tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nội chiến Yakuza sắp bùng nổ?

  • Cập nhật : 24/11/2015

(Kinh doanh)

Nội bộ Yamaguchi-gumi, tổ chức Yakuza hùng mạnh nhất Nhật Bản, đang chia rẽ sâu sắc. Tổng cục Cảnh sát quốc gia Nhật e ngại một cuộc nội chiến có thể bùng nổ đẫm máu như cách đây 30 năm

Với Yamaguchi-gumi, tổ chức tội phạm giàu có nhất thế giới, năm nay đáng lý ra là một năm huy hoàng. Khi thành lập Yamaguchi-gumi năm 1915, Harukichi Yamaguchi - một ngư dân 47 tuổi ở đảo Awaji, gần thành phố cảng Kobe - không thể ngờ tổ chức mang tên ông dưới triều đại của 6 ông trùm ngày nay đã trở thành số 1 trong giới giang hồ Yakuza, hoạt động ở 44/47 tỉnh, gồm cả thủ đô Tokyo của Nhật. Thành viên của Yamaguchi-gumi chiếm 40% trên tổng số 86.300 Yakuza hiện có ở xứ sở mặt trời mọc, theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát quốc gia Nhật (NPA).

Những dấu hiệu bất thường

Trong 2 tháng qua, một số sự kiện bất thường liên quan đến Yamaguchi-gumi đã xảy ra làm lu mờ sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của tổ chức này. Gần đây nhất, ngày 26-10, trước cổng tổng hành dinh Yamaguchi-gumi ở Kobe, thủ phủ tỉnh Hyogo, một bản thông báo ngắn gọn xuất hiện: “Hằng năm vào ngày 31-10, theo thông lệ, chúng tôi tổ chức sự kiện Halloween. Tuy nhiên, năm nay, bởi nhiều lý do khác nhau, sự kiện này đã bị hủy bỏ”. Sau khi xin lỗi, Yamaguchi-gumi hứa năm tới sẽ tổ chức lại, hoành tráng hơn.

Trong những năm gần đây, khi Halloween trở thành lễ hội lớn thứ hai sau Giáng sinh đối với thiếu nhi Nhật, tổng hành dinh Yamaguchi-gumi là điểm đến thu hút đông đảo trẻ em. Tại đây, các thủ lĩnh che giấu những hình xăm kiêu kỳ dưới lớp áo bảnh bao phát những gói kẹo thật lớn kèm theo nụ cười dễ thương. Đây là một trong những chiêu  đánh bóng hình ảnh của tổ chức.

“bo gia” shinoku tsukasa anh: japan focus

“Bố già” Shinoku Tsukasa Ảnh: JAPAN FOCUS

Yamaguchi-gumi không nói rõ “nhiều lý do khác nhau” là gì nhưng không khó để suy ra nguyên nhân lẫn mức độ nghiêm trọng của nó. Theo cảnh sát tỉnh Hyogo, lý do duy nhất khiến Yamaguchi-gumi hủy bỏ lễ hội Halloween là tổ chức này đang phân rã thành 2 phe kình địch có thể dẫn đến một cuộc chém giết lẫn nhau như từng xảy ra trong quá khứ. Chỉ cần một đứa trẻ bị thương trong một vụ đánh nhau là thủ lĩnh của tổ chức bị bắt ngay lập tức.

Sự kiện thứ hai là một vụ án mạng. Báo Sankei Shimbun số ra ngày 26-10 dẫn nguồn tin cảnh sát tỉnh Osaka cho hay lúc 1 giờ 30 phút, Toshiyuki Kawaji - 52 tuổi, trùm băng nhóm Kuramoto-gumi - đã ngã gục bên trong trụ sở chi nhánh băng nhóm này tại khu giải trí Minami với một vết thương chí tử do trúng đạn. Không rõ đây là vụ tự sát hay bị thanh toán.

Kuramoto-gumi là một nhánh của Yamaguchi-gumi ở Osaka. Cảnh sát nghi ngờ cái chết của Kawaji liên quan đến sự rạn nứt sâu sắc trong nội bộ Yamaguchi-gumi.

Mầm mống huynh đệ tương tàn

Ngày 10-9, cảnh sát TP Kobe đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất từ nhiều năm nay. Một đoàn xe nhiều chục chiếc Mercedes-Benz và Toyota Lexus màu đen đời mới đổ về hội sở Yamaguchi-gumi, tổ chức xã hội đen hùng mạnh nhất ở xứ mặt trời mọc.

