Việc 12 nước đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp Tổng thống Mỹ củng cố cam kết từng đưa ra trước đây là xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.
Doanh nghiệp 'xác sống' đang ăn mòn kinh tế châu Á
- Cập nhật : 05/04/2017
Bài viết dưới đây là nhận định của nhà báo Michael Schuman thuộc chuyên mục Bloomberg View về việc châu Á liên tục giải cứu các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất bại.
Bất kỳ người hâm mộ phim kinh dị nào cũng biết zombie, hay xác sống. Nếu bạn cố gắng đưa chúng về thế giới của người sống, chúng sẽ quay lại hại bạn.
Rõ ràng, giới hoạch định chính sách dường như không xem nhiều loại phim này. Lo ngại về các đợt sa thải và nợ tăng cao, chính phủ và ngân hàng trên khắp châu Á tiếp tục tung tài trợ tài chính rẻ và nhiều biện pháp hỗ trợ khác để giữ cho các công ty làm ăn thất bại, hay còn gọi là doanh nghiệp “xác sống”, không chết. Họ kỳ vọng những doanh nghiệp này một lần nữa ăn nên làm ra một cách bền vững nếu tăng trưởng phục hồi. Song thực tế, doanh nghiệp loại này đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu, làm lãng phí tài nguyên, giảm năng suất lao động, và từ đó đi ngược lại kịch bản phục hồi mà nhiều người cho rằng sẽ là yếu tố cứu công ty.
Hãy nhìn vào những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc với công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering đang gặp khó. Hôm 23.3, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hàn Quốc, hai nhà băng nhà nước, đồng ý cho hãng đóng tàu trên vay 2,6 tỉ USD và hoán đổi nợ để tránh cảnh vỡ nợ. KDB cho hay nếu Daewoo phá sản, “mất mát đối với nền kinh tế là rất lớn vì toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu có thể sụp đổ và nhiều tổ chức tài chính có thể đối mặt nguy cơ thiệt hại thêm”.
Đúng là Daewoo đang chịu cảnh suy giảm cực lớn trong toàn ngành công nghiệp đóng tàu, bị ảnh hưởng nặng bởi chuyện thương mại và tăng trưởng toàn cầu suy yếu. Năm ngoái một công ty lớn khác trong ngành là Hanjin Shipping phá sản. Các chủ nợ của Daewoo có lẽ đang hi vọng một khoản cứu trợ có thể duy trì sự sống cho doanh nghiệp đến khi điều kiện thị trường cải thiện.
Tuy vậy, đây mới là kịch bản quen thuộc. Daewoo Shipbuilding nhận khoản cứu trợ cách đây chưa đầy hai năm. Công ty từng bắt đầu với tư cách một doanh nghiệp có nhiều xưởng đóng tàu kẹt tiền và chưa hoàn thiện song được chính phủ miễn cưỡng lập thành tập đoàn doanh nghiệp Daewoo năm 1978. Sau đó, tập đoàn Daewoo sụp đổ sau khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990, Daewoo Shipbuilding được kéo khỏi đống đổ nát, tách ra thành doanh nghiệp độc lập vào năm 2000, chờ đợi khoản hoán đổi nợ khác.
Chắc chắn, việc để một doanh nghiệp như Daewoo phải phá sản sẽ để lại ảnh hưởng lớn: nhiều công nhân có thể bị sa thải, các ngân hàng gánh thêm nợ xấu. Song việc giữ “xác sống” tiếp tục thở đòi hỏi chi phí còn lớn hơn. Nghiên cứu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hồi tháng 1 cho hay doanh nghiệp “xác sống” là công ty cũ kỹ, gặp khó trong việc trả lãi nợ, góp phần làm chậm tăng trưởng năng suất và kìm hãm tăng trưởng ở các nước phát triển.
Doanh nghiệp xác sống cướp mất cơ hội mở rộng của các công ty khỏe mạnh, tạo rào cản bước vào thị trường với các hãng nhỏ. Đây là yếu tố làm giảm đầu tư. Ở các nước OECD, giai đoạn doanh nghiệp xác sống tăng mạnh trước khủng hoảng tài chính năm 2008 tương đương với mức giảm tích lũy 2% trong đầu tư và 0,7% trong tuyển dụng. Trong bối cảnh tăng trưởng ì ạch và tình hình thất nghiệp chưa giảm mạnh hậu khủng hoảng tài chính, chuyện bỏ lỡ cơ hội tạo ra việc làm mới và khuyến khích đầu tư chắc chắn có tác động lớn.
Tuy vậy, giới hoạch định chính sách vẫn tin rằng họ có thể thách thức thị trường. Tại Trung Quốc, các quan chức hàng đầu nhiều lần thất hứa trong việc thanh lọc doanh nghiệp “xác sống” ở các ngành có công suất dư thừa và nợ cao. Với ngành thép, một trong những ngành kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, năng suất hoạt động thực sự có tăng vào năm ngoái. Dù số vụ phá sản đi lên, số doanh nghiệp ốm yếu nhưng còn tồn tại vẫn lớn. He Fan, nhà kinh tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, mới đây ước tính rằng khoảng 10% doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán ở Đại lục “đạt chuẩn” công ty “xác sống”. Song đây vẫn là con số đánh giá thấp mức độ của vấn đề.
Bằng cách lãng phí tiền vào các doanh nghiệp đang “hấp hối”, cộng vào khoản nợ khổng lồ trong khu vực doanh nghiệp, giới chức Đại lục cứu công ăn việc làm ngày hôm nay bằng cách hi sinh tăng trưởng, công ăn việc làm và sự đổi mới nền kinh tế sẽ cần trong tương lai. “Các doanh nghiệp “xác sống” đang kìm hãm sức phục hồi kinh tế ở Trung Quốc. Sự tồn tại của họ ngăn cản chuyện tái phân bổ nhiều nguồn lực đến các ngành hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra một sân chơi không công bằng”.
Có nhiều bài học cho kinh tế Mỹ ở châu Á. Trong nỗ lực vực dậy ngành sản xuất Mỹ, Tổng thống Donald Trump cần cẩn trọng, không sử dụng sức ép chính phủ lớn để lật ngược quyết định của thị trường, đơn cử như việc áp đặt thuế quan cao hoặc thuế để chống lại lợi thế chi phí của các sản phẩm nhập khẩu. Các nhà máy sống được dưới biện pháp bảo hộ như thế không nhất thiết là doanh nghiệp “xác sống”, nhưng họ cũng sẽ để lại tác động tương đương lên nền kinh tế. Bằng cách ngăn chặn việc sản xuất, gia công ở nước ngoài, ông Trump có thể giữ được công ăn việc làm nhưng với cái giá là gánh nặng lên người tiêu dùng (vì giá thành sản phẩm cao hơn) và gánh nặng lên cổ đông doanh nghiệp (vì lợi nhuận công ty giảm). Như trong phim kinh dị, thây ma chỉ tạo ra thêm zombie mà thôi.
Thu Thảo
Theo Thanhnien.vn