Sáng sớm ngày 08/04/2017 (giờ Bắc Kinh), ngay sau khi cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc,Thời báo Hoàn cầu đã nhanh chóng công bố bài xã luận dưới tiêu đề Hội đàm Tập Cận Bình – Trump tiếp thêm động lực cho mối quan hệ phức tạp Trung – Mỹ.
Biến đổi khí hậu – mối nguy đối với kinh tế nhiều nước
- Cập nhật : 03/04/2017
Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đang có xu hướng gây nhiều thiệt hại cho một loạt quốc gia, nhất là các nước ven biển. Vì vậy, việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các giải pháp ứng phó đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với nhiều nước.
Hiện trạng báo động
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhiệt độ trung bình toàn cầu trên khắp bề mặt đất trong tháng 11/2016 đã tăng 0,95 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Năm 2016 là năm ấm nhất trong vòng 136 năm kể từ khi dữ liệu được ghi nhận.
Trong khi đó, thỏa thuận khí hậu Paris mà 197 nước tham gia đã được ký để chống lại biến đổi khí hậu nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 2 độ C so với trước song điều này vẫn là chưa đủ.
Theo các chuyên gia, để giảm nhẹ những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lớn, các nước cần tăng cường thực hiện những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Các quỹ tài chính công vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết và điều quan trọng là hiểu rõ và điều phối nguồn lực từ khu vực tư nhân, nhất là tạo lập các quỹ tài chính.
Chỉ số rủi ro thời tiết toàn cầu (CRI) phân tích mức độ các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi thiệt hại liên quan đến thời tiết, bao gồm bão lớn, lũ lụt và các đợt nắng nóng. Theo số liệu thống kê trong thời gian 1996-2015, Trung Quốc đã thiệt hại 32,8 tỷ USD do thiên tai, tiếp theo là Ấn Độ với 11,3 tỷ USD.
Trong khi đó, mức thiệt hại của Thái Lan là 7,6 tỷ USD, tương đương 1% GDP, cao hơn nhiều so với Philippines (2,8 tỷ USD), Nhật Bản (2,4 tỷ USD), Bangladesh (2,3 tỷ USD), Việt Nam (2,1 tỷ USD), Indonesia (1,9 tỷ USD), Myanmar (1,4 tỷ USD) và Hàn Quốc (1,1 tỷ USD).
Thiên tai gây hạn hán và lũ lụt, tác động đến sản xuất nông nghiệp, các kỳ quan thiên nhiên trở nên kém hấp dẫn, bờ biển bị xói lở và cơ sở hạ tầng hư hại.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới môi trường, sản xuất, sức khỏe con người..., nên việc nghiên cứu các giải pháp thích ứng có ý nghĩa cấp thiết. Trong lúc một số nước phải đối mặt với hạn hán và những nước khác phải đối mặt với lũ lụt vì thế nên không thể có giải pháp chung có thể áp dụng trên toàn cầu.
Theo ước tính của WB, các nước đang phát triển cần khoảng 70-100 tỷ USD/năm đến năm 2050 để đáp ứng các nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai. Năm 2011, các nước đang phát triển chi tiêu tổng cộng 4,4 tỷ USD cho hoạt động này và các nhà nghiên cứu đang kêu gọi thu hút sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân.
Tăng cường ứng phó
Mới đây, theo báo cáo “Quay lại quỹ đạo: Phục hồi tăng trưởng và Đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả”, tình trạng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường đang làm Thái Lan dễ bị tổn thương vì các thảm họa tự nhiên.
Báo cáo trên, do văn phòng Đông Nam Á của WB đặt tại Bangkok (Thái Lan) đưa ra, cho hay mức độ suy kiệt của các nguồn lực tự nhiên của Thái Lan cũng đang tăng trong thập niên qua, với mức thiệt hại tăng lên tương đương 4,4% GDP. Con số này bằng với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gấp đôi con số của năm 2002 và gấp ba so với 1980.
Báo cáo kể trên cũng dẫn ra ví dụ là trận lụt lịch sử năm 2011 tại thủ đô Bangkok đã gây thiệt hại 46,5 tỷ USD, phá hủy hàng chục nghìn căn nhà và khiến cuộc sống của khoảng 2,5 triệu người bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu dự báo sẽ gây ra tình trạng ngập lụt thường xuyên hơn ở Thái Lan, với nhiều khu vực đồng bằng thấp trũng bị đe dọa.
Nạn phá rừng, việc hoạch định các công trình hạ tầng không hợp lý cũng sẽ làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của nguy cơ lũ lụt, trong khi nạn nước mặn xâm nhập các khu vực ven biển cũng đe dọa sản xuất nông nghiệp của đất nước này.
Sản xuất nông nghiệp, đang đóng góp khoảng 11% GDP và thu hút 70% lực lượng lao động của Thái Lan, bị thiệt hại hàng năm do lũ lụt và hạn hán. Những thiệt hại hay sự gián đoạn về mùa màng và sinh kế sẽ tác động tới tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế.
WB kêu gọi Thái Lan kiểm soát tốt hơn việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên trong phát triển kinh tế, tăng cường năng lực thể chế của khu vực công để thực hiện cải cách, tạo ra thêm nhiều việc việc làm chất lượng cao hơn.
Ngoài ra cần hỗ trợ hàng triệu người thuộc nhóm 40% những người có thu nhập thấp của nước này nhằm có thể đạt được sự tăng trưởng mang lại lợi ích cho tất cả tầng lớp trong xã hội.
Các kịch bản về thời tiết tương lai cho thấy xu hướng nhiệt độ tăng và số ngày nóng cũng tăng, gây rủi ro cho sản xuất các nông sản chính của Thái Lan là gạo, mía đường và ngô. Theo số liệu thống kê của Cục Khí tượng Thái Lan, trong giai đoạn 1981-2007, nhiệt độ trung bình của quốc gia Đông Nam Á này đã tăng thêm 1 độ C, trong khi lượng mưa cũng giảm trong 50 năm qua, làm tăng nguy cơ hạn hán ở nhiều vùng khác của nước này.
Tóm lại, tình hình biến đổi khí hậu hiện rất đáng báo động và nếu không nhận được sự quan tâm phù hợp và kịp thời thì tình hình có thể diễn biến tiêu cực hơn. Các chuyên gia quốc tế nhận định xu thế nhiệt độ gia tăng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới với mức độ ngày càng đáng lo ngại hơn.
TTXVN/Tin Tức