Trong giai đoạn năm 2008-2018, gần 320 tỷ USD vốn của Trung Quốc đã đổ vào lục địa già.
Hiệu ứng kinh tế sau Thượng đỉnh liên Triều
- Cập nhật : 01/05/2018
Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên mang lại nhiều tích cực đối với kinh tế Hàn Quốc và Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký hiệp định hòa bình vào cuối năm nay, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sau 68 năm. Tuyên bố chung mang tên "Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên".
Giảm rủi ro địa chính trị trong khu vực, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế
Đối với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, không chỉ các nhà ngoại giao mà cả các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang rất kỳ vọng vào những kết quả tích cực từ cuộc họp lịch sử này. Theo đó, có khả năng các nhà lãnh đạo hai nước sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh, vốn đang chỉ dừng ở mức “đình chiến”.
Dư luận cũng đang hết sức kỳ vọng những rủi ro địa chính trị – một trong những nguyên nhân chính đằng sau những bất ổn của nền kinh tế Hàn Quốc, sẽ thực sự giảm. Theo ông Cho Bong-hyun, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế IBK, có nhiều hiệu ứng kinh tế có thể đạt được sau những kết quả tích cực của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào ngày 27/4, trong khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Vấn đề phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên sẽ là nghị sự chính của hai cuộc họp thượng đỉnh này. Ngoài ra, còn có các chủ đề thảo luận khác. bao gồm việc thiết lập một thể chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và phát triển ổn định giữa hai miền Nam-Bắc.
Triển vọng giải quyết tình trạng “giảm giá Hàn Quốc”
Hiện nay, Triều Tiên đang chịu các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, khiến hợp tác kinh tế giữa hai miền Nam-Bắc cũng bị chững lại. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được tổ chức thường xuyên, bắt đầu từ hội nghị lần này, Seoul và Bình Nhưỡng sẽ có thể thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế một cách nghiêm túc.
Gần đây, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết các quốc gia liên quan đang cân nhắc việc thay thế Hiệp định đình chiến 1953 bằng một hiệp ước hòa bình thông qua một tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Sự chú ý đang tập trung vào việc liệu sự phát triển tích cực này có giúp giảm tình trạng “giảm giá Hàn Quốc” (Korea Discount) mãn tính trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc hay không.
Chiến tranh Triều Tiên đã khép lại bằng một thỏa thuận đình chiến, có nghĩa là hai miền Nam-Bắc trên thực tế vẫn trong giai đoạn chiến tranh. Theo đó, hai bên có thể xảy ra giao tranh bất cứ thời điểm nào, dẫn đến tình trạng căng thẳng leo thang trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã đưa ra cam kết kết thúc chiến tranh và ký kết một hiệp ước hòa bình.
Điều này sẽ có ý nghĩa to lớn đối với kinh tế Hàn Quốc. Trên thực tế, việc Triều Tiên liên tục khiêu khích đã nhiều lần khiến thị trường tài chính và chứng khoán Hàn Quốc rung chuyển. Trong bối cảnh hai miền trên danh nghĩa vẫn trong tình trạng chiến tranh, các cổ phiếu của Hàn Quốc trên thị trường đều bị định giá thấp do những rủi ro địa chính trị trong khu vực. Hiện tượng này còn được gọi là “giảm giá Hàn Quốc”. Chính vì vậy, việc chiến tranh Triều Tiên chính thức kết thúc và hòa bình lập lại trên bán đảo Hàn Quốc, sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường tài chính trong nước.
Rủi ro từ cuộc khủng hoảng hạt nhân của Bình Nhưỡng
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), hệ số giá trên thu nhập (PE) của chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc KOSPI đã tăng 11 lần vào trung tuần tháng 4, bằng khoảng một nửa mức trung bình trên toàn cầu là 19 lần. Hệ số PE là tỷ lệ định giá tổng thể của thị trường chứng khoán so với thu nhập. Tỷ lệ trên càng thấp có nghĩa là càng bị định giá thấp. Những rủi ro địa chính trị trong khu vực khiến thị trường tài chính Hàn Quốc có nhiều biến động, làm hệ số PE của Hàn Quốc ở mức thấp.
Do đó, một tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ làm nổi bật những lợi ích tiềm năng của việc đầu tư vào Hàn Quốc, và sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường này. Một làn gió ngoại giao ấm áp thổi vào quan hệ hai miền Nam-Bắc đã và đang giúp thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng trưởng. Ông Cho Bong-hyun cho biết thêm.
Giữa bối cảnh kỳ vọng về một mối quan hệ hòa bình giữa hai miền gia tăng nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đang tiếp tục xu hướng tăng. Vào ngày 18/4, chỉ số KOSPI đã tăng thêm 26,21 điểm, đóng cửa ở mức 2.479,98 điểm, mức cao nhất trong vòng một tháng kể từ ngày 22/3. Các mã cổ phiếu liên quan đến xây dựng và hợp tác kinh tế liên Triều đều đã tăng trên toàn bộ sàn giao dịch. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 350 tỷ won (330 triệu USD) trên thị trường chứng khoán, góp phần đưa chỉ số KOSPI tăng mạnh.
Triển vọng về một bản đồ kinh tế mới trên bán đảo Hàn Quốc
Ngày 18/4, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất trong vòng một tháng, dường như là nhờ phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào một ngày trước đó, khi ông đề cập đến khả năng chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Trong kỳ vọng về một hiệp ước hòa bình giữa hai nước, Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) – chỉ số phản ánh rủi ro của một nền kinh tế, đã đạt mức thấp nhất trong vòng một tháng.
Nếu lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đạt được một thỏa thuận lịch sử trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều để thay đổi số phận của bán đảo Hàn Quốc, tình trạng “giảm giá Hàn Quốc” sẽ được nới lỏng và đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc sẽ gia tăng. Trong khi đó, Triều Tiên đang cho thấy dấu hiệu của một sự thay đổi đáng kể khi vào ngày 20/4, nước này đã thông qua một nền tảng chiến lược mới để ngừng các thử nghiệm hạt nhân, tên lửa và tập trung mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế tại Hội nghị toàn thể Đảng Lao động miền Bắc.
Đây là một sự thay đổi lớn từ chính sách hạt nhân của nước này, cho thấy Triều Tiên đã chính thức thể hiện quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể áp dụng cải cách và mở cửa theo phong cách Trung Quốc trong những năm 1980, gia tăng kỳ vọng vào việc Chính phủ Hàn Quốc có thể thúc đẩy tầm nhìn kinh tế mới để xây dựng một cộng đồng kinh tế liên Triều.
Bản đồ kinh tế mới của bán đảo Hàn Quốc bao gồm một vành đai kinh tế ba trục từ khu phi quân sự tới mạng lưới giao thông dọc theo các khu vực ven biển phía Đông và phía Tây trên bán đảo Hàn Quốc. Tầm nhìn lớn lao trên không chỉ theo đuổi sự tăng trưởng kinh tế của hai miền Nam-Bắc mà còn của cả khu vực Đông Bắc Á. Khi Seoul và Bình Nhưỡng tiến đến một hiệp ước hòa bình trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, bản đồ kinh tế mới sẽ được định hình rõ nét hơn và sẽ tạo điều kiện cho các dự án phát triển lớn ở Triều Tiên.
Nếu điều này trở thành hiện thực, các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ nhìn nhận bán đảo Hàn Quốc như một điểm đến hấp dẫn. Đầu tư nước ngoài gia tăng sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia. Trong khi đó, Triều Tiên cũng có thể vực dậy nền kinh tế trì trệ với Tổng thu nhập bình quân đầu người (GDP) chỉ ở mức 1.333 USD/người.
Một số thỏa thuận đạt được tại Thượng đỉnh liên Triều:
-Hàn – Triều sẽ thiết lập "văn phòng liên lạc chung" tại Kaesong, nơi hai nước từng vận hành khu công nghiệp chung
-Nhất trí "khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm viếng, và liên hệ tích cực ở mọi cấp để hồi sinh hòa giải và đoàn kết dân tộc".
-Sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 15/6.
-Sẽ cùng tham gia các sự kiện thể thao quốc tế như Asian Games, được tổ chức ở Indonesia năm nay.
-Sẽ tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán vào 15/8.
-Nhất trí dừng tuyên truyền công kích nhau qua loa phóng thanh ở biên giới
-Nhất trí tổ chức các cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Nguồn KBS, Nhipcaudautu.vn