Do tính chất đa dạng và khác biệt giữa các vùng kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc mang một giá trị phức hợp. 4 vùng kinh tế sau đây đại diện cho 4 thách thức điển hình mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối phó.
Dự trữ dầu chiến lược - Công cụ phòng thủ của Mỹ
- Cập nhật : 01/10/2015
(The gioi)
Mỹ không dùng dự trữ dầu chiến lược để đe dọa chính trị quốc gia nào mà họ muốn dùng nó như công cụ chính trị mang tính phòng thủ nhiều hơn.
Thông điệp của Mỹ
Từ năm 1975 đến nay, Bộ Năng lượng Mỹ duy trì dự trữ dầu mỏ chiến lược (Strategic Petroleum Reserve - SPR) với tổng lượng dầu dự trữ lên tới khoảng 700 triệu thùng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, mục đích của Mỹ khi xây dựng các kho dự trữ dầu khổng lồ này để phòng sự cố bất ngờ trong tương lai có thể dùng đem ra sử dụng. Tuy nhiên, chiến lược này cũng mang tính chính trị bởi Mỹ không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào các nước sản xuất và kinh doanh dầu mỏ trên thế giới.
"Việc dự trữ dầu của Mỹ mang tính chiến lược nhưng tôi chưa thấy có bằng chứng Mỹ dùng kho dự trữ này như một công cụ của chính sách ngoại giao. Mỹ luôn muốn các nước Trung Đông và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác biết rằng Washington có đủ dầu hỏa dự trữ trong trường hợp khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu. Nó cũng là một thông điệp cho thế giới rằng các nước đừng dùng dầu hỏa để gây áp lực chính trị đối với Mỹ. Tóm lại, Mỹ không dùng dự trữ dầu chiến lược như một công cụ tích cực để đe dọa chính trị các quốc gia khác nhưng họ muốn dùng nó là một công cụ chính trị mang tính phòng thủ nhiều hơn, tạo sự an toàn cho an ninh dầu hỏa của Mỹ", ông Hiếu chia sẻ quan điểm.
Dù vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng, bản thân Mỹ cũng chịu thiệt hại từ chiến lược SPR. Theo đó, các chi phí về vận chuyển, sử dụng số dầu này đòi hỏi chi phí tốn kém, đặc biệt trong lúc Mỹ cần tới lượng dầu dự trữ chiến lược lớn để xử lý các tình huống khẩn cấp như thảm họa thiên nhiên hay xảy ra khủng hoảng.
"Những trường hợp như thế cần mức chi phí rất lớn và việc sử dụng kho dự trữ này được thực hiện thông qua đạo luật Chính sách và Bảo tồn năng lượng (EPCA). Với đạo luật này, mỗi năm Chính phủ và Quốc hội Mỹ kiểm soát lượng dầu dự trữ rất chặt chẽ. Dù tốn kém nhưng đây là một công cụ cần thiết để bảo vệ an ninh dầu hỏa Mỹ", ông nói.
Nga không chịu tác động trực tiếp
Dù khẳng định đến thời điểm này chưa thấy dấu hiệu Mỹ sử dụng dự trữ dầu chiến lược để thao túng thị trường dầu thế giới nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Mỹ có khả năng làm được việc này với lượng dầu dự trữ được cho là lớn nhất thế giới (700 triệu thùng).
"Cho đến nay, Mỹ là một trong những quốc gia có nguồn cung dầu hỏa lớn hàng đầu của thế giới nên tầm ảnh hưởng của Mỹ trong thị trường dầu hỏa rất lớn. Mỹ đã rất khôn ngoan khi thành lập kho dự trữ dầu hỏa chiến lược như thế. Nó giúp Mỹ rất nhiều sau cuộc khủng hoảng năng lượng 1973, Mỹ có được nguồn cung tương đối ổn định trong khi mức cầu lớn do số lượng ô tô, nhu cầu sử dụng nhiên liệu ngày càng tăng, Mỹ giữ được thế quân bình trong cung-cầu về dầu hỏa. Còn tại thời điểm này khi giá dầu lao dốc, Mỹ tương đối an toàn trong khi nhiều quốc gia khác, ngay cả Nga đang bị ảnh hưởng lớn.
Với lượng dự trữ dầu cực lớn, nếu muốn, Mỹ vẫn có khả năng ảnh hưởng đến giá dầu thế giới một cách mạnh mẽ, thao túng thị trường dầu. Nếu Mỹ đẩy số dầu đó ra thị trường trong lúc này sẽ làm giá dầu xuống rất sâu và đẩy nhiều nền kinh tế vào khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đến giờ chưa có dấu hiệu Mỹ làm việc đó", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.