Những người đi trên xe mặc âu phục, đeo kính đen vội vã bước vào sảnh theo lệnh triệu tập khẩn cấp của Kumicho (bố già) đời thứ 6 là Shinoku Tsukasa, 73 tuổi. Một cuộc họp bất thường lập tức diễn ra bàn cách siết chặt kỷ cương trong tổ chức và đối phó với băng nhóm Kobe Yamaguchi-gumi vừa chính thức tuyên bố ly khai trước đó 1 ngày.

 

kunio inoue anh: tokyo reporter

Kunio Inoue Ảnh: TOKYO REPORTER

Trong tuyên bố của mình, Kobe Yamaguchi-gumi tố cáo “bố già” Tsukasa quá ích kỷ. Tính nết này sẽ làm băng hoại truyền thống Yamaguchi-gumi. Tuyên bố nhấn mạnh rằng Kobe Yamaguchi-gumi ra đời không ngoài mục đích bảo tồn di nguyện của các “bố già” đã quá cố. Ký tên dưới bản tuyên bố là Kunio Inoue, năm nay 67 tuổi, “bố già” băng nhóm Yamaken-gumi. Inoue bị tiền bối Tsukasa khai trừ hồi tháng 8 vừa qua cùng 12 thủ lĩnh chi nhánh Yamaguchi-gumi hùng cứ ở nhiều nơi trên đất Nhật vì có dấu hiệu làm loạn. Dưới trướng “bố già” Inoue, Kobe Yamaguchi-gumi quy tụ khoảng 3.000 thành viên, trong đó có 2.000 người của Yamaken-gumi

Quá ích kỷ không phải là nguyên cớ duy nhất khiến băng nhóm Yamaken-gumi và đồng minh nổi loạn chống lại Tsukasa. “Bố già” này còn bị tố cáo thiên vị trong việc chia sẻ quyền lực và có tham vọng bành trướng lãnh địa, ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn vong của Yamaguchi-gumi. Nổi cộm nhất là việc Tsukasa luôn dành sự ưu ái cho băng nhóm Kodo-kai mà cha đẻ của nó không ai khác hơn là chính “bố già” này. Kể cả trong vụ Kodo-kai manh động chống lại cảnh sát cách đây 6 năm, đi chệch đường lối cố hữu của Yamaguchi-gumi là giữ hòa khí với NPA, Tsukasa cũng ngó lơ.

Kodo-kai là chi nhánh lớn thứ hai của Yamaguchi-gumi, rất giàu có với số tài sản ước tính 5 tỉ USD, có trụ sở chính ở thành phố cảng Nagoya, thủ phủ tỉnh Aichi. Địa bàn hoạt động của Kodo-kai trải dài trên 18 tỉnh. Do manh động, Kodo-kai bị NPA trấn áp thẳng tay từ tháng 9-2009. Tổng cục trưởng NPA thề sẽ “loại trừ băng nhóm này ra khỏi xã hội”.

Sau vụ này, uy tín Yamaguchi-gumi bị tổn thương nặng. Nội bộ bất mãn với “bố già” Tsukura, một số thủ lĩnh nung nấu ý chí ra riêng. Trong đó, Kunio Inoue và Tadashi Irie, trùm băng nhóm Takumi-gumi, công khai phản đối “bố già” mạnh mẽ nên đã bị khai trừ sớm nhất.

Doanh thu 80 tỉ USD/năm

Yakuza Nhật không giống mafia Ý hay Hội Tam Hoàng Trung Quốc. Cũng là tổ chức tội phạm nhưng Yakuza được phép đăng ký hoạt động công khai với NPA.

Yamaguchi-gumi là tổ chức lớn nhất trong số 22 tổ chức Yakuza đăng ký với NPA. Đặc biệt, nó không đơn thuần là tổ chức tội phạm có truyền thống hơn 400 năm với các hoạt động ngầm như tổ chức cờ bạc, mại dâm, cho vay nặng lãi, bảo kê, tống tiền, buôn lậu (ma túy, vũ khí)... mà còn là một tập đoàn kinh tế hùng mạnh với hàng trăm công ty thương mại dịch vụ, kiểm toán, chứng khoán, tin học, kinh doanh địa ốc, nhà thầu dân sự, hoạt động trong nước và nước ngoài. Nó kiểm soát một phần không nhỏ ngành công nghiệp giải trí và thể thao, từng bị tố cáo khuynh đảo thị trường chứng khoán. Tạp chí Fortune đánh giá Yamaguchi-gumi là tổ chức tội phạm “ăn nên làm ra” nhất thế giới năm 2014 với doanh thu 80 tỉ USD.

 

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục