Tính đến hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cầm quyền hơn 19 tháng. Trong khoảng thời gian đó, chính quyền của ông luôn bị bủa vây bởi tranh cãi và bê bối, nhưng kinh tế Mỹ cũng đạt được sự tăng trưởng bùng nổ không thể phủ nhận.
Nga trừng phạt thực phẩm, châu Âu thiệt hại 11% xuất khẩu
- Cập nhật : 29/10/2017
Châu Âu và Mỹ ngắm vào đại gia quốc phòng Nga, Nga trỏ tay cấm vào thực phẩm châu Âu.
Nga đã mở rộng danh sách cấm vận thực phẩm và cấm nhập khẩu lợn sống, các sản phẩm phụ từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada và một số quốc gia khác.
Quyết định đăng tải ngày 27/10 trên trang web Chính phủ Nga cho biết nhiều thực phẩm sống đã bị đưa vào danh mục các mặt hàng nông sản, nguyên liệu và thực phẩm bị cấm nhập khẩu vào Nga.
Cụ thể, trong số mặt hàng bị cấm nhập khẩu có lợn sống (ngoại trừ giống thuần chủng), các phụ phẩm gia súc, lợn, cừu, dê, ngựa và một số động vật khác, mỡ lợn, dầu động vật và một số sản phẩm khác.
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nhấn mạnh, việc hạn chế nhập khẩu những mặt hàng này không ảnh hưởng tới việc bảo đảm nhu cầu trong nước của Nga.
Với những biện pháp trừng phạt mới nhất, Nga đang đóng cửa những kênh cung cấp “chui”, được sử dụng để nhập khẩu một số hàng hóa dưới dạng mặt hàng khác và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất của Nga.
Kể từ năm 2014, Nga đã có hàng loạt các phản ứng cấm nhập khẩu sản phẩm từ châu Âu.
Cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) đã cấm nhập khẩu sản phẩm thịt lợn từ EU vào tháng 1/2014 sau khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Baltic. EU cho rằng lệnh cấm này không phù hợp và đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tháng 8/2016, Hội đồng Trọng tài WTO thừa nhận phần lớn lệnh cấm của Nga đi ngược lại các cam kết.
Nga kháng cáo lại quyết định này trong bối cảnh tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Ba Lan và các nước Baltic trở nên trầm trọng, trong khi đó những biện pháp mà EU sử dụng để trừ khử các ổ dịch bệnh lại không hiệu quả.
Cuối tháng 2/2017, WTO đã bác bỏ kháng cáo của Nga.
Sau đó, các cấm vận thực phẩm phương Tây từ tháng 8/2014 được Nga áp dụng nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt được áp đặt với cáo buộc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông của Ukraine.
Các mặt hàng bị cấm gồm thịt lợn, giò, cá và thủy sản, rau, hoa quả, sản phẩm sữa từ Mỹ, các nước thành viên EU, Canada, Australia và Na Uy. Kể từ đó đến này, lệnh cấm vận đã được gia hạn nhiều lần và có hiệu lực đến cuối năm 2018.
Cấm thịt lợn để đáp trả cấm vận kinh tế Mỹ và châu Âu
Trong khi Nga áp đặt các cấm vận thực phẩm với châu Âu và Mỹ, các quốc gia này cũng đã áp đặt trừng phạt lên Nga nhằm vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội thậm chí cả quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/10 đã công bố các thực thể liên quan đến tình báo và quốc phòng của Nga theo luật trừng phạt (CAATSA) mới được Tổng thống Donald Trump ký ban hành ngày 2/8.
Danh sách này bao gồm các nhà sản xuất vũ khí của Nga như: công ty Sản xuất súng Kalashnikov, Công ty Đóng tàu Almiralty, Cơ quan Xuất Nhập khẩu các sản phẩm quốc phòng Rosoboronexport, Tập đoàn Công nghệ Nga Rostec, Tập đoàn MiG, Công ty "Trực thăng Nga", cả hai nhà sản xuất máy bay Sukhoi và Tupolev…
Trong danh sách đề nghị của Bộ Ngoại giao Mỹ còn có những cái tên đáng chú ý như: Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR), Ban Chỉ huy tình báo Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Nga (GRU), Trung tâm Công nghệ đặc biệt (STLS) ở St. Petersburg và tổ chức nghiên cứu an ninh mạng Zor Security ở Moscow.
FSB và SVR đã bị áp đặt các biện pháp trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, tên tuổi những cá nhân bị Mỹ đưa vào tầm ngắm lần này chưa được hé lộ.
Các nhà tài phiệt Nga thân cận với chính quyền cũng nằm trong loạt danh sách này.
Theo hãng tin Newsru, tài phiệt Nga có nguy cơ bị trừng phạt cao nhất là tỉ phú Oleg Deripaska - người bị chính quyền Mỹ nghi có quan hệ với ông Paul Manafort, nhân vật từng điều hành chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Tập đoàn Alfa cùng với các cổ đông, đứng đầu là tỉ phú Mikhail Fridman, cũng có nguy cơ bị trừng phạt. Alfa từng bị cáo buộc thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống Putin và can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Hai tỉ phú khác có thể lọt vào danh sách trừng phạt lần này là Alisher Usmanov và Roman Abramovich - được đánh giá là một trong những doanh nhân thân cận nhất với ông chủ Điện Kremlin.
Còn đối với châu Âu, các thành viên trong khối liên minh cùng với Montenegro, Albania, Na Uy và Ukraine mới tuyên bố sẽ gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga cho đến 15/3/2018.
Hồi tháng 9, Hội đồng Liên minh châu Âu mở rộng lệnh trừng phạt đối với 149 người và 38 pháp nhân Nga, cấm nhập cảnh vào Liên minh châu Âu và tài sản của họ bị đóng băng.
Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế của Áo, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa EU và Nga từ đầu năm 2014 đã khiến xuất khẩu tính đến năm 2016 của EU sang thị trường Nga giảm 10,7%, tương đương thiệt hại 30 tỷ euro.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang thị trường Nga trong năm 2016 chỉ đạt mức 72 tỷ euro, khoảng 84 tỷ USD, giảm mạnh so với con số khoảng 140 tỷ USD trong năm 2013.
Trước khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, thương mại giữa các nước châu Âu với Moscow rất ổn định. Xuất khẩu của EU sang thị trường Nga tăng khoảng 23,5%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2009-2012.
Lĩnh vực xuất khẩu nông phẩm và thực phẩm của EU chịu tác động nặng nhất từ lệnh trừng phạt kinh tế Nga, giảm 22,5%.
Xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, đặc biệt là ô tô, cũng giảm 17,7% và xuất khẩu nguyên liệu thô, nhất là sắt và thép, sụt khoảng 15%.
Quốc gia được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất là Cyprus, với xuất khẩu sang Nga trong các năm 2014 - 2016 giảm 34,5%.
Huy Vũ
Theo Baodatviet.vn