Tại sao Washington không tận dụng lợi thế quyền lực mềm này mà lại chỉ khăng khăng theo đuổi mục tiêu làm bẽ mặt Nga?
Trung Quốc có thực sự chống IS?
- Cập nhật : 26/11/2015
(The gioi)
Bạo lực khủng bố đã xuất hiện ở nhiều thành phố khắp Trung Quốc nhưng những động thái của Bắc Kinh liên quan đến trừng phạt các tổ chức này vẫn chưa rõ ràng.
Báo Guardian cho biết sau đợt khủng bố ngày 13-11 ở Paris làm ít nhất 130 người thiệt mạng, Bắc Kinh cũng đã tìm cách nhấn mạnh vai trò của mình trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hai ngày sau đó, Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị từng nhấn mạnh rằng “Trung Quốc cũng là một nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Cuộc chiến chống Phong trào Đông Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của thế giới”.
Cam kết để thể hiện vai trò quốc tế
Nhà phân tích người Anh Jonathan Fenby cho rằng để thể hiện là một quốc gia có vai trò toàn cầu và trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang lan tràn khắp châu Âu, châu Phi và Trung Đông thì Bắc Kinh cần sự hiện diện của mình trong cuộc chiến này.
Song, tham gia vào cuộc chiến chống IS là một phép thử đối với Trung Quốc nhưng có thể quốc gia này đang nhận thấy họ khó mà đáp ứng được.
Giới chuyên gia cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông trong thời gian qua cũng đã đưa “chủ nghĩa khủng bố” đến gần hơn với nước này. Bằng chứng vào ngày 18-11, IS tung tin giết một con tin người Trung Quốc vì không đòi được tiền chuộc và sau đó là nhóm 3 người Trung Quốc thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố khách sạn ở Bamako Mali.
Các biện pháp an ninh hạng nặng mà chính phủ Trung Quốc đang áp dụng trong nước dường như không ngăn được các cuộc tấn công khủng bố làm chết hàng trăm người ở Trung Quốc trong năm 2014 và 2015.
Tuần qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin các lực lượng an ninh của nước này đã tiêu diệt 28 phần tử cực đoan đã thực hiện cuộc tấn công vào một mỏ than ở Tân Cương, làm 16 người chết.
Đây là đợt tấn công mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công mà chính quyền Bắc Kinh cáo buộc do các phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ thực hiện, trong đó có vụ tấn công ở nhà ga xe lửa Côn Minh, tỉnh Vân Nam làm 33 người chết năm 2014.
Bắc Kinh khẳng định nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã tham gia IS ở Trung Đông và khoảng 200 phần tử này đã bị bắt ở Thái Lan chỉ trong năm 2014.
Tiếp tục đứng bên lề
Hãng tin CNN dẫn lời giáo sư trường đại học nghiên cứu ngoại giao Bắc Kinh - Tiết Đào cũng khẳng định khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục đứng bên lề cuộc chiến chống IS dù chủ tịch nước này là ông Tập Cận Bình từng thề sẽ đưa “IS ra công lý”, sau vụ giết con tin ngày 18-11 qua.
Giáo sư Tiết nhấn mạnh một trong những lý do để Trung Quốc đứng bên lề cuộc chiến này là do quan ngại khi tuyên chiến với IS sẽ khiến cho tổ chức khủng bố này “càng chuyển hướng tập trung sang người Trung Quốc và khả năng xảy ra một cuộc tấn công kiểu Paris ở quốc gia này”.
Chuyên gia thuộc quỹ German Marshall ở Mỹ - Andrew Small nhận định Trung Quốc chưa là bên tham gia tích cực trong cuộc chiến chống IS. Chuyên gia này nhấn mạnh cơ hội để chiến đấu cơ của Trung Quốc bay cùng máy bay Mỹ và Nga trong cuộc chiến chống IS ở Syria là rất mờ nhạt, thậm chí là không thể xảy ra.
Hơn nữa, nếu tham gia liên minh chống IS, đồng nghĩa với việc phải gửi các lực lượng vũ trang để tham gia tấn công IS ở Syria sẽ là động thái đi lệch với chính sách ngoại giao truyền thống của Bắc Kinh.
Bởi khi bắt đầu tham gia cuộc chiến này thì mọi mối nghi ngờ sẽ đổ dồn vào khả năng hoạch định sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Cho đến nay, có ít bằng chứng cho thấy khả năng Trung Quốc đề xuất gửi quân nếu nước này tham gia liên minh chống IS trên thực tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh phải giữ vị thế “liên quan” trong cuộc chiến chống khủng bố này, đó là vì trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc vẫn đang chật vật chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh vẫn đang khẳng định rằng tình hình bạo lực do các phần tử cực đoan này thực hiện đang tái xuất hiện trên khắp đất nước này.