Cho vay tiền làm cảng biển không có lãi, nước chủ nhà bị phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc.
Nguồn thu kinh tế của Triều Tiên đến từ đâu?
- Cập nhật : 10/04/2017
Bán than, xuất khẩu lao động, dự trữ tiền tệ ở nước ngoài... đang là các nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên.
Xuất khẩu than
Một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên đến từ việc nước này bán hàng triệu tấn than cho Trung Quốc mỗi năm, chiếm khoảng một phần ba sản lượng hàng hóa xuất khẩu chính thức của Triều Tiên vào năm 2015. Nhưng nguồn thu này hiện đang gặp khó khăn khi vào tháng 2 vừa qua Trung Quốc thông báo sẽ ngừng tất cả các hoạt động nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, hành động kìm kẹp thương mại của Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng trên thực tế sẽ diễn ra không đáng sợ như lời tuyên bố, vì Triều Tiên vẫn là một vùng đệm kinh tế - chính trị quan trọng để Đại lục đối phó với Hàn Quốc, đồng minh chủ chốt của Mỹ.
“Mục tiêu của lệnh cấm nhập khẩu than của Trung Quốc rõ ràng không phải để bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên”, Stephan Haggard, thành viên của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, nhận định.
Các nhà phân tích cũng cho rằng vẫn có nhiều hoạt động kinh doanh ở biên giới của hai quốc gia láng giềng để giảm tác động xấu từ lệnh cấm buôn bán than lên nền kinh tế. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng xuất khẩu các mặt hàng cơ bản khác như quặng sắt, hải sản và quần áo sang Trung Quốc.
Dự trữ vốn ở Trung Quốc
Cho dù trong trường hợp giả định rằng Triều Tiên bị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới siết chặt quan hệ thương mại, thì nước này vẫn có nguồn quỹ khổng lồ thu được từ việc bán than cho Trung Quốc, đặc biệt trong suốt thời kỳ hàng hóa toàn cầu tăng giá từ thập niên trước.
John Park, Giám đốc Korea Working Group tại Harvard Kennedy School, tin rằng Bình Nhưỡng đã giữ “số tiền rất lớn” ở Trung Quốc mà nước này có thể dùng để mua bất cứ thứ gì họ muốn nhằm phục vụ cho các hoạt động về vũ khí của quốc gia. Hơn nữa, bằng cách giữ tiền ở Trung Quốc, Triều Tiên có thể dễ dàng né tránh các lệnh trừng phạt bị loại ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo CNN, các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc và Mỹ cũng đã tìm ra bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang sử dụng mạng lưới các công ty vỏ bọc để tiếp cận các ngân hàng toàn cầu. Anthony Ruggiero, một thành viên cao cấp của Quỹ Bảo vệ các chế độ dân chủ, nói rằng chính phủ Mỹ có thể can thiệp để ngăn chặn việc các ngân hàng Trung Quốc giúp cho Triều Tiên tránh lệnh trừng phạt quốc tế.
“Một khoản tiền phạt lớn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Trung Quốc và khiến cho các ngân hàng ở nước này phải đánh giá lại việc tuân thủ các thủ tục”, Anthony Ruggiero viết trong một bài báo.
Xuất khẩu lao động
Được biết tới như một trong những nền kinh tế kín tiếng nhất thế giới, nhưng Triều Tiên vẫn tìm ra cách để thu được ngoại tệ về cho đất nước. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2015 Triều Tiên đã xuất khẩu hàng ngàn lao động ra nước ngoài để làm việc trong các ngành công nghiệp khai thác mỏ, khai thác gỗ, xây dựng ở Trung Quốc, Nga và vùng Trung Đông... Đây cũng là một nguồn thu ngoại tệ không nhỏ của quốc gia Đông Á này.
Phương ANh
Theo Thanhnien.vn