Có lý do để tin rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể giải quyết các bất đồng thương mại trong một sớm một chiều.
5 yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế tuần tới
- Cập nhật : 10/06/2018
5 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư trong tuần tới cùng thông tin liên quan.
1. Cái giá của hòa bình
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp lịch sử tại Singapore vào ngày 12/6. Trong một viễn cảnh lý tưởng, ông Kim sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân và ông Trump sẽ dỡ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, quy trình phi hạt nhân hóa toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược chắc chắn không phải những gì ông Kim nghĩ đến. Do đó, việc ông Trump có linh hoạt hay không là điều rất quan trọng.
Thị trường tài chính hầu như không phản ứng khi cả hai đấu khẩu hồi năm 2017. Các nhà đầu tư vẫn chưa biết nên phản ứng thế nào trước thái độ mềm mỏng khác thường của ông Trump hay việc ông Kim sẵn lòng giải trừ hạt nhân để đổi lấy sự công nhận và viện trợ.
Có rất nhiều khả năng có thể xảy ra và khó để xác định xác suất cho viễn cảnh cực đoan về một cuộc chiến hạt nhân hoặc hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo Triều Tiên.
Thị trường cũng cần biết kết quả của cuộc tranh luận xung quanh vấn đề thương mại và an ninh giữa Trump và lãnh đạo các nước G7 trong cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào cuối tuần tại Canada.
2. FED lại tăng lãi suất
Ngân hàng Trung ương có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), chuẩn bị tăng lãi suất vào ngày 13/6. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay và lần thứ 7 kể từ tháng 12/2015.
Số liệu việc làm khả quan cuối tuần trước và các dấu hiệu về mức lạm phát 2% giúp Chủ tịch Fed Jerome Powell và Ủy ban Thị trường mở có thể tăng lãi suất một lần nữa, bất chấp những lo ngại về cuộc chiến thương mại của Trump.
Theo một khảo sát của Reuters, lãi suất vay thế chấp sẽ tăng 4,6% vào cuối năm và sau đó lên 5% vào cuối năm 2019. Điều đó có nghĩa rằng khả năng trả nợ đang dần đi xấu đi.
Thị trường mới nổi (EM), vốn đang vay rất nhiều bằng USD, chẳng mấy vui vẻ khi đồng USD tăng giá. Một số quốc gia quan trọng trong khối EM cũng đang gặp áp lực nặng nề, tỷ giá USD cao hơn không phải tin tốt lành đối với họ.
3. ECB ngừng mua trái phiếu
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gây lúng túng cho thị trường khi đưa ra đề xuất bỏ qua vấn đề chính trị ở Italy trong cuộc họp vào 14/6 và chuẩn bị thảo luận về việc ngừng chương trình mua trái phiếu trị giá 2,55 tỷ euro.
Điều này khiến cuộc họp sắp tới trở thành cuộc họp dễ đoán nhất trong một thời gian dài. Nếu chương trình mua trái phiếu kết thúc, việc tăng lãi suất sẽ không còn xa. Các nhà đầu tư suy đoán việc tăng lãi suất sẽ diễn ra trong mùa hè năm 2019, một vài người còn dự đoán mức lãi suất huy động -0,4% hiện tại sẽ tăng lên 0% vào cuối năm sau.
Các chính trị gia Italy cũng leo thang đấu khẩu, lên án ECB đang “định kiến” với nước này bằng cách về phe với Đức trong việc ngừng mua trái phiếu. Các nhà đầu tư thấy không đáng phải chia rẽ vì chương trình này và các mâu thuẫn chính trị.
4. World Cup
Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh – World Cup (WC) – sẽ khai mạc tại Nga vào ngày 14/6. Nếu các tay cá độ đều nhất trí rằng hoặc Đức hoặc Brazil sẽ giành cúp, thì các nhà phân tích tài chính cũng đồng lòng không kém về một vấn đề khác: một lượng bia lớn sẽ được tiêu thụ.
Sau khi quan sát các quốc gia chủ nhà – Pháp, Đức, Nam Phi và Brazil, Morgan Stanley kết luận lượng bia sẽ được tiêu thụ thêm 2-3% ở nước chủ nhà trong suốt năm diễn ra WC.
Hãng bia dẫn đầu thị trường Nga Carlsberg và Budweiser - sản phẩm của nhà sản xuất bia ABInBev, nhà tài trợ chính thức của WC, sẽ được tiêu thụ nhiều nhất.
ABInBev cũng dự đoán doanh số của hãng tại các lò đào tạo bóng đá như Brazil và Argentina sẽ tăng 0,5%, và dù không chắc liệu có phải cơn sốt bóng đá là nguyên nhân của việc này hay không. Heineken và ABInBev đều vượt mặt các hãng bia khác trong suốt mua WC 2014.
5. Brexit
Sau hàng tháng chuẩn bị ứng phó với quá trình Brexit chậm chạp, tuần sau các nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng từ sự biến động của đồng bảng Anh khi quá trình này đi vào giai đoạn trọng yếu. Cuộc bỏ phiếu của quốc hội Anh diễn ra hôm 12/6 về việc sửa đổi bổ sung dự luật rút khỏi EU, trước thềm cuộc họp thượng đỉnh quan trọng của các lãnh đạo EU sẽ được tổ chức vào cuối tháng.
Thủ tướng Theresa May không còn nhiều thời gian trong khi nội các của bà lại đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Tương lai của bà May một lần nữa bất trắc, giữa lúc có đồn đoán sẽ có một cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm sau.
Dù đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ Anh trông có vẻ an toàn, người giao dịch đang tự phòng hộ thông qua thị trường quyền chọn. Tuần này biến động tỷ giá GBP/USD 1 tháng tăng gần 1%, một mức rất nhỏ về mặt danh nghĩa, nhưng sẽ là mức tăng hàng tuần rất lớn trong 4 tháng nữa.
Tuyết Chu
Theo NDH.VN