Tính từ đầu năm tổng dòng vốn vào các quỹ đầu tư cổ phiếu ở tất cả các thị trường mới nổi là +11 tỷ USD (cùng kỳ bị rút -3 tỷ USD). Đây là một tín hiệu tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tăng làm tăng chi phí vốn và cơ hội đầu tư tại các thị trường phát triển đang rất dồi dào.
Trung Quốc lĩnh đòn “hồi mã thương“ do o ép Hàn Quốc
- Cập nhật : 30/03/2017
Những ngón đòn trừng phạt kinh tế và văn hóa mà Trung Quốc tung ra nhằm trả đũa Hàn Quốc vì đã để cho Washington bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc đã có dấu hiệu phản tác dụng.
Việc Hàn Quốc cho Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ khiến quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng
Trang mạng Yibada của cộng đồng người Hoa hải ngoại ngày 27/3 đã trích dẫn một khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Chính trị Asan tại Hàn Quốc cho thấy, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trong vị thế quốc gia bị người dân Hàn Quốc ghét nhất, chỉ thua Triều Tiên.
Trên một thang điểm với điểm 10 dành cho nước được coi là thân thiện nhất, bản khảo sát công bố hôm 20/3 của Viện Nghiên cứu Chính trị Asan đã nêu bật sự kiện là điểm của Trung Quốc đã tụt giảm nghiêm trọng, từ 5 điểm năm 2016, đã giảm xuống chỉ còn 3,21.
Dân Hàn ghét Trung Quốc hơn Nhật, nguy cơ bị kiện
Đáng chú ý hơn cả là điểm của Trung Quốc còn rơi xuống mức thấp hơn cả điểm số của Nhật Bản vẫn được duy trì ở mức 3,33.
Song song với điểm số của Trung Quốc, điểm ưu ái của người Hàn Quốc dành cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sụt giảm, từ 4,25 vào tháng 1/2017 đã giảm xuống còn 3,01 điểm trong tháng 3. Đây là mức giảm lớn nhất của ông Tập Cận Bình kể từ tháng 7/2013. Điều này cũng tương phản rõ rệt với năm 2014 khi mối quan hệ của Hàn Quốc-Trung Quốc đạt đến đỉnh cao và chủ tịch Trung Quốc được hơn 5 điểm, bám sát điểm của tổng thống Mỹ Barack Obama. Điểm an ủi duy nhất đối với ông Tập Cận Bình là điểm của ông vẫn cao hơn điểm của thủ tướng Nhật Bản Abe.
Đối với các chuyên gia phân tích, sở dĩ người dân Hàn Quốc quay sang ghét Trung Quốc nhiều hơn, đó chính là thái độ thô bạo của Bắc Kinh, đã tiến hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Hàn Quốc để phản đối việc Mỹ bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc nhằm giúp Seul đối phó với Triều Tiên.
Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc cho đến nay chủ yếu nhắm vào các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm và thực phẩm, các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, tour du lịch và các cửa hàng bán lẻ do các doanh nghiệp Hàn Quốc điều hành, đặc biệt là của tập đoàn Lotte vốn đã đồng ý cung cấp đất cho việc lắp đặt lá chắn chống tên lửa của Mỹ. Thậm chí Bắc Kinh còn kích động quần chúng tẩy chay sản phẩm và cửa hiệu Hàn Quốc tại Trung Quốc.
Theo nhật báo Hàn Quốc Korea Tribune ngày 27/03/2017, Bắc Kinh cho đến lúc này đã cố tránh đụng đến nhiều mặt hàng nhập từ Hàn Quốc rất cần cho nền công nghiệp của họ, hầu tránh thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cũng có vẻ đang cố gắng tránh không vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế một cách thô bạo, vì điều này sẽ cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc được Mỹ và các quốc gia tiên tiến cho hưởng quy chế của một nền kinh tế thị trường.
Sau khi Hàn Quốc có động thái yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xác định xem liệu các biện pháp của Trung Quốc nhắm vào Hàn Quốc có trái với các quy định của WTO hay không, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 23/3 đã vội lên tiếng cho biết Trung Quốc rất trân trọng quan hệ thương mại với Hàn Quốc và các quy tắc của WTO.
Dù sao thì trước mắt, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các bán thành phần và thiết bị sản xuất từ Hàn Quốc đã khiến cho các nhà quan sát cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh dùng kinh tế, thương mại để gây sức ép trên vấn đề an ninh của Seoul sẽ thất bại.
Đòn trừng phạt sẽ thất bại, càng đẩy Hàn Quốc vào tay Mỹ
Nhật báo South China Morning Post (SCMP) ngày 23/3 đã phân tích việc Trung Quốc có những biện pháp trừng phạt không chính thức nhắm vào Hàn Quốc, và trích dẫn một số chuyên gia cho rằng việc khuyến khích tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc sẽ không ngăn được Seul cho Mỹ triển khai lá chắn mà chỉ làm quan hệ kinh tế hai bên xấu đi thôi.
Giới quan sát ghi nhận là Bắc Kinh thật ra chưa có thông báo chính thức mà áp đặt ngầm biện pháp trừng phạt, có điều đối với họ những biện pháp đưa ra như để cho truyền thông vận động tẩy chay hàng hóa sẽ không hiệu quả do việc chính Trung Quốc dựa nhiều vào linh kiện điện tử Hàn Quốc cho nền công nghiệp của mình.
