Hai xu thế chủ đạo của ngành logistics trong giai đoạn 2018 - 2019 bao gồm bùng nổ logistics trong thương mại điện tử - bán lẻ; ngoài ra chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỉ USD.
Da giày Việt Nam tăng áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
- Cập nhật : 10/07/2018
Trong vòng 6 tháng nữa, ngành da giày Việt Nam sẽ đứng trước áp lực gia tăng nguồn cung trong bối cảnh các nhà mua hàng bắt buộc ngày một chuyển hướng mạnh mẽ nhu cầu đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm "né" thuế.
Cùng với dệt may, ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ rơi vào "tầm ngắm" ảnh hưởng trong thời gian tới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi hơn 70% nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu mà Trung Quốc chiếm tỉ trọng không hề nhỏ.
Từ từ mới ngấm
Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, ít nhất trong vòng 6 tháng tới, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới tác động rõ lên ngành xuất khẩu da giày của Việt Nam, "nếu Mỹ tiếp tục ra đòn đánh thuế với các nhóm hàng mới xuất khẩu từ Trung Quốc".
Theo ông Kiệt, với nhóm hàng đánh thuế tạm gọi là đợt đầu từ Trung Quốc lên đến gần 800 mặt hàng, xét về tổng quan, vẫn chưa ảnh hưởng gì nhiều đến da giày xuất khẩu trong nước bởi các mặt hàng nói trên chủ yếu rơi vào nhóm công nghệ kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, nếu sau giai đoạn tấn công "thăm dò", khả năng đợt áp thuế thứ hai của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu "liên lụy" sang các nhóm ngành hàng khác, trong đó sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày hơn như giày dép, quần áo, đồ dùng gia dụng bằng vật liệu nhựa…
"Với ngành da giày, các doanh nghiệp trong nước chắc chắn sẽ nhận đơn hàng tăng đột biến từ các nhà đặt hàng vốn muốn tránh đặt ở Trung Quốc hòng tránh bị áp thuế cao trong thời gian tới.
Còn cách đây ba năm, ngành da giày trong nước đã đón làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài sang đặt nhà máy tại Việt Nam sản xuất vì chính các nhà đặt hàng không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc, một phần cũng nhằm tránh tình trạng bị ăn cắp, sao chép mẫu mã tràn lan tại quốc gia này", ông Kiệt thông tin.
Ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động rất lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nếu không có sự chuẩn bị đối phó ngay từ bây giờ - Ảnh: T.V.N
Cấp tập ngăn ngừa bị kiện phòng vệ thương mại
Trong khi đó, một trong những khả năng có thể sớm hình thành trong thời gian tới là việc gia tăng nguồn cung sản phẩm từ Việt Nam do các nhà mua hàng chuyển hướng đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày một thấy rõ.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia trực thuộc Lefaso, nếu không kiểm soát chặt chẽ nguồn cung trong hạn mức cho phép, ngành xuất khẩu da giày Việt Nam sẽ bị "vạ lây" trong các vụ kiện phòng vệ thương mại do chính Mỹ khởi xướng điều tra, như một cách mà Mỹ "đánh chặn" sản phẩm da giày từ Trung Quốc một cách gián tiếp vào Việt Nam có chủ đích.
Chính vì vậy, không chỉ kiểm soát chặt nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào ngành da giày trong thời gian tới, không ít doanh nghiệp kiến nghị Chinh phủ rà soát chặt các nhà máy có đăng ký vốn của Trung Quốc trong lĩnh vực da giày xem họ có thực sự sản xuất từ A-Z hay không.
Điều này nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt nhập bán thành phẩm sản phẩm da giày (thực chất đã là sản phẩm hoàn chỉnh –PV), nhưng sau đó chỉ tiến hàng làm một vài công đoạn sơ sài rồi hợp thức hóa nguồn gốc xuất xứ để xuất đi từ Việt Nam là vô cùng nguy hiểm.
"Ngành da giày Việt Nam đã từng đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm giày của Liên minh Châu Âu (EU) khi EU cho rằng mặt hàng này đã có sự gia tăng xuất khẩu đột biến sau khi Trung Quốc bị EU áp thuế chống bán phá giá. Khả năng này hoàn toàn có thể lập lại với ngành da giày Việt Nam đối với thị trường Mỹ, nếu chúng ta không chủ động ngăn ngừa từ bây giờ", ông Kiệt cảnh báo.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 18,1 tỉ USD của năm 2017.
Năm 2018, Lefaso dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sang Mỹ tăng tỉ trọng lên 40%, với kim ngạch mang về ước xấp xỉ 8 tỉ USD cho riêng thị trường này trong tổng mục tiêu 19,5 tỉ USD của năm 2018.
Trần Vũ NGhi
Theo Tuoitre.vn