Ông Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết tại cuộc họp ở Hàn Quốc, cơ quan này dự kiến các thị trường dầu đạt tái cân bằng cung cầu trong năm 2017 do dư thừa dầu thô hiện nay giảm từ từ.
Nợ tại các thị trường mới nổi: “Bom tấn USD”
- Cập nhật : 19/03/2016
(Tin kinh te)
Những khoản nợ USD tăng lên sẽ rất lớn đối với nhiều công ty tại các nước mới nổi.
Giá dầu đã tăng lên một chút nhưng các nhà sản xuất vẫn chưa kịp phục hồi từ đà sụt giảm giá dầu thô quá mạnh vào năm ngoái. Pemex, công ty dầu khí quốc doanh của Mexico, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Công ty dầu khí quốc doanh của Malaysia đang sa thải hàng loạt công nhân vì doanh thu sụt giảm.
Công ty dầu khí khổng lồ của Brazil là Petrobras gần đây đã phải vay 10 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc để trả trái phiếu đáo hạn... Tình hình ấy cho thấy gánh nặng nợ nần bi đát của nhiều doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nợ của các công ty trong 12 thị trường mới nổi lớn nhất tăng từ khoảng 60% GDP trong năm 2008 lên hơn 100% trong năm 2015. Tình cảnh của nhiều công ty bi đát hơn khi gắn với yếu tố tăng chi phí nợ bằng đồng USD. Đến giữa năm ngoái, các khoản vay đô la phi ngân hàng tại các thị trường mới nổi, bao gồm cả các công ty và chính phủ, đã đạt 3,3 ngàn tỷ USD.
Thực tế cho đến gần đây, tín dụng ngoại tệ cho khách hàng vay bên ngoài nước Mỹ đang ngày càng tăng so với trong nước. Tăng nhanh nhất là trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các công ty thị trường mới nổi.
BIS lập luận rằng, tình hình vay USD bên ngoài nước Mỹ, sự gia tăng giá trị của đồng USD và dư thừa dầu đột ngột gắn liền với sự suy thoái tại các nền kinh tế mới nổi. Khi đồng USD suy yếu và thanh khoản toàn cầu đã phong phú nhờ vào việc mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) (nới lỏng định lượng), các công ty bên ngoài Hoa Kỳ tích cực vay bằng USD vì rẻ hơn so với vay bằng nội tệ.
Thậm chí, bằng cách đi vay USD với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất bằng đồng nội tệ, nhiều doanh nghiệp đã thu được khoản lợi nhuận lớn trong ngắn hạn. Luồng vốn này đã đẩy giá tài sản tại nhiều nước, bao gồm cả tiền tệ, làm cho nợ USD thậm chí "phải chăng hơn". Nợ ở Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh. Nợ tư nhân ở mức 200% GDP, chỉ thấp hơn so với Nhật Bản thời điểm khởi đầu của thập kỷ mất mát vào năm 1991, và cao hơn mức ở Mỹ ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Các giá trị của các khoản nợ xấu ở Trung Quốc đã tăng từ 1,2% GDP trong tháng 12 năm 2014 lên 1,9% một năm sau đó. Một số công ty lớn đang kiếm quá ít để trả nợ, thay vào đó, họ đang làm nên sự khác biệt bằng cách vay nhiều hơn.
Chừng nào đồng USD vẫn còn yếu, thì tín dụng giá rẻ, giá nhà đất gia tăng và tăng trưởng GDP mạnh có thể tiếp tục. Nhưng khi đồng USD bắt đầu tăng giá, tình hình sẽ đảo ngược. Tác động của sự thay đổi giá trị của đồng USD rất đáng chú ý, đặc biệt là đối với đồng tiền tại các thị trường mới nổi. Bất cứ nơi nào có nhiều khoản vay bằng ngoại tệ, nơi đó tỷ giá sẽ trở thành một bộ "khuếch đại tài chính".Khi các công ty đua nhau để trả bớt nợ USD, giá tài sản tại các thị trường mới nổi giảm. Các công ty cắt giảm đầu tư, sa thải lao động và GDP sẽ rơi. Một khi USD tăng mạnh, viễn cảnh về một làn sóng vỡ nợ là hoàn toàn có thể xảy ra dù không sâu rộng như cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, vấn đề nợ USD đang bị thổi phồng. Có những nước như Chile, Thổ Nhĩ Kỳ đang có các khoản nợ USD lớn. Nhưng USD trong bình quân nợ của các công ty trong thị trường mới nổi chỉ là 10%. Các công ty Trung Quốc chiếm hơn một phần tư trong số 3,3 ngàn tỷ USD cho các thị trường mới nổi vay. Từ tháng 8/2015, khi đồng nhân dân tệ giảm giá, họ đã chuyển các khoản vay USD sang nhân dân tệ.
Sự tăng giá của đồng USD đã bị đình trệ vì những lo ngại FED có thể tăng lãi suất một lần nữa. Tuy nhiên, chu kỳ cho vay USD vẫn có những tác động mà có thể không được đánh giá đầy đủ.
Một nghiên cứu gần đây của Công ty Tài chính Valentino Bruno và Hyun Song Shin của BIS thấy, những công ty tại thị trường mới nổi có nhiều khả năng phát hành trái phiếu USD. Điều đó đi ngược nguyên tắc tài chính doanh nghiệp: chỉ vay để đầu tư một khi đã cạn kiệt các nguồn tài chính nội bộ. Kết quả là vay USD vẫn lan tràn với các điều kiện tín dụng dễ dàng.
Và khi các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro, cũng có thể sẽ dẫn đến một đợt siết chặt tín dụng đột ngột và những quốc gia đang chứng kiến tăng trưởng lao dốc, nỗi đau từ các khoản nợ USD tăng lên sẽ rất lớn.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn