Vùng đất quanh năm lạnh giá ở cực bắc trái đất đang ngày càng “nóng” vì cuộc tranh chấp chủ quyền và nguồn tài nguyên ẩn dưới lớp băng.
Hai góc nhìn về chuyến thăm Mỹ của ông Tập
- Cập nhật : 01/10/2015
(The gioi)
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tô đậm các điểm tích cực trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng một số người dân lại có cái nhìn khác.
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện hôm 22/9 vẫy tay chào khi đến sân bay ở thành phố Everett, bang Washington, Mỹ. Ảnh: AP
Theo những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Tập trong chuyến thăm Mỹ lần này đã xua tan tất cả những lo ngại về các vấn đề tấn công mạng, kinh tế và Biển Đông, đồng thời quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ nồng ấm hơn thế.
Tán tụng
Theo AP, chuyến công du kéo dài 7 ngày của ông Tập, gồm rất nhiều hoạt động như ghé thăm nhà máy của hãng sản xuất máy bay Boeing cùng các tập đoàn công nghệ lớn cho đến cuộc tản bộ thoải mái với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vườn Nhà Trắng, đều được đưa tin dày đặc trên báo chí ở Trung Quốc.
Những bản tin truyền hình phát vào giờ cao điểm bắt đầu với ít nhất 25 phút đưa về ông Tập và phu nhân, bà Bành Lệ Viện. Tiếng vỗ tay cùng những lời chúc tụng tại mỗi nơi ông Tập ghé thăm đều được chiếu toàn bộ.
"Tôi rất tự hào vì Trung Quốc đang trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết", biên tập viên Zhang Yanhua, 49 tuổi, trả lời phỏng vấn trong lúc đang đi bộ ở khu trung tâm Bắc Kinh. "Khi tôi thấy Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân trên tivi lúc họ đến Seattle, cách họ nói chuyện với các quan chức địa phương khiến tôi cảm thấy họ thực sự là hiện thân của một cường quốc", Zhang nói.
Các bản tin ghi nhận Trung - Mỹ vẫn tồn tại bất đồng nhưng tập trung nhiều hơn vào những lĩnh vực mà hai bên đạt sự đồng thuận và hợp tác nhằm khắc họa ông Tập như một chính khách được đón tiếp nồng hậu, trong khi Trung Quốc đang tìm cách nâng vị thế lên ngang bằng Mỹ.
"Chưa bao giờ có hai cường quốc trong lịch sử loài người có mối quan hệ gần gũi như Trung Quốc và Mỹ ngày nay", People Daily bình luận.
Tuy nhiên, những người dân bình thường ở Trung Quốc lại thấy sự tích cực đó chỉ là bề nổi.
Dè dặt
Ông Tập hôm 23/9 nói chuyện với các thành viên của đội tuyển bóng bầu dục khi đến thăm trường trung học Lincoln ở thành phố Tacoma, bang Washington. Ảnh: AP
"Để chứng kiến hai nước phát triển mối quan hệ đích thực có lẽ còn phải mất một thời gian khá lâu nữa", ông Li Jinglin, một hưu trí 67 tuổi, cho biết. Ông cũng thêm rằng dù đã hùng mạnh hơn, Trung Quốc vẫn chưa thể đứng ngang hàng với Mỹ.
"Ngay cả khi ta thấy hai bên bắt tay, đó có thể không phải là một mối quan hệ chân thành. Nhiều vấn đề không dễ giải quyết và cần nhiều thời gian", Li nói.
Những nội dung thường xuất hiện trên các kênh truyền thông nhà nước với góc nhìn tiêu cực về Mỹ, chẳng hạn như các động thái kiềm chế Bắc Kinh của Washington, sự can thiệp của Mỹ vào chuyện nội bộ của nước khác không còn xuất hiện trên mặt báo và đài truyền hình trong một tuần.
Giáo sư ngành báo chí Zhan Jiang cho hay đó là điều bình thường trong các bản tin của truyền thông nhà nước. "Bạn có thể thấy, hôm nay, tin tức đưa một số mặt tốt đẹp rồi hôm khác lại đưa tin một số mặt xấu, thậm chí là bất đồng giữa hai nước", ông nói.
"Song nếu quen với hệ thống này, bạn sẽ hiểu rằng tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi chỉ qua một đêm. Hãy tin rằng sau chuyến thăm của Tập, truyền thông nhà nước sẽ quay lại chỉ trích chính sách của Mỹ", Zhan bình luận.
Trong khi Mỹ tập trung vào các vấn đề gai góc khiến mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng để đưa tin thì báo chí Trung Quốc thường khai thác các khía cạnh liên quan đến thương mại và kinh tế cũng như những câu chuyện mà người dân cảm thấy quen thuộc. Chuyến thăm của ông Tập tới các tập đoàn có tên tuổi như Boeing, Apple hay Microsoft cũng là đề tài thu hút sự quan tâm từ công chúng.
"Dù một số công ty Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, họ vẫn cần học hỏi kinh nghiệm và ý tưởng kinh doanh từ các công ty lớn của Mỹ như Microsft", Zhao Ying, 29 tuổi, một người kinh doanh khách sạn ở Bắc Kinh, nói.
"Mỹ sẽ dành sự tôn trọng cho Trung Quốc nếu chúng ta cải thiện được năng lực của mình", Zhao nhận xét.
Để thoát khỏi các tin tức khô khan và trịnh trọng, người dân Trung Quốc thường theo dõi những bản tin nhanh nhạy hơn trên các cổng thông tin điện tử lớn. Câu chuyện nổi bật nhất trên Sina vào sáng 25/9 là cuộc tản bộ buổi tối ở khuôn viên Nhà Trắng của ông Tập và Obama với trang phục bình thường, không thắt cà vạt.
Thậm chí, một số bản tin từ các báo đài chính thức của nhà nước thỉnh thoảng cũng mang tính nhẹ nhàng. Ví dụ như China News Service, một trong những cơ quan thông tấn nhà nước của Trung Quốc, đưa tin giới thiệu khách sạn nơi ông Tập cùng phái đoàn lưu trú ở Washington. Theo đó, khách sạn nơi ông Tập ở không chỉ phục vụ các món ăn Trung Quốc mà còn chuẩn bị sẵn "những cây dù in hình gấu trúc" đề phòng trời mưa.