Dĩ nhiên một số người ở Trung Quốc đã nghe theo vận động và tẩy chay hàng hóa hay dịch vụ Hàn Quốc, du lịch Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng, nhiều chuyến đi thăm bị hủy bỏ, chuyến bay đến Hàn Quốc bị giảm…nhưng dù thế khả năng trừng phạt của Bắc Kinh đối với Seul cũng giới hạn.
Lý do là hàng tiêu dùng Hàn Quốc - những mặt hàng dễ tẩy chay, chỉ chiếm 5% hàng xuất sang Trung Quốc. Phần còn lại là nguyên liệu, linh kiện, trang thiết bị phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc.
SCMP đã trích dẫn ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế vùng châu Á-Thái Bình Dương của IHS Global Insight cho biết Hàn Quốc là nguồn quan trọng xuất linh kiện điện tử sang Trung Quốc. Theo ông, thì một phần tư khối lượng mạch IC (integrated circuits), linh kiện chủ yếu cho truyền hình và điện thoại di động là được nhập từ Hàn Quốc.
Andrew Gilholm, nhà phân tích của cơ quan tư vấn Control Risks, ghi nhận là Trung Quốc đứng sau các vụ «sách nhiễu ngầm một số công ty Hàn Quốc», nhưng việc tẩy chay, sách nhiễu công ty không làm giảm đi sự lệ thuộc của Trung Quốc vào Hàn Quốc trong một số lĩnh vực vì các công ty Trung Quốc cần sự hợp tác về mặt công nghệ với công ty Hàn Quốc để hoàn tất mục tiêu nâng cấp công nghệ của mình.
Theo ghi nhận của SCMP, trao đổi thương mại hai bên đang gia tăng. Xuất khẩu Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 28,7 % trong tháng 2 vừa qua so với cùng thời kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất từ 2010.
Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc đánh giá nếu bị Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt không chính thức, thì cùng lắm kinh tế Hàn Quốc sẽ bị thua lỗ 14,76 tỷ USD, nói cách khác là 1,07 % GDP.
Giới phân tích còn đánh giá việc Bắc Kinh tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc chỉ đẩy thêm Seoul vào vòng tay của Washington.
Như để minh chứng cho điều này, cuộc khảo sát dư luận Hàn Quốc của Viện Nghiên cứu Chính trị Asan tại Hàn Quốc hôm 20/3 đã cho thấy là liên quan đến việc Mỹ bố trí hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, vào tháng 11/2016, tỷ lệ người ủng hộ và người chống gần bằng nhau: 46,3% ủng hộ và 45,7% chống. Thế nhưng sang tháng 3/2017, số người ủng hộ triển khai THAAD đã tăng vọt lên thành 50,6%, trong lúc số chống giảm hẳn xuống còn 37,9%.
Thậm chí Trung Quốc còn sẽ làm cho quan hệ song phương với Hàn Quốc bị đầu độc trong lúc bang giao đã khá lên trong những năm gần đây nhờ thương mại và đầu tư phát triển, cũng như mối căm hận chung đối với Nhật Bản do vấn đề lịch sử. Hai bên cũng cùng mục tiêu muốn Bình Nhưỡng bỏ chương trình hạt nhân quân sự.
Theo giáo sư Lee Jung Nam, thuộc Viện Nghiên Cứu Châu Á, trường Đại Học Hàn Quốc (Asiatic Research Institute at Korea University): «Nếu Trung Quốc đi quá xa trong áp lực kinh tế thì chỉ sẽ làm gia tăng tinh thần ái quốc và dân tộc chủ nghĩa ở Hàn Quốc mà thôi. Và cũng sẽ làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn trở thành lãnh đạo ở Đông Bắc Á, thì không nên để lại cảm giác tiêu cực như vậy ở các láng giềng».
Bài học nhãn tiền
Trước đây Bắc Kinh đã sử dụng lá bài dân tộc chủ nghĩa vì những mục tiêu ngoại giao, nhưng phong trào tẩy chay, phản đối cũng không kéo dài.
Theo ông Kim Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á ở Cát Lâm (Trung Quốc) sát cạnh Triều Tiên, việc người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc sẽ tác động rất ít tới nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng có nguy cơ tạo ra sự thù hằn giữa người dân Hàn Quốc bình thường đối với người Trung Quốc.
Chuyên gia này còn nêu bật thất bại của việc Bắc Kinh trước đây đã từng kích động tinh thần bài Nhật Bản: «Trung Quốc cũng đã tẩy chay Nhật Bản vì tranh chấp đảo Điếu Ngư, thế là các công ty Nhật đầu tư vào Đông Nam Á, và bây giờ thì số lượng du khách Trung Quốc tham quan Nhật Bản đang tăng lên rất nhiều».
Mục tiêu muốn Hàn Quốc dẹp lá chắn chống tên lửa, theo ông Hồ Vĩ Tinh, trưởng khoa Chính trị và Hành chính công tại Đại học Hong Kong cũng khó đạt, vì các áp lực của Trung Quốc về kinh tế trên Hàn Quốc như không thể lay chuyển quyết tâm triển khai THAAD của Seul. Trái lại, theo ông Hồ phân tích: «Thực tế cho thấy Hàn Quốc càng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai lá chắn THAAD».
Trọng Nhân
Theo Viettimes.vn