Đồng nhân dân tệ (CNY) vẫn còn giảm khoảng 4% sau ba lần phá giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc.
Nhân dân tệ mất giá có lợi cho kinh tế toàn cầu
- Cập nhật : 16/08/2015
Giới chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng, tình trạng nhân dân tệ suy yếu không đủ khắc nghiệt để kéo trật hướng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
(Tin kinh te)
Kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn tăng trưởng nhanh sau động thái chính sách tiền tệ gần đây của Trung Quốc.
Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2015, không đổi so với dự báo hồi tháng 7. Đến năm 2016, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được cho là sẽ tăng hơn, đạt 3,5% dù vẫn thấp hơn dự báo hồi tháng 7 là 3,6%.
Kể từ ngày 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã 3 lần hạ tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ mỗi phiên lần lượt là 1,9%-1,6%-1,1%, kéo đồng tiền này xuống thấp nhất nhiều năm so với USD.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tác động từ chính sách tỷ giá của Trung Quốc tới kinh tế toàn cầu sẽ rất nhỏ; trong khi động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sẽ suy giảm mạnh.
"Theo tôi, chúng ta không nên xem việc nhân dân tệ suy yếu là tín hiệu xấu đối với kinh tế và tăng trưởng toàn cầu", trưởng chiến lược gia tiền tệ châu Á Robert Minikin tại Standard Chartered nhận định. Thậm chí, động thái tiền tệ của Trung Quốc sẽ giúp kinh tế toàn cầu khỏe mạnh hơn.
Trong buổi họp báo ngày 13/8, PBOC cho biết không có cơ sở nào cho thấy nhân dân tệ sẽ giảm tiếp và các nhà hoạch định chính sách sẽ can thiệp để kiểm soát những biến động lớn.
Theo cơ chế tỷ giá mới của PBOC, khi đưa ra tỷ giá tham chiếu, các nhà tạo lập thị trường phải xem xét mức giá chốt phiên trước đó, nhu cầu và nguồn cung ngoại hối cũng như những thay đổi trong các cặp tỷ giá phổ biến.
Zheng Liu - cố vấn nghiên cứu cấp cao tại ngân hàng Fed San Francisco cho rằng, có 2 động lực khiến Trung Quốc quyết định phá giá nhân dân tệ. Một là để là thả nổi nội tệ nhằm đáp ứng điều kiện của IMF, và hai là để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Một số báo cáo gần đây cho thấy, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm mạnh, dấy lên lo ngại về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. IMF dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% trong năm nay so với mức tăng 7,4% của năm 2014.
Đến phiên 14/8, thị trường tài chính toàn cầu dường như đã thích nghi dần với việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ. Đặc biệt, thị trường chứng khoán toàn cầu đang dần khởi sắc sau 2 phiên bị bán tháo mạnh.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)