Đã 3 năm kể từ khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chính thức đưa ra chương trình kích thích kinh tế đầy táo bạo. Sau những lạc quan ban đầu, cuối cùng chương trình đã không mang đến những thay đổi cho nền kinh tế như mong đợi.
IMF:cẩn trọng triển vọng kinh tế toàn cầu hậu Brexit
- Cập nhật : 07/08/2016
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu năm 2016-2017 được điều chỉnh giảm nhẹ trước cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Tuy nhiên, sự kiện nước Anh rời EU (Brexit) bộc lộ nhiều tác động tiêu cực.
Báo cáo của IMF nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn thấp và mong manh, sự kiện Brexit bộc lộ nhiều thiệt hại về vật chất và rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn rất yếu ớt do tác động của những yếu tố liên kết lẫn nhau, bao gồm xu hướng bất lợi về năng suất lao động từ trước khủng hoảng, di sản của khủng hoảng nợ tư nhân và nợ quốc gia, nhiều vấn đề phức tạp và khó lường. Kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ khó khăn hơn nếu bất ổn kinh tế và chính trị tiếp tục gia tăng, lòng tin về thị trường tài chính bị suy giảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, dữ liệu kinh tế tại các nước mới nổi có dấu hiệu cải thiện, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các biện pháp chính sách tại Trung Quốc (như tiếp tục mở rộng tín dụng mặc dù nợ doanh nghiệp ở mức cao). Thời gian gần đây, giá cả hàng hóa tăng nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp và tiếp tục cản trở các nền kinh tế lớn như Brazil, CHLB Nga, Arabia Saudi.
Ở các nước phát triển, quá trình phục hồi tiếp tục chậm chạp, phản ánh những khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng và những bất ổn liên quan đến kết quả trưng cầu dân ý tại Anh.
Tại Mỹ, GDP năm 2016 chỉ tăng 2,2%, giảm 0,2% so với dự báo do IMF đưa ra hồi tháng 4/2016, phản ánh sự tăng giá của đồng USD và nhu cầu toàn cầu yếu ớt, hoạt động đầu tư trầm lắng. Tại khu vực đồng EURO, GDP năm 2016 và năm 2017 lần lượt tăng 1,6% và 1,4%, nhờ giá dầu thấp, các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cán cân tài khóa cải thiện đã phần nào bù đắp những bất ổn trước mắt và củng cố lòng tin thị trường trước tác động lan truyền của sự kiện Brexit.
Với nước Anh, các cú sốc tiêu cực về nhu cầu và bất ổn gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Nhật Bản tiếp tục khó khăn và chỉ tăng 0,3% trong năm 2016 và 0,1% trong năm 2017, chủ yếu do nhu cầu yếu ớt, đầu tư thấp, đồng yên tăng giá.
Tại Trung Quốc, chính sách mở rộng tín dụng và đầu tư hạ tầng đã có tác dụng chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhưng làm tăng mức độ rủi ro trong tương lai. Kết quả là, kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng 6,6% trong năm nay, nhưng chỉ tăng 6,2% vào năm 2017.
Kinh tế Ấn Độ tiếp tục phục hồi và tăng 7,4% trong năm tài khóa 2016-2017 và 2017-2018 nhờ giá dầu thấp, các biện pháp chính sách phù hợp và lòng tin thị trường được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình tài chính của các doanh nghiệp và ngân hàng hình như đang có vấn đề, tốc độ cải cách chậm lại, xuất khẩu trì trệ sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế.
Tình hình kinh tế tại Brazil và CHLB Nga đang dần cải thiện, kỳ vọng năm 2017 sẽ bắt đầu đạt tốc độ tăng trưởng dương.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu ớt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và bất cập mang tính dài hạn, hiệu quả kinh tế thấp. Các chỉ số kinh tế cho thấy, năng suất lao động tại các nước phát triển co xu hướng tăng chậm dần từ trước khi xảy ra khủng hoảng. Tuy nhiên, khủng hoảng và suy thoái kinh tế sau đó đã làm tăng thêm khó khăn cho các nền kinh tế, bao gồm tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp và quốc gia, hiệu quả đầu tư đạt thấp trong thời gian dài, tình trạng xói mòn kỹ năng lao động do thất nghiệp kéo dài ở mức cao, tình trạng già hóa dân số cản trở động lực tăng trưởng kinh tế.
Một thực tế ảm đạm đang diễn ra là thu nhập ngày càng tăng chậm, làm tăng bất bình đẳng trong xã hội. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thu nhập chỉ dừng lại ở mức thấp, không đủ để chia sẻ thu nhập xã hội vốn đang giảm dần, dẫn đến tình trạng tăng trưởng yếu ớt hoặc thu nhập của nhiều lao động bị giảm dần. Thu nhập tăng thấp có thể cản trở các nỗ lực chính sách, thậm chí không tập trung đủ nguồn lực để thực hiện những biện pháp cần thiết về tái cơ cấu, thúc đẩy các hoạt động thương mại và giảm nhẹ làn sóng di cư từ nông thôn ra các thành phố và đô thị lớn.
Trong tình hình hiện nay, rủi ro lớn nhất là bất ổn kinh tế, chính trị dài hạn xung quanh sự kiện Brexit và tình hình tài chính tại một số nước trở nên khó khăn. Kết quả này có thể xói mòn các thành quả kinh tế vĩ mô, gây thiệt hại đáng kể cho các nước phát triển, kể cả thông qua sự gia tăng áp lực đối với hệ thống ngân hàng tại các nước khó khăn.
Bất ổn gia tăng cũng có thể tạo ra những cú sốc và biến động khó lường đến một số nền kinh tế khác, làm tăng rủi ro lâu dài và không thể tránh khỏi, kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Theo Xuân Thanh
nguồn: IMF / Chinhphu.vn