tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bài học Iran mua bán dầu bằng nhân dân tệ

  • Cập nhật : 10/08/2018

Trong lúc này bài học của Nga trong ứng phó với trừng phạt Mỹ quan trọng với Iran hơn là sự trợ giúp của Trung Quốc thông qua sử dụng đồng CNY...

Việc Trung Quốc lợi dụng Mỹ tái trừng phạt Iran để tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ (CNY) cho việc thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ với Iran được nhìn nhận là hai bên cùng có lợi, dù "Tehran lợi đơn, còn Bắc Kinh lợi kép".

Nghĩa là trong lúc nguy nan - Mỹ trừng phạt - và bế tắc - đồng rial mất giá - Tehran đã tìm ra cứu cánh cho mình, từ đó có thể đương đầu với Washington, thậm chí còn có thể buộc kẻ thù phải trả giá khi giúp CNY loại bỏ dần tấm ảnh hưởng của USD.

Tuy nhiên, theo giới phân tích phương tây, nếu Tehran đồng thuận với Bắc Kinh, tăng cường sử dụng đồng CNY cho việc thanh toán hợp đồng mua bán dầu mỏ thì sẽ khiến kinh tế Iran sớm rơi vào khủng hoảng.

trung quoc va dong nhan dan te khong phai la cuu canh cho iran luc nay

Trung Quốc và đồng nhân dân tệ không phải là cứu cánh cho Iran lúc này

Thứ nhất, sử dụng CNY khó có thể giúp Iran né trừng phạt Mỹ, nếu Washington quyết tâm hạ gục Tehran, bởi đối phó với trừng phạt Mỹ thì phải làm sao vô hiệu hoá mục đích bằng tính chất hành động, chứ không phải phương tiện sử dụng.

Có thể thấy, khi trừng phạt các thực thể bị nhận diện là đối nghịch hay phản ứng tiêu cực bộ đôi công cụ "cây gậy và củ cả rốt", Washington luôn hướng tới những điểm yếu của đối phương, buộc đối phương phải sử dụng điểm mạnh để đối phó.

Sau một thời gian bị Mỹ trừng phạt thì điểm yếu của đối phương gần như bị triệt tiêu còn điểm mạnh của đối phương cũng dần bị mất công lực. Đây chính là điều nguy hiểm nhất từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Thực tế chứng minh, để đối phó hiệu quả với trừng phạt Mỹ thì cần phải tập trung vào hoá giải những điểm yếu, còn điểm mạnh phải là công cụ dự phòng, mà để làm được điều đó thì cần phải thay đổi tích chất trong hành động.

Có thể nhận diện mục đích của Washington là tấn công vào hệ thống tài chính Iran, bởi lẽ chỉ cần làm rối thị trường tiền tệ, làm giảm sức mua của đồng nội tệ thì nền kinh tế Iran sẽ rối loạn, các biện pháp điều hành của chính phủ sẽ bị tối thiểu hoá tác hiệu.

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất lúc này với Tehran là cứu đồng rial thông qua việc tạo sức mạnh cho nền tảng giá trị của nó - đó là một nền kinh tế hàng hoá đủ mạnh - và tăng cường quỹ dự trữ ngoại hối và vàng - công cụ bảo vệ giá trị cho đồng rial.

Việc Trung Quốc sử dụng đồng CNY thanh toán cho các hợp đồng mua bán dầu với Iran không giúp cải thiện điểm yếu trong nền kinh tế - bởi vẫn là phụ thuộc nhiều vào dàu thô - còn việc chuyển sang giao dịch bằng vàng thì Bắc Kinh vẫn chỉ hứa.

Thứ hai, việc sử dụng đồng CNY - một ngoại tệ chưa mạnh - để chống lại tác hiệu của đồng USD - một ngoại tệ quá mạnh - là lựa chọn không chuẩn xác và chính Iran đã có bài học cho mình trong trường hợp này.

chon cny de hy vong ne trung phat my la khong chuan xac

Chọn CNY để hy vọng né trừng phạt Mỹ là không chuẩn xác

Ngày 15/02/2016, Iran tuyên bố không sử dụng USD trong giao dịch dầu mỏ - thực ra Iran đã ngầm làm điều này từ năm 2012. Dù quyết định mang nặng tính chính trị, song theo chuyên gia kinh tế Mohsen Maghsoudi thì đó là ý đồ bảo vệ nền kinh tế.

