Trái với điều nhiều người nghĩ, Trung Quốc giờ không còn là nơi sản xuất giá rẻ như trước. Chi phí đi lên buộc các nhà sản xuất phải tìm cách di chuyển nhà máy đến những nước khác.
Những con sóng ngầm ở Bắc Đới Hà
- Cập nhật : 19/08/2015
(The gioi)
Những vấn đề của kinh tế Trung Quốc dường như chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm
Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kỳ nghỉ hè hàng năm đều giống nhau. Đến hẹn lại lên, vào giữa mùa hè họ sẽ rời thủ đô nóng bức ngột ngạt để tụ họp ở các biệt thự bên bờ biển trong khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà – nơi được coi là không có gì hấp dẫn ngoại trừ những du khách Trung Quốc không đủ tiền để đi nghỉ ở nơi đắt tiền hơn và những người Nga từ Siberia yêu thích bất cứ nơi nào có nắng vàng và cát trắng. Cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông đã đem đến vẻ truyền thống choBắc Đới Hà. Thậm chí ông đã viết một bài thơ về nơi này.
Mùa hè này Chủ tịch Tập Cận Bình và Chính phủ của ông cũng được cho là đã có cuộc họp ở Bắc Đới Hà, đi theo truyền thống kết hợp giữa một chút nghỉ ngơi thư giãn với bàn bạc chuyện quốc gia đại sự. Họ sẽ bí mật bàn về chiến lược phát triển cho năm tiếp theo.
Trung Quốc đã thay đổi như thế nào kể từ khi ông Tập lên nắm quyền cách đây 3 năm? Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hướng tới năm tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm. Thị trường chứng khoán vỡ vụn trong 1 năm sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Từng được ca ngợi là một “phép màu kinh tế”, Trung Quốc giờ đây là một nguồn gây bất ổn. Đợt phá giá đồng nhân dân tệ vừa qua khiến thị trường tài chính quốc tế chao đảo (dù chỉ ngắn hạn), trong khi đợt lao dốc gần đây của thị trường hàng hóa được cho là do sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Tập thích miêu tả tăng trưởng giảm tốc là “ngưỡng bình thường mới”. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy đất nước này giảm phụ thuộc vào các khoản đầu tư dựa vào tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận bắt đầu nổi lên trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc. Câu hỏi là làm sao để giữ được tốc độ tăng trưởng đủ nhanh để có thể ngăn chặn tình trạng căng thẳng tài chính. Một năm sau khi lên làm Chủ tịch, Tập Cận Bình đã hứa hẹn sẽ để các lực đẩy thị trường đóng vai trò quyết định đối với nền kinh tế. Tuy nhiên sự can thiệp sâu của Chính phủ nhằm đẩy tăng giá cổ phiếu đã tạo nên những hoài nghi về lời hứa trước đây.
Trong những cuộc thảo luận ở Bắc Đới Hà, một số quan chức Trung Quốc sẽ không ngần ngại cho rằng TTCK là bằng chứng về những điều tồi tệ sẽ xảy ra khi thị trường diễn biến hoàn toàn tự do. Ngược lại, một số vẫn sẽ cho rằng Trung Quốc rất cần cải cáh để tránh “thảm họa” giảm phát như Nhật Bản.
Tất cả sẽ phụ thuộc vào những bước đi của ông Tập. Trong các cuộc họp ở Bắc Đới Hà năm 1988, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã bị phản đối rất quyết liệt khi ông đưa ra các cải cách kinh tế, theo sau đó là những bất ổn trong xã hội Trung Quốc. Phải đến năm 1992 ông mới có thể quay trở lại thực hiện cải cách.
Có lẽ tình hình sẽ không căng thẳng như những năm cuối của thế kỷ trước, nhưng có rất nhiều “cơn sóng ngầm” đang đe dọa sự ổn định kinh tế xã hội Trung Quốc. Ông Tập là một nhà lãnh đạo có phong cách rất khác với những người tiền nhiệm. Ông đã “viết lại” luật lệ trên chính trường Trung Quốc khi gần như tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị đều đứng về phía ông. “Đả hổ diệt ruồi” là chiến dịch chống tham nhũng có quy mô và mức độ lớn chưa từng thấy. Quan chức mới nhất “ngã ngựa” là Quách Bá Hùng – người từng là quan chức cấp cao nhất trong lực lượng quân đội. Tướng Quách bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 30/7 và đang bị điều tra. Hơn một chục tướng khác cùng với hơn 50 quan chức cấp bộ và hàng trăm nghìn cán bộ cấp thấp hơn đã chịu chung số phận.
Không có bất cứ thông báo chính thức nào về những gì đã được thảo luận bên bờ biển ở Bắc Đới Hà. Trong khi đó các số liệu kinh tế mới được công bố (dù bị phương Tây cho là không đáng tin cậy) đều cho thấy tăng trưởng đang chững lại. Những động thái mới của Trung Quốc cũng không được thế giới hoàn toàn chào đón trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy kéo theo nhiều vấn đề phức tạp. Những người lo lắng về sự phát triển của Trung Quốc nên giảm sự tập trung vào thị trường chứng khoán (vốn ít phản ánh chính xác về thể trạng kinh tế Trung Quốc) để tập trung hơn vào bức tranh chính trị của nước này.