Nhân tố đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế ấn tượng của vùng lãnh thổ này chính là sự đột phá sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.
'Con đường tơ lụa' Bắc Kinh xuất hiện hàng loạt ổ gà
- Cập nhật : 14/01/2018
“Ngay cả các nước vệ tinh của Bắc Kinh cũng từ chối các dự án liên doanh với Trung Quốc”.
Trong các bài sau đây chúng tôi xin được chuyển đến bạn đọc những phân tích của một số học giả Nga về “Con đường tơ lụa mới” (Sáng kiến “Một vành đai- một con đường”) của Trung Quốc.
Bài đầu tiên với tiêu đề và phụ đề trên là của tác giả Vladimir Skosyrevđăng trên tuần báo chuyên ngành “Bình luận quân sự độc lập (Nga) ngày 12/01/2018.
Cảng Gwadar đang được xây dựng tại Paksitan sẽ mở đường cho hàng hóa Trung Quốc tới Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters
Pakistan, đối tác gần gũi nhất của Trung Quốc tại Châu Á vừa mới bác bỏ đề xuất của Bắc Kinh về việc xây dựng một công trình thủy điện trị giá 14 tỷ đôla.
Lý do: người Trung Quốc muốn công trình này phải đặt dưới sự kiểm soát của họ. Đây không phải là trường hợp duy nhất.
Tại một loạt nước – từ Tanzania (Châu Phi) đến Hungary (Châu Âu)- các đề xuất khác có trong nội dung bản kế hoạch “Một vành đai- một con đường” của Trung Quốc đều gây ra những phản ứng tiêu cực.
Những đề xuất đó, hoặc là bị hủy bỏ, hoặc là bị trì hoãn, hoặc là các thỏa thuận đã ký từ trước bị đưa ra xem xét lại.
Hóa ra, trên thực tế, các khoản đầu tư mà nhà tài trợ (Trung Quốc) cung cấp luôn kèm theo các điều kiện nô dịch và ẩn chứa mối đe dọa tiềm tàng an ninh quốc gia của những nước tiếp nhận đầu tư.
Các quan chức Pakistan gọi Trung Quốc là “người anh em thép”. Bắc Kinh giúp Pakistan khai thác, sở hữu công nghệ hạt nhân, cung cấp vũ khí hiện đại và luôn đứng về phía Pakistan trong các tranh chấp với Ấn Độ.
Mặc dù vậy, xung quanh kế hoạch xây dựng đập Diamer-Bkhasha được đánh giá là cao nhất trên thế giới đang gây ra nhiều tranh cãi ầm ỹ trong dư luận nước này.
Nguyên nhân dẫn đến những bất đồng là tuyên bố của Cục trưởng Cục nguồn nước Pakistan về việc Trung Quốc muốn cùng sở hữu công trình (là đồng sở hữu). Vị quan chức Pakistan này khẳng định đòi hỏi trên của Trungt Quốc đi ngược lại với các lợi ích của Pakistan.
Về chuyện này, theo Hãng thông tấn AP thì Bắc Kinh đã tuyên bố là không có ý định như vậy, nhưng dù sao thì dự án xây dựng đập thủy điện nói trên cũng đã bị loại ra khỏi danh mục hàng chục dự án chung giữa hai nước.
Liên quan đến sự kiện này, nhà phân tích Robert Coip của Hãng nghiên cứu “Economist Corporate Network” tại Hồng Công bình luận: “Pakistan- đó là một trong những nước nằm trong quỹ đạo Trung Quốc.
Và nếu như Pakistan đã phải đứng bật dậy và nói thẳng : tôi sẽ không làm điều đó (thực hiện dự án-ND) cùng với các ngài (Trung Quốc), thì điều đó có nghĩa là đối với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” không phải tất cả mọi thứ đều ngọt ngào như Bắc Kinh tuyên bố”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến nói trên của mình (“Một vành đai, một con đường”) vào năm 2013. Sáng kiến này có thể gọi là cái ô để che tất cả các dự án đang được Trung Quốc thực hiện hoặc cung cấp tài chính để thực hiện tại 65 nước trên thế giới trong một không gian địa lý phủ toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương, Châu Á, Châu Phi và Châu Âu.
Ngân hàng phát triển Châu Á tuyên bố là khu vực Châu Á cần khoản đầu tư hơn 26.000 tỷ đôla đến năm 2030 để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cho khu vực này . Chính vì thế mà nhiều chính phủ thoạt đầu đã hoan nghênh sáng kiến trên của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả Washington, Tokyo, Delhi và ngay cả Matxcova cũng đều rất quan ngại – theo họ thì (sáng kiến) “Một vành đai- một con đường” trên thực tế là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chính trị lấy Bắc Kinh là trung tâm. Và vì thế, dĩ nhiên, ảnh hưởng của các cường quốc khác sẽ bị xói mòn.
Nhưng trong thời gian gần đây các tham vọng của Bắc Kinh phải đối mặt với sự hành động phản kháng ngày càng gia tăng . Chính quyền Nepal đã hủy bỏ kế hoạch cùng xây dựng một con đập trị giá 2,5 tỷ đôla (với Trung Quốc).
Lý do được đưa ra do hợp đồng dã ký với Trung Quốc vi phạm nguyên tắc đấu thầu- theo nguyên tắc này thì tham gia đấu thầu dứt khoát phải có một số bên dự thầu, chứ không phải chỉ có một ứng cử viên duy nhất.