Khi đó Iran quyết định việc sử dụng đồng euro (EUR) và đồng nhân dân tệ cũng như các ngoại tệ khác thay cho đồng USD trong giao dịch dầu mỏ, bởi Tehran cho rằng đã chịu nhiều thiệt hại trong thời gian bị Mỹ trừng phạt nhưng vẫn dùng đồng USD.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và các nước châu Âu là những đối tác kinh tế lớn nhất của Iran và là các thành viên ký kết Thoả thuận hạt nhân Iran, nên chuyển đổi sang đồng EUR và CNY có thể sẽ có những tác động hai chiều đối với Iran.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm thực hiện cơ chế chuyển đổi, kinh tế Iran vẫn chịu tác động của đồng USD, mà cụ thể là đồng rial mất giá rất nhanh trong so sánh với đồng USD, nhưng đồng EUR và đồng CNY không cứu được.

Hơn thế nữa, tâm lý người dân và doanh nghiệp Iran vẫn ưa thích sử dụng và lưu giữ đồng USD hơn bất cứu đồng ngoại tệ nào khác và đây cũng là nguyên nhân khiến đồng rial suy giảm giá trị rất sâu mà không có nhiều khả năng hồi phục.

Điều đó cho thấy, đồng CNY và đồng EUR chưa thể giúp cho nền kinh tế Iran tránh được thiệt hại khi muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của đồng USD.

Thứ ba, hậu quả của nền kinh tế Venezuela khi sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch dầu mỏ là bài học nóng hổi và không được lãng quên với Iran, vì tính chất hành động của Caracas và Tehran là khác nhau, nhưng mục đích thì hoàn toàn giống nhau.

Ngày 15/7/2017, Bộ Dầu mỏ Venezuela thông báo quyết định chuyển sang dùng đồng CNY để niêm yết giá dầu bắt đầu từ tháng 9/2017. Hành động của Caracas được lý giải là để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ, theo RT.

giao dich bang cny thay cho usd khong lam thay doi ban chat nen kinh te phu thuoc vao dau mo

Giao dịch bằng CNY thay cho USD không làm thay đổi bản chất nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ

Và ngày 15/9/2017, Venezuela đã công bố giá dầu là 306,26 CNY/thùng, đương tương 46,76 USD/thùng. Giá bán được cho là tăng so với tuần trước đó là 300,91 CNY/thùng, tương đương 46,15 USD/thùng.

Trước đó, ngày 7/9/2017 Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố Venezuela sẽ thi hành các chiến lược mới để giải phóng quốc gia khỏi sự lệ thuộc của đồng USD và CNY được chọn thay thế.

Tuy nhiên, kết quả hành động của Caracas không như kỳ vọng, khi đồng bolivar thì liên tục lập kỷ lục về sụt giảm giá trị và mất tác hiệu với nền kinh tế, còn đồng nhân dân tệ thì không thể thay thế cho đồng nội tệ của Venezuela. 

Cuối cùng chính quyền Venezuela phải dùng đồng "petro ảo" và hậu quả là một nền kinh tế không nền tảng, còn chất lượng sống của người dân thì ngày một tồi tệ hơn.

Rõ ràng, khi sử dụng đồng USD trở thành tập quán trong thanh toán quốc tế thì việc rời bỏ nó là không dễ dàng và luôn phải đối mặt với những hậu quả. Trong khi kinh tế đang bất ổn mà "bỏ USD chọn CNY" thì sẽ là sự cộng hưởng tác hại.

Giới phân tích cho rằng, chính phủ Iran cần phải đối mặt với trừng phạt của Mỹ, chứ không nên tìm cách né tránh. Bởi việc né tránh luôn khiến Tehran phải đi tìm công cụ đối phó trừng phạt và hậu quả luôn là cái đích chứ không phải là kết quả.

Còn khi đối mặt trực diện với trừng phạt của Washington thì chính phủ Iran sẽ hướng tới việc làm sao có thể "vượt vượt trừng phạt khi không thể tránh được trừng phạt" và từ đó sẽ tìm ra các giải pháp ứng phó với trừng phạt của Mỹ.

Rõ ràng, trong lúc này bài học của Nga trong ứng phó để có thể "sống chung với trừng phạt Mỹ" quan trọng và cần thiết với Iran hơn là sự trợ giúp của Trung Quốc thông qua việc sử dụng đồng CNY trong giao dịch dầu mỏ.


Ngọc Việt
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục