Dù mô hình đặc khu đã có hàng chục năm, các nước vẫn chưa tìm ra công thức thành công chung, và không ít đã thất bại.
Trung Quốc biến châu Phi trở thành 'công xưởng mới của thế giới' như thế nào?
- Cập nhật : 04/06/2018
Hoạt động đầu tư và tài trợ vốn cho khu vực châu Phi suốt 10 năm qua của Trung Quốc giúp châu lục này có khả năng trở thành "công xưởng mới" của thế giới. Bắc Kinh còn trở thành nhân tố quan trọng kết nối các nước châu Phi.
Trung Quốc đã có 10 năm tài trợ cho châu Phi thông qua các gói đầu tư xây dựng hàng ngàn kilomet đường sắt cùng hàng chục cầu cảng, sân bay và nhà máy điện. Điều này khiến các nhà nghiên cứu nhận định, châu Phi có thể sẽ trở thành một "công xưởng mới của thế giới".
Hoạt động đầu tư lớn của Trung Quốc vào châu Phi giúp châu lục này vươn lên trở thành "công xưởng mới của thế giới".
Theo Sputnik, trong cuốn sách mang tên “Công xưởng mới của thế giới”, tác giả Irene Yuan Sun đã mô tả những kinh nghiệm thực tiễn quý giá mà Trung Quốc từng thực hiện ở châu Phi. Đây cũng chính là những kinh nghiệm mà Trung Quốc đã áp dụng cho dây chuyền sản xuất trong nước suốt hàng thập niên qua.
Còn theo nghiên cứu của Hội đồng Các mối quan hệ nước ngoài của Nga (RIAC), Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của các nước châu Phi kể từ năm 2009. Trong năm 2000, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với các nước châu Phi mới là 10 tỷ USD nhưng tới năm 2014, con số này đã nhanh chóng tăng lên mức 220 tỷ USD.
Trong năm 2017, Trung Quốc cũng đã vươn lên vị trí số 1 trong lĩnh vực cung cấp các khoản vay cho châu Phi với số tiền là 100 tỷ USD. Bắc Kinh còn nằm trong danh sách các đối tác lớn đầu tư trực tiếp vào các nước châu Phi như Ai Cập, Nigeria, Algeria, Nam Phi, Ethiopia, DRC, Zambia, Angola, Morocco, Niger, Cameroon, Chad và một số quốc gia khác, theo RIAC.
Trong đó, riêng Qũy Phát triển Trung Quốc – châu Phi hay còn gọi là Qũy CAD được Ngân hàng Phát triển Trung Quốc rót vốn vào năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động năm 2007, đã đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD vào 91 dự án thuộc 36 nước châu Phi trong 10 năm qua.
Cũng theo dữ liệu năm 2017, mỗi năm, các nước châu Phi sản xuất 11.000 chiếc xe tải, 300.000 chiếc điều hòa, 540.000 tủ lạnh, 390.000 chiếc tivi cùng 1,6 triệu tấn xi măng thuộc khuôn khổ các sáng kiến của Qũy CAD.
Mặc dù số tiền rải ngân không được công bố nhưng theo RIAC, Qũy CAD còn tham gia vào đầu tư trong các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp, chiết xuất cũng như chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng nông nghiệp ở châu Phi.
Ngoài ra, trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động xây dựng tại hơn 100 vùng công nghiệp với 40% dự án đã đi vào hoạt động ở châu Phi.
Hơn thế, 5.756 km đường sắt, 4.335 km đường bộ, 9 cầu cảng, 14 sân bay, 34 nhà máy điện cùng 10 nhà máy thủy điện cỡ lớn và 1.000 nhà máy thủy điện cỡ nhỏ đã được xây ở châu Phi cho tới cuối năm 2016 với sự trợ giúp từ phía Trung Quốc.
Các dự án đường sắt của Trung Quốc ở châu Phi được xem là nhân tố thay đổi diện mạo khu vực khi tăng khả năng kết nối chính trị ở các nước châu Phi.
Chia sẻ với Sputnik, hồi tháng 12/2017, nhà phân tích Nikolai Shcherbakov tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi đã nói rằng, “việc đầu tư vào bất cứ hoạt động sản xuất nào ở châu Phi đều có nhiều rủi ro bao gồm cả hoạt động xây dựng đường sắt nhưng Trung Quốc đã vượt qua được những rủi ro này”.
Điều đáng nói, dù có những khoản đầu tư lớn vào châu Phi nhưng truyền thông Trung Quốc vẫn thường xuyên nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp chính trị và xem đây là nền tảng ngoại giao mà chính quyền Bắc Kinh thi hành ở châu lục này.
“Trung Quốc và châu Phi là những đồng minh thân cận và chia sẻ tương lai chung. Hoạt động hợp tác là giữa hai người anh em. Dù tình hình thế giới hay nền kinh tế thế giới có ra sao, sự ủng hộ của Trung Quốc với châu Phi cũng không thuyên giảm”, tờ People's Daily viết.
Minh Thu
Theo Infonet.vn