thời tổng thống Bill Clinton, chồng bà Hillary) và TPP (Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương). Mặc dù hiện nay bà Hillary đã quay lưng với TPP; trước đây, khi còn là ngoại trưởng Mỹ, bà từng ủng hộ hiệp định này.
Với hành động này, ông Trump gần như đã hạ gục bà Hillary. Ông Trump khẳng định, việc ký kết NAFTA của cựu tổng thống Clinton, chồng bà Hillary, là động thái tồi tệ nhất đối với ngành sản xuất Mỹ. Và nếu bà Hillary trở thành tổng thống, bà nhất định sẽ thông qua TPP – một hiệp định tồi tệ không kém NAFTA.
Trước cáo buộc của đối thủ, bà Hillary tuyên bố: “Điều đó là không chính xác”; đồng thời, bà cũng không quên lên tiếng bảo vệ những thành tựu kinh tế trước đây của chồng mình trước khi chuyển sang tranh luận chủ đề mới.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, có thể nói thương mại và các hiệp định thương mại như TPP đã trở thành một chủ đề nóng, đặc biệt là sau những tác động của NAFTA tới các bang công nghiệp của Mỹ như Ohio, cũng như các chỉ trích từ phía ông Donald Trump.
Rõ ràng, vấn đề này đã đặt bà Hillary Clinton, một người có nhiều kinh nghiệm với các chính sách thương mại, vào một tình thế vô cùng khó xử.
Trong suốt 25 năm qua, ứng cử viên của Đảng Dân Chủ đã đề xuất nhiều ý tưởng thương mại.
Năm 1999, trong một bài phát biểu tại Paris, bà Clinton từng kêu gọi xây dựng cấu trúc tài chính mới nhằm đẩy lùi các tác động tiêu cực nhất của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Các đồng nghiệp thân cận của bà Clinton khẳng định trong lĩnh vực thương mại, bà luôn thận trọng hơn so với chồng mình. Theo ông Paul Begala, cố vấn chính trị lâu năm của nhà Clinton, bà Hillary chính là một trong những người đã từng thuyết phục ông Bill Clinton phản đối NAFTA.
Tuy nhiên, vào năm 1996, với tư cách là đệ nhất phu nhân và một nghị sĩ New York, bà Hillary lại phát biểu: “Tôi nghĩ rằng NAFTA đang chứng minh giá trị của mình”. Không chỉ vậy, trong hơn một thập kỷ, bà luôn ủng hộ tái đàm phán hiệp định NAFTA.
Hiện nay, bà Hillary đang lặp lại lịch sử với hiệp định TPP. Bà dứt khoát phản đối việc ký kết hiệp định này giữa Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam, trong năm nay bởi theo bà, TPP còn thiếu các quy định chặt chẽ về vấn đề thao túng tiền tệ, lao động và môi trường.
Trong bài phát biểu về chính sách kinh tế trong tháng 8 vừa qua, bà Hillary khẳng định: “Hiện nay, tôi phản đối [TPP], tôi sẽ phản đối hiệp định này sau cuộc bầu cử, và tôi vẫn sẽ phản đối nó khi trở thành tổng thống”.
Tuy nhiên, trước đây, khi còn là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, bà Hillary từng coi TPP là một bước tiến vượt trội và là một “tiêu chuẩn vàng”.
Dù vậy, khả năng loại bỏ TPP gần như là không thể. Đầu tiên, trước khi hết nhiệm kỳ, ông Obama và nhân viên của mình đã và đang nỗ lực đảm bảo TPP sẽ được Quốc hội thông qua. Không chỉ vậy, theo ông Mickey Kantor, đại diện thương mại Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton, nước Mỹ chưa bao giờ không thông qua một hiệp định thương mại sau khi đàm phán.
Ngoài TPP, bà Hillary còn có ý định bổ nhiệm một công tố thương mại đặc biệt nhằm chống lại các nước tiến hành thương mại thiếu công bằng và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giống như đối thủ Donald Trump, bà cũng đã lên kế hoạch tiến hành Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên Minh Châu Âu với mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm cho nước Mỹ, tăng lương và củng cố an ninh quốc gia.
Đến nay, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn chưa đến hồi kết, và đồng thời, cũng chưa hiệp định thương mại nào được thông qua. Tuy nhiên, nhiều nhà cố vấn khẳng định ít nhất một trong hai hiệp định TPP và TTIP chắc chắn sẽ được ký kết.