Brazil và Nga suy thoái sâu. Trung Quốc cố ngân giảm tốc. Ấn Độ đang chật vật...
Ai quân sự hóa Biển Đông?
- Cập nhật : 04/08/2015
(Bien Dong)
Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ “quân sự hóa” Biển Đông trong khi các nước lên tiếng phản đối hành vi xây đảo của Bắc Kinh tại biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố: “Mỹ đã cố tình không tôn trọng và xuyên tạc sự thật, cũng như thổi phồng mối đe dọa về quân sự của Trung Quốc nhằm gây bất hòa giữa Trung Quốc và những nước láng giềng ở Biển Đông. Chúng tôi cực lực lên án hành vi này. Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành vi quân sự hóa của Mỹ ở Biển Đông. Những hành vi này của Mỹ sẽ khiến các nước buộc phải nghi ngờ có phải Mỹ chỉ muốn gây ra hỗn loạn trong khu vực?”.
Gác qua một bên những tranh cãi suốt giữa những người phát ngôn của hai bên trong cuộc khẩu chiến hiện nay, sẽ vẫn thấy sự thật về sự quân sự hóa Biển Đông rõ như ban ngày.
Từ những bãi đá yên bình trước tháng 3-1988 như Gạc Ma, Châu Viên…, nay đã trở thành những đảo nhân tạo với các đường băng máy bay, cầu cảng, đài rađa… như là những tiền đồn mới của hạm đội Nam Hải.
Không nghi ngờ gì về cơ sở hạ tầng này vốn cần thiết cho việc thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) mới nữa, tiếp theo ADIZ trên biển Hoa Đông mà mới đây Trung Quốc đã nhắc nhở lại sự tồn tại bằng cách “chặn xét” một máy bay hàng không dân dụng của Lào…
Không chỉ các nước trong khu vực Đông Nam Á bày tỏ quan ngại, phản đối ý đồ này, mà cả những nước xa hơn như Úc. Nữ Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã cảnh báo Bắc Kinh không được tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông.
Phát biểu tại Viện Lowy ở Sydney, bà Bishop khẳng định Úc đã đúng đắn khi bày tỏ các quan ngại về ADIZ và sẽ tiếp tục làm vậy bất kể nguy cơ bị ảnh hưởng về mặt kinh tế khi cứng rắn với Trung Quốc. Các ngoại trưởng nhóm quốc gia G7 cũng từng bày tỏ quan ngại về sự mất an ninh trên Biển Đông.
Gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong một bài viết đăng trên trang điện tử của tạp chí Time hôm 24-7, đã phân tích thái độ và hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông: “Nếu họ cố đẩy quá mạnh sẽ có một phản lực tác động trở lại… Về lâu dài, sự thống trị dựa trên sức mạnh như thế sẽ không thể là nền tảng tốt, đủ chắc để gây ảnh hưởng lên nước khác”.
Theo ông Lý, Bắc Kinh không cần phải chứng minh “sức mạnh cơ bắp” và chèn ép những nước nhỏ hơn.
Các nhắn gửi của thủ tướng Singapore trên báo Time được đưa ra ngay trước thềm các hội nghị của ASEAN tuần tới, nhất là Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) là quá rõ để phản ánh quan điểm của Singapore, mà theo lời thủ tướng nước này: “Singapore không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng lại quan tâm đến khu vực này, ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như đề cao việc giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế và Luật biển UNCLOS”. Không khó hiểu để từ đó nhìn ra ai đang quân sự hóa Biển Đông!
Mới đây nhất hôm 30-7, tại hội đàm và phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây; nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, đề nghị các bên liên quan thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đây là một nhắc nhở không thừa ngay sau cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 9 tại Thiên Tân, vốn mỗi năm họp hai kỳ mà nay vẫn chưa đi vào được phần nhập đề của bản nháp COC!
Chừng ấy năm tháng vẫn giẫm chân tại chỗ trước một COC có ý nghĩa buộc các bên tuân thủ, song chỉ cần 1/3 thời gian đó là đủ để biến các bãi chìm thành tiền đồn! Tranh thủ quân sự hóa Biển Đông nhanh như thế là cùng! Để khi không còn Biển Đông công cộng nào nữa mà chỉ còn một biển “Hoa Nam”, lúc đó cần gì một COC nào nữa!
Trung Quốc tiếp tục tập trận từ ngày 1-8
Vừa chấm dứt cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông tại khu vực bao trùm các đảo, đá thuộc phía đông bắc Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại loan báo tập trận kéo dài tám ngày kể từ 1-8 cũng tại Biển Đông. Theo trang Duowei News, cuộc tập trận sẽ có sự tham dự của tàu hộ vệ tên lửa và tàu khu trục.
Điều này rõ ràng đi ngược lại tuyên bố tại họp báo trước đó một ngày của ông Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Tại họp báo, ông Dương quy kết Mỹ đã gây “quân sự hóa” Biển Đông bằng việc tăng cường tuần tra và tổ chức tập trận với các nước trong khu vực.
Trước cáo buộc của phía Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phản ứng rằng chính Mỹ đã đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế trong khu vực. Trung tá William Urban, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết: “Chúng tôi đã giúp duy trì một chế độ hàng hải dựa trên luật lệ với các biện pháp bảo vệ an toàn cho mọi quốc gia về tự do hàng hải và hàng không trên biển”.