Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 28/9 đăng bài viết “Trung Quốc trì trệ, Mỹ thoái lui” của tác giả Nicolas Baverez trong mục Ý kiến độc giả cho rằng chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của ông Tập Cận Bình đang làm sáng tỏ sự đối đầu giữa hai cường quốc thế giới.
'Hạ màn' ông Tập thăm Mỹ, TQ dương Đông kích Tây
- Cập nhật : 30/09/2015
(The gioi)
Các cố vấn của ông Tập Cận Bình đã chuẩn bị một chương trình đến Mỹ theo đúng nghệ thuật dùng binh nổi tiếng của TQ “dương Đông kích Tây”, tránh trực diện những vấn đề đối phương quan tâm, vu hồi vào những điểm đối phương không tính hết.
Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vừa kết thúc với một Tuyên bố chung Mỹ-Trung thể hiện xu thế chủ đạo trong quan hệ hai siêu cường ở thế kỷ 21: vừa đấu tranh vừa hợp tác.
Ông Tập đến Mỹ trong bối cảnh kinh tế TQ có dấu hiệu đi xuống, đồng nhân dân tệ phá giá, cuộc chiến chống tham nhũng gặp khó khăn trong khi kinh tế Mỹ khởi sắc, ông Obama vừa giành được sự ủng hộ của hai viện QH ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân Iran+P5, mục tiêu ông theo đuổi suốt gần hai nhiệm kỳ.
Nhiều nhà bình luận đã nhìn nhận ông Tập đến Mỹ trong tư thế yếu và Mỹ có thể buộc TQ phải làm rõ một số vấn đề đặc biệt là hai hồ sơ Chiến tranh mạng và tranh chấp ở Biển Đông. Hàng loạt các tuyên bố hùng hồn của các quan chức Mỹ đã được đưa ra trước chuyến thăm.
Cùng một ngày 21/9/2015, hai quan chức cấp cao Mỹ đã lên tiếng. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo, hoạt động gián điệp mạng do nhà nước bảo trợ phải chấm dứt, và Washington coi đây là mối lo ngại đối với an ninh quốc gia và là nhân tố then chốt trong quan hệ Mỹ - Trung. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew thì bày tỏ quan ngại về các chính sách điều hành tỷ giá đồng nội tệ của TQ, yêu cầu TQ tái khẳng định cam kết hướng tới một nền kinh tế theo định hướng thị trường với động lực là chi tiêu tiêu dùng.
Chuyến thăm của ông Tập cũng trùng với chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Giáo hoàng Francis ngày 23/9/2015.Một ẩn ý làm loãng sự quan tâm của dân chúng hay là áp lực so sánh về chính sách đối với đóng góp hòa bình và quyền con người?
Song không thật đúng như các mong đợi và bình luận, kết quả chuyến thăm của Tập Cận Bình đã cho thấy TQ cứng rắn hơn dư luận nghĩ và Mỹ-Trung mỗi nước đều có những hạn chế để buộc phải hợp tác.
Món quà kinh tế
Nếu như chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình đến Mỹ tháng 1/1979 mở đầu cho giai đoạn bình thường hóa quan hệ hai nước thì chuyến thăm 2015 của ông Tập Cận Bình thể hiện vai trò cùng Mỹ lãnh đạo thế giới, đem giấc mơ Trung Hoa so sánh với các giá trị giấc mơ Mỹ, định hình quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc trong thế kỷ 21.
Các cố vấn của ông Tập đã chuẩn bị một chương trình theo đúng nghệ thuật dùng binh nổi tiếng của TQ “dương Đông kích Tây”, tránh trực diện những vấn đề đối phương quan tâm, vu hồi vào những điểm đối phương không tính hết.
Trước chuyến đi, ông Tập đã có những phát biểu về Thái Binh Dương bao la đủ chỗ cho cả Mỹ và TQ, đối đầu sẽ là đại họa cho cả hai bên, quan hệ Mỹ - Trung nên nhìn vào đại cục, là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, và lịch sử đã chứng minh, 2 nước sẽ có lợi khi hợp tác và bất lợi khi đối đầu.
Cuộc diễu binh rầm rộ ngày 3/9/2015 đã phô diễn sức mạnh của nền kinh tế có chi phí quân sự lớn thứ hai thế giới và đang ngày càng làm Mỹ e ngại. Ông Tập đã không chọn Washington là điểm đến đầu tiên theo lễ tân thông thường mà chọn Seattle, một trung tâm kinh tế Mỹ. TQ đã đưa ra món quà chạm ngõ theo nghi lễ phương Đông mà Mỹ khó có thể từ chối.
Đó là các hợp đồng kinh tế về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 230 dặm, trị giá 12,7 tỉ USD nối giữa Los Angeles và Las Vegas; là việc TQ mua 300 máy bay Boeing của Mỹ và tạo điều kiện để các công ty Mỹ đàu tư 3 tỉ USD vào các dự án sử dụng năng lượng ở TQ.
Trong bài phát biểu tại Seattle hôm 22/9, ông Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất 4 điểm về phát triển mối quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nước để thăm dò Mỹ.
Ông cho rằng TQ và Mỹ nên hiểu đúng các mục đích chiến lược của nhau, tăng cường hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi, giải quyết những bất đồng giữa hai nước một cách thỏa đáng và tích cực tìm kiếm thêm những điểm tương đồng cũng như thúc đẩy các cuộc giao lưu nhân dân.Các chuyến thăm tại Taloma, New York tạo hình ảnh tích cực của ông Tập trong mắt công chúng Mỹ cũng như trên cả khía cạnh kinh tế và quyền con người.
