Bí ẩn về lãnh đạo Mullah Omar của Taliban cho đến nay vẫn được nhắc đến vì nó mang giá trị chính trị đối với tất cả các bên trong cuộc xung đột Afghanistan, trong đó có Hoa Kỳ.
Bắc Kinh chơi dao 2 lưỡi
- Cập nhật : 18/08/2015
(Tai chinh)
Trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Mỹ vào tháng tới, Bắc Kinh đột nhiên khơi lại sự chú ý đối với một vấn đề vốn nằm trong “tầm ngắm” của quốc tế: giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT).
Đồng nội tệ đang là công cụ quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao và đầu tư cũng như là một phần không thể thiếu trong những nỗ lực hỗ trợ kinh tế nước này.
Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phá giá đồng NDT 3 ngày liên tiếp trong tuần này mang lại không ít rủi ro chính trị cho chuyến đi trên, nhất là khi danh sách bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh dày hơn bao giờ hết, từ biển Đông cho đến tấn công mạng.
Giới chính khách Mỹ nay càng có thêm lý do để công kích Trung Quốc thao túng tiền tệ nhằm chiếm lợi thế trong cuộc cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt. Họ cho rằng NDT lâu nay cố tình bị định giá thấp khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc.
Dù PBOC tuyên bố phá giá NDT nằm trong chuỗi cải cách nhằm để thị trường đóng vai trò nhiều hơn trong việc xác định tỉ giá hối đoái nhưng có thể thấy tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm mới là chuyện khiến Bắc Kinh bận tâm hơn cả lúc này.
Giới phân tích cho rằng đồng NDT suy yếu sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu và tạo công ăn việc làm trong nước. Ngoài ra, một số chuyên gia còn nói đến động cơ chính trị bởi sự kiểm soát chặt chẽ đồng nội tệ là nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưỡng lự trước việc đưa NDT vào rổ đồng tiền dự trữ của thế giới.
“IMF đang xem xét đưa đồng NDT vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Cho phép các tác nhân thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc xác định tỉ giá hối đoái rõ ràng là sẽ có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề này” - ông Christian de Guzman, chuyên gia phân tích từ hãng đánh giá tín dụng Moody’s, nói với đài BBC.
Tuy nhiên, báo The New York Times chỉ ra bước đi trên có thể là con dao 2 lưỡi. Đối với kinh tế trong nước, tác dụng phụ của phá giá là làm gia tăng cả lạm phát lẫn gánh nặng nợ của nhiều công ty Trung Quốc đang mắc nợ bằng đồng USD.
Trong khi đó, dù IMF hồi tháng 5 không còn nhận định NDT bị định giá thấp nhưng vẫn cho rằng Trung Quốc cần thêm thời gian để chuẩn bị cho việc mở rộng vai trò của đồng nội tệ. Tổ chức này đặc biệt muốn thấy thêm bằng chứng NDT đang được sử dụng nhiều bên ngoài Trung Quốc.
Trước đợt phá giá gây sốc nói trên, các ngân hàng trung ương nước ngoài và nhà đầu tư trái phiếu tỏ ra quan tâm hơn đến loại tài sản được định giá bằng NDT, nhất là khi có đánh giá NDT sẽ tiếp tục tăng giá so với USD. Vì thế, sức hút của đồng NDT bị phá giá có thể giảm sút trong cộng đồng quốc tế.
Tình thế tiền tệ hiện nay khiến Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực cân bằng giữa nhu cầu ở trong và ngoài nước. Những tháng sắp tới sẽ cho thấy giới lãnh đạo nước này tập trung nhiều hơn vào cải cách tỉ giá hoặc cải thiện kinh tế.
Bà Diana Choyleva, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn Lombard Street Research (Anh), dự báo sẽ có thêm những lần giảm giá NDT trong thời gian tới nếu Bắc Kinh giữ cam kết tăng cường vai trò của thị trường đối với tỉ giá hối đoái.