Kinh tế ASEAN đã tăng trưởng ngoạn mục từ 3,3% (năm 1967) lên 6,2% (năm 2016), trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và thứ 3 châu Á.
Mỹ và phần còn lại của thế giới: Các nền kinh tế lớn trả đũa thương mại
- Cập nhật : 11/06/2018
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mạnh thuế nhập khẩu với thép và nhôm, trả đũa thương mại đang trở thành câu chuyện “nóng” giữa các nền kinh tế.
Các cường quốc đang tiến hành trả đũa quyết định của Tổng thống Mỹ
Táo Mỹ bắt đầu được bán đắt hơn ở Mexico, thịt bò Mỹ sắp tăng giá ở Canada, những chiếc xe Harley Davison nổi tiếng của Mỹ cũng có giá bán cao hơn ở châu Âu. Các vụ kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới lần lượt xuất hiện, một loạt động thái dồn dập đang được các nước tiến hành nhằm trả đũa quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.
Hàng rào thuế đối với 1, 2 mặt hàng có thể lan ra hàng chục, thậm chí hàng trăm sản phẩm được sử dụng hằng ngày gây thiệt hại lên đến hàng tỷ USD.
Trả đũa thương mại đang là câu chuyện "nóng" giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn chưa ngã ngũ, những ngày qua, thế giới chứng kiến liên tiếp những động thái đáp trả qua lại giữa Mỹ với chính các đồng minh của mình là Liên minh châu Âu và Canada, thêm cả Mexico. Nguy cơ chiến tranh thương mại một lần nữa lại được nhắc đến.
Các vụ kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới lần lượt xuất hiện, một loạt động thái dồn dập đang được các nước tiến hành nhằm trả đũa quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm
Và mới đây, châu Âu đã lên tiếng sẵn sàng hạ mức thuế trả đũa áp lên xe máy và tỏ ý muốn hợp tác với Mỹ tuy nhiên, Tổng thống Trump lại có mong muốn ngược lại.
Đó là nhận định của Ủy viên thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom, sau khi cuộc đàm phán với các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan và hạn ngạch không có được kết quả tích cực.
Bà Malmstrom cho rằng Mỹ đã "đóng cửa" trước những lời đề nghị từ phía EU nên khối này sẽ đưa ra những đòn trả đũa bằng việc áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ, bao gồm rượu bourbon và xe máy. Ước tính thuế nhôm, thép của Mỹ sẽ đe dọa đến 6,4 tỷ Euro giá trị xuất khẩu của EU.
Đêm 5/6, Bộ Kinh tế Mexico đã chính thức áp mức thuế nhập khẩu từ 15 - 25% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ.
Đây là động thái của nước thứ 2 sau Canada, một động thái mới nhất nhằm đáp trả các mức thuế đánh vào nhôm, thép của Mỹ
Theo đó, các sản phẩm thịt heo, táo và khoai tây sẽ chịu thuế 20%. Mexico cũng thông báo mở hạn ngạch miễn thuế cho khoảng 350.000 tấn chân giò và thịt nạc vai nhập khẩu từ các quốc gia khác. Hiện gần 90% thịt lợn nhập khẩu của Mexico đến từ Mỹ. Ngoài ra, các sản phẩm như phô mai, rượu whisky của Mỹ cũng sẽ bị áp mức thuế từ 20 - 25%.
Tuần trước, Mỹ quyết định tăng thuế đối nhôm, thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico, đồng thời de dọa tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu khác. Cả Canada và EU đều đe dọa sẽ có các biện pháp đáp trả.
Mexico là nhà nhập khẩu nhôm lớn nhất và nhập khẩu thép lớn thứ 2 từ Mỹ. Theo ước tính, một lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước trị giá 4 tỷ USD sẽ bị ảnh hưởng do mức thuế mới mà Washington áp với 2 mặt hàng trên.
Đằng sau những đòn trả đũa thương mại từ Mỹ là gì?
Theo nhiều chuyên gia, về cơ bản những mâu thuẫn thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ không đơn thuần là mâu thuẫn về kinh tế.
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với "bất kỳ giá nào" và sẽ áp dụng mọi biện pháp toàn diện nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương. Đây là tuyên bố cứng rắn từ phía Bắc Kinh nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị cho Bộ Thương mại nước này xem xét đánh thuế bổ sung trị giá 100 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái khá bất ngờ này đánh dấu một mốc leo thang mới trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Nếu như con bài áp thuế lên thương mại với các đối thủ đã được Mỹ sử dụng khá thành công với EU, Nhật Bản, Canada... để tạo lợi thế trên bàn đàm phán thì câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu mục tiêu áp thuế mà Washington thực hiện có phải là để giảm thâm hụt thương mại như lời Tổng thống Trump tuyên bố hay còn ẩn ý gì sâu xa?
Reuters phân tích, trong 1.300 sản phẩm Mỹ tuyên bố áp thuế lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc thì có tới 1/6 trong số đó là các mặt hàng liên quan đến máy bay, vệ tinh truyền thông... mà Mỹ chưa bao giờ nhập khẩu tính đến năm 2017. Nhưng đây lại là những sản phẩm then chốt, có lợi cho kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp mà Trung Quốc thúc đẩy trong chiến lược "Made in China 2025".
Theo nhiều chuyên gia, về cơ bản những mâu thuẫn hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ không đơn thuần là mâu thuẫn về kinh tế mà Washington đang tìm cách kiềm chế sự phát triển quá nhanh của Bắc Kinh.
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ khó có thể chịu sự áp đặt luật chơi từ Mỹ. Mặc dù, Bắc Kinh đã nhiều lần phát đi thông điệp 2 bên cần ngồi xuống đàm phán để thu hẹp cán cân thương mại, song thỏa hiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao - vốn đang là ưu tiên hiện nay trong chiến lược phát triển kinh tế của nước này - được cho sẽ là điều không tưởng.
Trang Lê
Theo Nhipcaudautu.vn