tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Campuchia trong cuộc cạnh tranh Trung - Nhật

  • Cập nhật : 10/04/2018

Với tiềm lực và sự tinh tế, Nhật Bản tiếp tục thể hiện vị thế một đối thủ cứng cựa của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh địa chính trị. Sau châu Phi là Đông Nam Á, là Campuchia...

ngoai truong nhat ban taro kono (trai) va bo truong ngoai giao campuchia prak sokhonn ky thoa thuan vien tro - cho vay tai phnom penh ngay 8-4 - anh: reuters

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn ký thỏa thuận viện trợ - cho vay tại Phnom Penh ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

Nhật Bản hôm 8-4 ký một thỏa thuận viện trợ trị giá 90 triệu USD. Động thái này được cho là đi ngược lại với những lo ngại trong cộng đồng quốc tế về tính minh bạch của cuộc tổng tuyển cử Campuchia vào tháng 7 tới, theo Reuters.

Lời cam kết

Việc giải thể đảng đối lập Cứu nguy dân tộc hồi tháng 11-2017 khiến Campuchia bị cắt viện trợ và cấm nhập cảnh đối với một số đảng viên cầm quyền. Cuối tháng 2 qua, Mỹ cắt một số khoản viện trợ cho Campuchia. Tương tự, Liên minh châu Âu cũng cắt tài trợ cho cuộc bầu cử Campuchia và dọa sẽ có những "biện pháp cụ thể" để buộc Phnom Penh điều chỉnh sau các cáo buộc như trên.

Giữa lúc này, sự xuất hiện của Nhật Bản dường như rất kịp thời. Hôm 8-4, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn ký hai thỏa thuận. Theo đó, Nhật tài trợ 4,6 triệu USD cho việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế và xã hội, và thêm 86 triệu USD tiền vay cho các dự án chuyển đổi kinh tế và năng lượng điện tại Phnom Penh.

Các nhóm hoạt động nhân quyền của phe đối lập Campuchia từng kêu gọi Nhật Bản cứng rắn với Thủ tướng Hun Sen, nhưng Tokyo cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc bầu cử, và đặc biệt không can thiệp vào những yếu tố gọi là "tình hình nội bộ của Campuchia".

Khi được hỏi về cáo buộc ông Hun Sen triệt hạ đối thủ, người phát ngôn văn phòng Ngoại trưởng Kono, ông Norio Maruyama, thuật lại lời ông Kono như sau: "Mọi người đều có suy nghĩ riêng về thế nào gọi là tự do và công bằng. Tự do là tự do, công bằng là công bằng, nhưng chúng tôi không muốn đi vào triết lý xem cái gì là tự do và cái gì là công bằng. Đó sẽ chỉ là cuộc tranh cãi không hồi kết. Nhưng chúng tôi sẽ không bình luận về điều này".

Trong khi Nhật Bản, một người bạn, đang cung cấp sự hỗ trợ cho Campuchia, thì một số người xấu có thể bôi bẩn tin tức ấy nhiều nhất có thể

Thủ tướng Campuchia Hun Sen viết trên Facebook

Cạnh tranh sòng phẳng

Phân tích của Ngoại trưởng Kono về quan điểm của Nhật Bản đối với vấn đề Campuchia phản ánh sự linh hoạt của Tokyo trong chính sách đối ngoại. Không phải đến bây giờ Nhật Bản mới thể hiện sự quan tâm tới địa chính trị khu vực và quốc tế. Và có thể nói, người Nhật hiện nay không che giấu tham vọng tạo lập ảnh hưởng rộng hơn, bên cạnh đó là sự cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc.

Khi đề cập đến Campuchia, Trung Quốc nổi lên như một quốc gia gắn bó và ảnh hưởng sâu sắc. Nhưng Nhật Bản vẫn nhìn thấy cơ hội để gia tăng sức ảnh hưởng lên Campuchia, theo lời giáo sư Shin Kawashima ở Đại học Tokyo viết trên The Diplomat. Ông cho rằng so với Mỹ, Nhật Bản có thái độ linh hoạt hơn đối với Campuchia, và tiếp tục thúc đẩy quan hệ với chính quyền Campuchia thông qua hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Giữa lúc quan hệ Campuchia - Trung Quốc gắn kết, Nhật Bản vẫn tìm thấy phương án tạo lập ảnh hưởng.

Chheang Vannarith, đồng sáng lập và phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia, năm 2009 cho rằng quan hệ Trung Quốc - Campuchia dính dáng nhờ chính trị nhiều, còn Nhật Bản - Campuchia thì rộng hơn, và Tokyo không có lợi ích chính trị nhiều ở Phnom Penh. Nhưng trong bài viết xuất bản ngày 9-4 vừa rồi, ông Vannarith khẳng định Nhật Bản "thực dụng" hơn và ôm tham vọng lớn hơn. Điển hình là việc Nhật Bản sắp tổ chức Hội nghị Mekong - Nhật Bản năm nay với nhiều mối quan tâm rộng hơn là cố cài lợi ích chính trị lên đầu. Ngoài ra, tầm nhìn về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nhật còn được cho là gần gũi và thực tế hơn so với Mỹ, thậm chí người Nhật không ngại phối hợp với Trung Quốc để cùng hiện thực hóa các sáng kiến của mình.

Đối trọng

Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia Chheang Vannarith nhận định Nhật Bản muốn lấy chiến lược "Châu Á - Thái Bình Dương tự do và mở cửa" của mình để làm đối trọng với "Vành đai và con đường" của Trung Quốc, lấy Mekong - Nhật Bản để so kè cùng Hợp tác Mekong - Lan Thương của Trung Quốc. Nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017 từng cho rằng Campuchia là điển hình cho sự thành công của Trung Quốc trong việc thiết lập quan hệ quốc tế dựa trên sức mạnh kinh tế, thì Nhật Bản cũng muốn lấy Campuchia làm nền tảng cho những thử nghiệm thời kỳ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

 

Nhật Đăng
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục