AEC cho phép luân chuyển lao động trong tám ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch... VN chủ động khai thác thị trường ASEAN thế nào?
Không có ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc ở biển Đông
- Cập nhật : 01/12/2015
(Bien dong)
Các thực thể theo UNCLOS gọi là “đá” thì không thể có lãnh hải.
Ngày 24-11, tại Tòa trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan), phái đoàn Philippines bắt đầu phiên điều trần thứ hai về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
“Đường chín đoạn” vô căn cứ
Phiên điều trần thứ hai bắt đầu vòng đầu tiên từ ngày 24-11 và kéo dài đến 30-11. Phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào năm 2016.
Báo Philippine Star (Philippines) đưa tin từ Hà Lan, phó phát ngôn tổng thống Philippines Abigail Valte thông báo trong ngày điều trần đầu tiên 24-11 (giờ địa phương), phái đoàn Philippines đã tập trung vào vấn đề thiếu căn cứ trong yêu sách “đường chín đoạn” ở biển Đông của Trung Quốc.
Phái đoàn Philippines khẳng định yêu sách của Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và chà đạp các quyền của các quốc gia ven biển.
Đầu tiên, cố vấn pháp luật Florin Hilbay đã trình bày luận cứ chứng minh yêu sách dựa trên “chủ quyền lịch sử” và “đường chín đoạn” của Trung Quốc phải được xem là bất hợp pháp và vô căn cứ.
Luật sư Mỹ nổi tiếng Paul Reichler (phụ trách ban pháp lý của phái đoàn Philippines) nêu bản chất về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc và chứng minh “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc không tồn tại chiếu theo UNCLOS.
Ông khẳng định khi Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” thì đương nhiên đã tước đoạt hoạt động đánh bắt cá và thăm dò của Philippines.
Theo Công báo của chính phủ Philippines, kế tiếp GS Bernard Oxman ở ĐH Luật Miami (Mỹ) trình bày tính chất bất hợp pháp trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc so với UNCLOS.
Luật sư Andrew Loewenstein (Công ty luật Foley Hoag ở Mỹ) trình ra tấm bản đồ nhà Minh để chứng minh lãnh thổ Trung Quốc không như yêu sách “đường chín đoạn”.
Phái đoàn Philippines tham dự phiên điều trần thứ hai kể từ ngày 24-11 tại dinh Hòa bình ở La Haye (Hà Lan). Ảnh: CÔNG BÁO PHILIPPINES
Đá chứ không phải đảo
Trong ngày điều trần thứ hai 25-11 (giờ địa phương), phái đoàn Philippines tập trung trình bày các quyền đánh bắt và thăm dò của Philippines đã bị tước đoạt do Trung Quốc độc chiếm biển Đông với yêu sách “đường chín đoạn”.
Trước tòa trọng tài thường trực, luật sư Andrew Loewenstein chứng minh trong ba điều kiện để chiếm hữu lãnh thổ, không có điều kiện nào có thể bào chữa được trong trường hợp của Trung Quốc.
GS Philippe Sands người Anh (ĐH London) trình bày đá mà Trung Quốc cải tạo đất gần đây đều thấp hơn mực thủy triều theo UNCLOS, như vậy không thể có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Giáo sư đã trình bày hoạt động cải tạo đất trên các thực thể trên của Trung Quốc và khẳng định cho dù các thực thể có thay đổi thì căn cứ luật biển vẫn không thay đổi.
Chuyên gia luật quốc tế Lawrence Martin (Công ty luật Mỹ Foley Hoag) giải thích dựa theo bản dịch tiếng Quan Thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh của điều 121 UNCLOS, các thực thể đã nêu được xếp là “đá” và không thể có quyền chủ quyền cho dù Trung Quốc cải tạo đất.
Ông nhấn mạnh theo UNCLOS, muốn xem là đảo thì phải có khả năng cho con người sinh sống và có đời sống kinh tế.
Cản trở quyền chủ quyền
Chiều cùng ngày, luật sư Paul Reichler tiếp tục chứng minh không có cộng đồng dân sự nào được thiết lập trên các thực thể đã nêu ở quần đảo Trường Sa. Như vậy chỉ có lý do duy nhất là vì các thực thể này không thích hợp cho con người sinh sống.
GS Philippe Sands nói đến việc Trung Quốc can thiệp khi Philippines thực hiện quyền chủ quyền chiếu theo UNCLOS đối với các nguồn tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế.
Ông dẫn chiếu nhiều sự cố liên quan đến các hợp đồng dịch vụ của Bộ Năng lượng Philippines mà các công ty tư nhân bị cảnh sát biển Trung Quốc cản trở thăm dò cũng như chỉ thị cấm đánh bắt cá của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc liên quan đến Philippines.
Chuyên gia Lawrence Martin trình bày nhiều chứng cứ của ngư dân Philippines cho thấy Trung Quốc can thiệp vào hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân Philippines tại biển Đông, đặc biệt tại bãi cạn Scarborough.
Một bản đồ năm 1784 đã được trình trước tòa trọng tài thường trực để chứng minh bãi cạn Scarborough trước nay thuộc về Philippines.
Luật sư Andrew Loewenstein đã kết thúc phiên điều trần thứ hai với các hình ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở do Trung Quốc xây dựng trên các thực thể mới bồi đắp.
- Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 25-11 cho biết theo thông báo của chính phủ Philippines, phái đoàn Philippines đến La Haye dự phiên điều trần gồm 48 người do Ngoại trưởng Albert del Rosario dẫn đầu, trong đó có cố vấn chính trị Ronald Llamas, cố vấn pháp luật Florin Hilbay, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hạ viện Rodolfo Biazon.
- Hãng tin Kyodo News (Nhật) đưa tin ngày 26-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thông báo Trung Quốc khuyến khích các nước liên quan “góp phần gìn giữ hòa bình và ổn định” ở biển Đông thay vì diễu võ giương oai, gây căng thẳng và hô hào quân sự hóa. Phát biểu được đưa ra trước câu hỏi về thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và Đô đốc Mỹ Harry Harris hôm 24-11 ở Hawaii về Mỹ tiếp tục tuần tra ở biển Đông.
5 thành viên tòa trọng tài thường trực gồm chủ tọa Thomas A. Mensah, Thẩm phán Jean-Pierre Cot, Thẩm phán Stanislaw Pawlak, Thẩm phán Rudiger Wolfrum và GS Alfred H. A. Soons.
__________________________________
Các vi phạm của Trung Quốc là hiển nhiên, dai dẳng và đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục.
GS PHILIPPE SANDS (ĐH London)
Tôi tin rằng tòa trọng tài thường trực sẵn sàng phán quyết về thực thi UNCLOS có lợi cho Philippines.
Chủ tịch Hạ viện Philippines FELICIANO BELMONTE Jr.