Làn sóng áp thuế thương mại có thể ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Sri Lanka được Mỹ viện trợ, rắn với Trung Quốc
- Cập nhật : 25/08/2018
Sri Lanka mở cửa cảng nước sâu Hambantota, không cho Trung Quốc quân sự hóa sau khi được Mỹ viện trợ.
Các quan chức quốc phòng cao cấp của Sri Lanka đã xác nhận rằng 1 cảng biển tại Sri Lanka đang được Trung Quốc thuê sẽ được mở cửa cho tất cả các nước để đảm bảo tự do hàng hải.
Tuyên bố được đưa ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tới Thủ đô Colombo. Ông Onodera là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản tới thăm nước này.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene, Bộ trưởng Nhật Bản cho rằng, cảng Hambantota nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng.
Cảng Hambantota ở miền nam nước này đã được xây dựng bởi công ty Trung Quốc, vay bằng vốn của Trung Quốc và nước này không đủ trả nợ. Sri Lanka đã phải cho một công ty Trung Quốc thuê và vận hành với thời hạn 99 năm. Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka bất chấp những cảnh báo của quốc tế về núi nợ đang đè nặng trên vai chính phủ của ông Sirisena. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka thông báo đã đàm phán thành công khoản vay gần 1 tỷ USD từ Trung Quốc.
Quốc gia này đã tuyên bố sẽ không cho phép Trung Quốc sử dụng cảng Hambantota vào các mục đích quân sự.
Chiến thuật chung trong các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai- Con đường" là Trung Quốc đang tìm cách sử dụng chiêu bài cho vay tài chính, hay còn gọi là "bẫy nợ", để tăng cường kiểm soát các cảng chiến lược ở Ấn Độ Dương, trong đó có cảng Hambantota của Sri Lanka.
Tham tán chính trị tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Sri Lanka Luo Chong hồi tuần trước cũng xác nhận hợp đồng thuê cảng quy định rõ Hambantota sẽ không bao giờ được sử dụng với mục đích quân sự. Ngoài ra, chỉ chính phủ Sri Lanka mới có quyền quyết định cho các tàu chiến nước ngoài cập cảng.
Trong khi đó, Sri Lanka cũng nhận được sự hỗ trợ của Mỹ.
Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Colombo thông báo ngày 13/8 cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ viện trợ cho Sri Lanka gần 39 triệu USD dưới hình thức "hỗ trợ tài chính quân sự" để thúc đẩy an ninh hàng hải.
"Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ gặp và thảo luận với chính phủ Sri Lanka về vai trò của khoản viện trợ này trong Sáng kiến Vịnh Bengal, cũng như các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và đối phó thảm họa" - thông cáo của Đạisứ quán Mỹ cho biết.
Đề án viện trợ này hiện vẫn chờ Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Trong báo cáo thường niên trình Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc hôm 16/8, Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong các hoạt động phô diễn sức mạnh ở những khu vực quan trọng.
Cả chính quyền Trump và Quốc hội Mỹ đều cho rằng Trung Quốc đang sử dụng các khoản đầu tư cũng như các khoản vay ưu đãi để gắn kết các quốc gia nhận viện trợ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với các lợi ích của Bắc Kinh.
Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khóa 2019, Quốc hội Mỹ đã nhấn mạnh rằng “cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ”. Đạo luật này được Tổng thống Donald Trump ký vào ngày 13/8, trong đó thông qua khoản ngân sách quân sự 717 tỷ USD.
Đạo luật quốc phòng mới của Mỹ đã kêu gọi “xem xét lại, mở rộng và gia hạn” Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á của Washington. Điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia Nam Á như Sri Lanka và Bangladesh cũng sẽ được nhận sự hỗ trợ và huấn luyện quân sự từ Mỹ. Tại Nam Á, Mỹ đã có thỏa thuận hậu cần với Ấn Độ, cho phép các lực lượng vũ trang của hai nước sử dụng cơ sở quân sự của nhau, bao gồm cả các căn cứ hải quân.
Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc cũng ngày càng tăng lên ở khu vực Nam Thái Bình Dương, trong khi ảnh hưởng chiến lược của Mỹ tại khu vực này chủ yếu thông qua Australia và New Zealand.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng Sri Lanka đã nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh và đây là thời điểm của Mỹ.
Meg Taylor, Tổng Thư ký Diễn đàn Các Đảo Thái Bình Dương, nhận định: “Sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc một lần nữa đặt khu vực của chúng ta vào một vị trí với tầm quan trọng chiến lược và lợi ích mới”.
Nếu các nước đồng ý trao các cảng nước sâu cho Trung Quốc để đổi lấy việc được xóa nợ, đây sẽ là điều đáng quan ngại về an ninh đối với Mỹ. Rốt cuộc, chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn nhằm ngăn không cho Trung Quốc thiết lập bất kỳ cơ sở tình báo và hậu cần nào ngoài căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh ở Djibouti.
Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, quan hệ song phương đang dần được cải thiện.
Quân đội hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn tập, huấn luyện chung tại căn cứ hải quân ở Trincomalee. Hải quân Sri Lanka cũng được mời tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương 2018 của Mỹ.
Kim Hoa
Theo Baodatviet.vn