Phát biểu của Obama và Tập Cận Bình tại họp báo chung ngày 25/9 cho thấy hai lãnh đạo đã trao đổi một cách thẳng thắn về các vấn đề quan tâm song để có tiếng nói chung vẫn còn phải phấn đấu. Nói một cách khác hai bên vẫn đang đường ai nấy đi dù có một số biện pháp lòng tin được dề xuất.
Quan hệ nước lớn kiểu mới?
Vấn đề đầu tiên hai lãnh đạo trao đổi là mối quan hệ nước lớn kiểu mới. Lần đầu tiên Tổng thống Obama hoan nghênh sự trỗi dậy của TQ một cách hòa bình, ổn định, thịnh vượng và là đối tác có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Ông nhấn mạnh lần đầu tiên Mỹ và TQ sẽ là những đối tác chính thức thúc đẩy phát triển toàn cầu. Thịnh vượng hơn và an ninh hơn sẽ là những kết quả chính mà sự hợp tác Mỹ-Trung mang lại.
Cả hai nước là đối tác trước các thách thức toàn cầu, từ an ninh hạt nhân, chống cướp biển ở mũi Hảo vọng, hòa giải và phát triển ở Afganistan cho đến đấu tranh chống dịch Ebola.
Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác dù cũng còn những bất đồng cần đề cập thẳng thắn và xây dựng. Mỹ-Trung sẽ cùng các nước khác thúc đẩy phát triển Afganistan, hợp tác thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran, tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình, đồng y giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình đã có dịp để tuyên bố chính thức về những điểm chính trong quan hệ nước lớn kiểu mới mà TQ sẽ cùng Mỹ xây dựng, không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.
Ông ủng hộ một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, nhấn mạnh vai trò đàm phán 6 bên theo sáng kiến của TQ, ở bán đảo Triều Tiên nhằm từng bước tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách triệt để và xác thực thông qua con đường hòa bình.
Vấn đề thứ hai là hợp tác kinh tế. Mỹ thừa nhận TQ là một thị trường xuất khẩu quan trọng. Trong nhiệm kỳ của ông Obama, xuất khẩu Mỹ vào TQ đã tăng gấp đôi, tạo 1 triệu công ăn việc làm cho người Mỹ. Lo ngại những tác động điều chỉnh đồng nhân dân tệ, Mỹ kêu gọi hai nước tiến tới Hiệp định đầu tư song phương tiêu chuẩn cao tạo điều kiện cho các công ty Mỹ.
Ông Tập đã trấn an doanh nhân Mỹ khi khẳng định Mỹ-Trung là hai nền kinh tế bổ sung cao cho nhau và có tiềm năng to lớn để tiếp tục hợp tác.
Ông khẳng định sẽ tiếp tục con đường cải cách, phối tác chính sách kinh tế vĩ mô và cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu với ổn định tài chính. Mỹ-Trung đồng y thiết lập liên hệ cấp cao điện thoại thường kỳ về các vấn đề kinh tế.
Cả trong phát biểu cũng như trả lời phỏng vấn, ông Tập không quên nhắc đến cam kết của Mỹ về kế hoạch cải cách hệ thống điều hành và phân bổ quyền lực tại Quỹ tiền tệ quốc tế, biện pháp giảm vai trò của Mỹ và tăng vị trí của TQ trong điều hành tài chính thế giới.
Các sáng kiến Một vành đai Một con đường, Con đường tơ lụa, Ngân hàng AIIB được nêu ra kêu gọi sự hợp tác của Mỹ. Nếu TQ phát triển nó sẽ mang lại lợi ích cho thế giới và nước Mỹ. Nếu Mỹ phát triển, nó cũng mang lại lợi ích cho thế giới và TQ.
Điều đáng chú ý là Chủ tịch Tập khẳng định sẽ tiếp tục cải cách toàn diện sâu rộng, xây dựng quản trị trên nền tảng pháp luật và tăng cường kỷ luật đảng. TQ thể hiện rõ đường lối tiếp tục cải cách kinh tế sâu rộng dưới sự lãnh đạo một đảng.
Về vấn đề thứ ba, Tổng thống Obama đã nêu quan tâm sâu sắc của các DN và công dân Mỹ bị xâm phạm trên mạng. Ông chỉ ra rằng các xâm phạm này phải chấm dứt. Hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận chung là hai chính phủ sẽ không tiến hành hoặc hỗ trợ các xâm phạm mạng, đánh cắp sở hữu trí tuệ, bao gồm các bí mật thương mại và các thông tin làm ăn mật nhằm trục lợi thương mại.
Chủ tịch TQ đồng ý hai bên đã đạt được sự đồng thuận quan trong trong cuộc chiến chung chống xâm phạm an ninh mạng, sẽ xử ly các vụ hình sự, thúc đẩy hỗ trợ điều tra và chia xẻ thông tin. Mỹ đã không đi đến cùng lời đe dọa xâm phạm an ninh mạng phải chấm dứt và sẽ có các biện pháp trừng phạt trả đũa khi chỉ đề cập đến an ninh thương mại mà chưa nói đến các xâm phạm an ninh quốc phòng.
TQ giữ vững quan điểm hai chính phủ sẽ hợp tác vì như Tổng thống Obama chia sẻ đã hiểu hết tâm sự của Chủ tịch Tập – với 1,3 tỷ người, ông không thể bảo đảm hành vi của từng cá nhân trên đất TQ.