Trong (sáng kiến) “Một vành đai- một con đường” có một nội dung - các công trình xây dựng phải sử dụng các chuyên gia Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc như công nghệ đường sắt, công nghệ kỹ thuật thủy điện và các công nghệ khác, cũng như phải sử dụng các hàng hóa công nghiệp Trung Quốc, vật liệu Trung Quốc như sắt, nhôm.
Có nghĩa là dự án phải mang lại công ăn việc làm cho người Trung Quốc và các đơn đặt hàng cho nền công nghiệp Trung Quốc. Những nước nhận đầu tư phàn nàn là hầu như họ chẳng còn nhận được lợi lộc gì đáng kể.
Cũng chính vì lý do đó mà Thái Lan đã quyết định dừng các công việc liên quan đến dự án xây dựng đường sắt cao tốc tại nước này.
Tổng giá trị các dự án (của Trung Quốc) tại Pakistan là 60 tỷ đôla. Vai trò chủ chốt sẽ thuộc về “hành lang” đi qua phía Tây Pakistan mở đường cho hàng hóa Trung Quốc ra Ấn Độ Dương – tại khu vực ven bờ Ấn Độ Dương của Pakistan có thành phố khổng lồ Karachi và một cảng lớn đang được xây dựng là cảng Gwadar như đã nhắc tới ở phần trước.
Mặc dù “hàng lang” nói trên có một ý nghĩa chiến lược quan trọng, nhưng cả Islamabad và Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa thống nhất được với nhau về các điều kiện xây dựng tuyến đường sắt nói trên.
Hãng Reuters đã cho rằng sự trục trặc trên có liên quan với một thực tế - dưới thời Tập Cận Bình Trung Quốc đã bỏ ngoài tai lời giáo huấn của Đặng Tiểu Bình là “Thiên Triều” cần phải xử sự một cách cẩn trọng trên trường quốc tế và không phô trương sức mạnh của mình.
Nhà lãnh đạo hiện nay, ngược lại với Đặng, đã công khai đưa ra yêu sách là Trung Quốc cần phải giữ vị thế là một trong số những cường quốc lãnh đạo thế giới. Dự án Con đường tơ lụa (mới) cho phép (Tập Cận Bình) hiện thực hóa tham vọng này.
Nhưng cũng chính tham vọng đó đã làm cho các nhà lãnh đạo cả Phương Tây lẫn phương Đông ngày càng nghi ngờ Trung Quốc.
Như “NG” (Bình luận quân sự độc lập) đã từng phân tích (bài ngày 29.11.2017), các nước thành viên phía Tây của Liên minh Châu Âu quan ngại trước khả năng các đồng nghiệp của họ ở phía Đông (Châu Âu), trong số đó có Hungary, có thể sẵn sàng mở cửa cho dòng đầu tư từ Trung Quốc mà không tính tới việc những nguồn đầu tư đó có thể sẽ phá hoại một chính sách chung của Khối (Liên minh Châu Âu) trong quan hệ với Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Ngoại giao Đức đã phải phát biểu: “Nếu chúng ta (Châu Âu) không thể xây dựng đươc một chính sách chung duy nhất trong quan hệ với Bắc Kinh, thì Trung Quốc dứt khoát sẽ rất thành công trong việc thực hiện ý đồ chia rẽ Châu Âu”.
Các kế hoạch của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nước Nga như thế nào? Trong cuộc trao đổi với “NG”, Giám đốc Trường Phương Đông học Trường kinh tế cao cấp LB Nga Aleksey Maslov nhận xét rằng: “Về mặt hình thức, Nga không phải là một bộ phận của sáng kiến “Con đường tơ lụa”.
Chúng ta (Nga) hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ phối hợp hành động giữa các dự án của EAES (Liên minh kinh tế Á- Âu- một liên minh kinh tế gồm các quốc gia Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga và Kyrgyzstan- các nước cộng hòa Liên Xô cũ- chính thức hoạt động vào đầu năm 2015 - ND) với dự án “Một vành đai, một con đường”) của Trung Quốc.
Chính vì vậy cho nên các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với nguồn đầu tư vào các nước kết nối trực tiệp với dự án này.
Nga không phải có gì phải từ chối bởi vì không có nguồn đầu tư nào đến Nga trong khuôn khổ dự án này (Một vành đai, một con đường-ND).
Nguồn vốn (vào Nga) đến từ Trung Quốc – đó là các nguồn vốn trong khuôn khổ hợp tác song phương (Nga- Trung-ND). Ví dụ, đó là các dự án tại những khu vực phát triển đi trước (khu vực kinh tế đầu tàu-ND) hoặc là một dự án còn chưa được triển khai – tuyến đường cao tốc Matxcova- Bắc Kinh.
Còn có các dự án khác như “Yamal SPG” (Dự án khai thác, hóa lỏng và cung cấp khí hóa lỏng trên bán đảo Yamal của Nga-ND) và “Artic-2” nữa. Nhưng các dự án này nằm ngoài phạm vi của “Một vành đai- một con đường”.
“Chính vì thế mà Nga không phải đối mặt với một vấn đề nào cả. Đầu tư Trung Quốc không được chấp nhận trong những lĩnh vực chiến lược- nếu như có chuyện như vậy thì dĩ nhiên, chúng ta phải rất cảnh giác.
Còn đối với các nước khác, các mối nguy hiểm đang xuất hiện ngày càng nhiều. Dĩ nhiên, các nước Tây Âu là những nước phải đau đầu hơn cả.
Ngay tại Kazakhstan (trên “Con đường tơ lụa”-ND) , các ý kiến đòi phải cảnh giác (với Trung Quốc) cũng đã ngày càng phổ biến hơn”.
Lê Hùng-Nguyễn Hoàng (dịch)
Theo Baodatviet.vn